Trẻ cao nhanh - cảnh giác dậy thì sớm

ANTĐ - Thông thường, tuổi dậy thì ở trẻ em gái là 12-13 tuổi và dao động trong khoảng 10-15 tuổi. Bé trai độ tuổi dậy thì bình thường rơi vào độ tuổi 12-17 tuổi. Trẻ được coi là dậy thì sớm ở thời điểm bắt đầu trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Vài thập niên gần đây, tuổi dậy thì ở trẻ em trên thế giới ngày càng giảm, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Độ tuổi có kinh ở trẻ gái ngày càng sớm, trung bình cứ 2 thế hệ giảm đi một tuổi.

Theo các bác sĩ, hơn 90% trường hợp dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Còn lại các trường hợp khác là do có những bất thường vùng dưới đồi, tuyến yên (não), u bướu buồng trứng… Thói quen ăn thức ăn nhanh, lối sống ít vận động, xem tivi nhiều, chế độ dinh dưỡng dư thừa cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ dậy thì sớm.

Theo các bác sĩ, các bé gái cao nhanh, đạt chiều cao tối đa theo tuổi từ 2-4 tuổi và giữ chiều cao tối đa theo tuổi cho đến những năm sau đó đến dậy thì thường có nguy cơ dậy thì sớm. Thông thường, các em này khi vào mẫu giáo hoặc cấp I sẽ có chiều cao vượt trội so với các bạn cùng lớp và thường nằm trong nhóm các bạn cao nhất lớp. Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng những bé gái thừa cân, béo phì có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn những em gái nhẹ cân, hay biếng ăn. Ở nhóm đối tượng thiếu cân, người ta thấy, các em thường trải qua tuổi dậy thì muộn hơn so với những bạn cùng trang lứa. 

Các chuyên gia y tế giải thích, sở dĩ trẻ dậy thì sớm là do một loại hormone - kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Do đó những cô bé thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.

Dậy thì sớm khiến trẻ thấp lùn, các em cũng đối diện với nguy cơ bị lạm dụng tình dục, lão hóa sớm. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần chữa trị. Các bác sĩ khuyến cáo chỉ điều trị can thiệp trên những trẻ bị dậy thì sớm “thật” tức là dậy thì sớm trung ương tiến triển. Để chẩn đoán đúng bệnh, đúng nguyên nhân, cần phải thăm khám, đo tuổi xương, xét nghiệm máu, siêu âm tử cung, theo dõi, kiểm tra GnRH.

Để phòng dậy thì sớm, phụ huynh nên giảm cho trẻ ăn thức ăn công nghiệp, không lạm dụng hóa chất như thuốc, men tiêu hóa, mỹ phẩm, tăng cường lối lành mạnh, hòa mình với thiên nhiên, vận động nhiều. Cha mẹ cũng cần gần gũi, quan tâm con nhiều hơn để sớm nhận ra những thay đổi cơ thể và tâm sinh lý của bé.