Trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt, điều trị thế nào cho đúng?

ANTD.VN - Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, vào đầu Hè, số trẻ vào khám do sẩn ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm da… tăng mạnh. Đáng chú ý, có rất nhiều trẻ bị biến chứng do bố mẹ tự chăm sóc bằng cách tắm lá hoặc mua thuốc về bôi, cho uống một cách tùy tiện.

Trẻ bị bệnh rôm rảy, viêm da thường gia tăng trong mùa hè

Trẻ vào khám do sẩn ngứa da, rôm sảy... tăng cao

Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mùa hè thời tiết nóng ẩm làm mồ hôi tiết ra nhiều, bụi bẩn bám vào da, cùng với sự phát triển của vi sinh vật trên da làm cho tỷ lệ bệnh da tăng lên.

Đặc biệt với trẻ em, do sức đề kháng còn yếu, làn da mềm mỏng, trẻ lại thường đùa nghịch nên ra mồ hôi nhiều hơn, dẫn tới tỷ lệ mắc các bệnh về da vào thời điểm đầu hè trở đi rất cao.

Thống kê của bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, bắt đầu từ thời điểm chớm hè, khoảng 20% bệnh nhi đến khám là do bị sẩn ngứa côn trùng cắn. Cùng đó, số trẻ mắc rôm sảy, viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng, mụn nhọt, chốc lở, viêm kẽ... vào khám cũng tăng vọt.

Trung bình, vào mùa hè, khoa điều trị cho khoảng 3.000 ca bệnh chốc, 8.000 lượt bệnh nhân mắc sẩn ngứa hay 1.000 lượt bệnh nhân viêm kẽ… Những con số này đều tăng hơn nhiều so với mùa đông” – bác sĩ Phượng cho biết.

Trong đó, ở giai đoạn chớm hè như thời điểm này, bệnh gia tăng nhiều nhất là viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng và dị ứng côn trùng, rôm sảy, thường gặp ở trẻ 3-4 tuổi, bởi ở độ tuổi này trẻ chưa có ý thức giữ gìn da, thường cào gãi nhiều, làm tăng tổn thương da…

Theo bác sĩ Hoàng Thị Phượng, rôm sảy ở trẻ nhỏ thường xuất hiện thành đám, mảng lớn tại các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, nhiều khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân.

Đây là bệnh tuy không nguy hiểm, đa số có thể điều trị tại nhà, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến một vài biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, nấm, nặng hơn có thể dẫn tới một số biến chứng toàn thân như viêm cầu thận do nhiễm khuẩn ở da.

Đáng chú ý, rất nhiều phụ huynh, nhất là các phụ huynh sinh con đầu chưa có nhiều kinh nghiệm thường hay mắc sai lầm trong cách chăm sóc, điều trị bệnh viêm da, rôm sảy cho trẻ nhỏ.

Chẳng hạn, vào mùa hè, việc quấn tã, lót, bỉm hàng ngày làm cho trẻ có nguy cơ mắc rôm sảy cao hơn do mồ hôi tiết ra không thoát ra được, ngoài ra có thể làm trẻ dễ mắc các bệnh như viêm kẽ do nấm, do vi khuẩn.

Có nên tắm lá, bôi phấn rôm cho trẻ?

Bác sĩ Hoàng Thị Phượng nhấn mạnh, tại bệnh viện, các bác sĩ gặp rất nhiều phụ huynh sai lầm trong cách điều trị rôm sảy cho trẻ bằng cách cho trẻ tắm các loại lá cây theo truyền miệng mà không tìm hiểu đầy đủ, nhất là ở trẻ sơ sinh. Cùng đó, nhiều bố mẹ tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi cho trẻ nhưng không có sự tư vấn, chỉ định cụ thể của bác sĩ.

“Chúng tôi không khuyến khích việc bôi phấn rôm cho trẻ để điều trị rôm sảy bởi việc này càng khiến tình trạng dính trên bề mặt da nhiều hơn, khiến trẻ càng dễ bị “bí da”, dễ bị viêm da hơn” – bác sĩ Phượng khuyến cáo.

Hơn nữa, với trẻ em, thuốc bôi phải dùng loại nhẹ, nhưng nếu không may gặp người bán thuốc có thể không hiểu biết đầy đủ mà bán cho loại có thành phần corticoid nặng, khi dùng bôi cho trẻ có thể gây biến chứng, nếu sử dụng bôi kéo dài có thể gây nhiễm trùng, giãn mạch da, biểu hiện nhìn rõ các mạch máu nhỏ, cảm giác da mỏng hơn rất nhiều…

Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều người lớn khi thấy trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt thường gãi hoặc nặn, “giết” rôm cho nhau. Việc này làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng “cái sảy nảy cái ung”, nặng hơn nữa trẻ có thể bị biến chứng viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng…

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương khuyến cáo, khi trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt do nắng nóng đầu hè, người lớn nên chăm sóc cho trẻ bằng cách xoa nhẹ để trẻ đỡ ngứa, không nên gãi, hay giết rôm; cho trẻ mặc quần áo mát mẻ, thoáng khí; cho trẻ chơi đùa ở nơi thông gió, hạn chế tiết ra mồ hôi; tắm thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch, cũng có thể dùng một số loại lá, quả để tắm cho trẻ mướp đắng, rau má, sài đất...

Trường hợp da trẻ bị viêm nhiều, lâu khỏi, cần bôi kem có corticoid nhẹ, trong kem có thể có kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng, tránh các biến chứng xảy ra và đặc biệt không nên lạm dụng thuốc. Cho trẻ uống nhiều nước nhưng hạn chế các loại nước có nhiều đường, ăn các thức ăn giàu vitamin…