Trẻ bị bỏng nặng, mất mạng vì học theo clip trên mạng: Vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã cấp cứu cho trường hợp bé Đ.D.H, 10 tuổi (trú tại Đông Triều) bị bỏng cồn nặng do học clip trên mạng, tự mua cồn về đốt.

Được biết, bé H có xem video hướng dẫn trên internet và tự mua cồn về đốt thử bằng bật lửa. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên làm bỏng toàn bộ vùng tay và mặt của em.

Hậu quả là bé H nhập viện trong tình trạng có nhiều nốt dạng phỏng nước vùng mặt. Bệnh nhi đã được làm sạch, cắt lọc bề mặt da diện bỏng hoại tử, đắp gạc tẩm silvirin diện bỏng và băng bỏng.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn thương tâm của trẻ nhở mà nguyên nhân là do học, làm theo các clip trên mạng.

Mới đây, một bé trai 8 tuổi ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được phát hiện bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun và đã không qua khỏi.

Trước đó, một bé gái 12 tuổi, ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đang học lớp 7 cũng được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ, bên cạnh là chiếc điện thoại em hay dùng. Kiểm tra điện thoại cho thấy, nạn nhân đã vào trang mạng nước ngoài xem video hướng dẫn tự tử rồi làm theo.

Còn tại TP.HCM, một bé trai 8 tuổi được gia đình phát hiện khi treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ vì học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube.

Cha mẹ cần quản lý, kiểm soát, hướng dẫn trẻ khi sử dụng mạng (ảnh minh họa)

Cha mẹ cần quản lý, kiểm soát, hướng dẫn trẻ khi sử dụng mạng (ảnh minh họa)

“Những sự việc trên cho thấy nguy cơ chết người từ việc trẻ em bị nhiễm “độc” thông tin trên mạng internet và sự thiếu trách nhiệm của người lớn” – Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nhận định.

Cũng theo Tiến sỹ Cẩm Tú, môi trường mạng Internet luôn đa dạng các nguồn thông tin, trong đó có nhiều thông tin vừa không phù hợp lứa tuổi của trẻ em, vừa tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp hoặc gây nguy hiểm mà trẻ dễ dàng học theo, đặc biệt bằng các video, clip trên YouTube.

Các clip hướng dẫn trẻ lập tài khoản, dẫn dụ trẻ thực hiện vượt qua các thử thách, rồi khuyến khích, ép buộc hoặc kích động trẻ làm nhiều việc nguy hiểm... xuất hiện ngày càng phổ biến, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của trẻ, là hiểm họa khôn lường đối với các em.

Với việc phát triển mạnh mẽ của Internet như hiện nay, việc cấm hoàn toàn trẻ em dùng thiết bị công nghệ số là không nên. Tuy vậy, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm, gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn đến trẻ, trang bị cho trẻ kỹ năng sống phù hợp, cách dùng thiết bị công nghệ và sử dụng mạng một cách an toàn.

Cha mẹ cần đưa ra quy định thời gian dùng mạng, hướng dẫn trẻ không vào, tránh khai thác những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, hướng dẫn con truy cập vào các trang mạng có nội dung lành mạnh bổ ích...Bên cạnh đó, phụ huynh cần danh thời gian lựa chọn và đồng hành cùng con trong các trò chơi, hoạt động bổ ích ngoài trời, giảm thời gian vào mạng và sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ - Tiến sỹ Cẩm Tú khuyến cáo.