Trật tự giao thông Hà Nội chuyển biến rõ nét

ANTĐ - “So sánh với các số liệu cùng kỳ năm 2011, cùng thực tế diễn biến trật tự giao thông - đô thị Hà Nội 4 tháng đầu năm 2012, có thể nhận thấy sự chuyển biến rõ nét. 

Đó chính là kết quả của những giải pháp, nỗ lực thực hiện của cơ quan chức năng và nhất là sự đồng thuận của người dân”, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng BCĐ 197 thành phố, ông Nguyễn Văn Khôi nhận định tại hội nghị triển khai Chương trình công tác quý II-2012 Ban chỉ đạo 197 thành phố, diễn ra chiều 26-4.

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã trở nên thông thoáng

 Sự ổn định về ANCT- TTXH trên địa bàn Thủ đô những tháng đầu năm, theo Thiếu tướng Trần Thùy - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, bắt nguồn từ tổng hòa những giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân; công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác phòng ngừa - đấu tranh của lực lượng công an, đặc biệt BCĐ 197 thành phố đã tập trung triển khai thực hiện chương trình 05 của Thành ủy (CATP là thường trực) về “Tăng cường quốc phòng, an ninh bảo đảm TTATXH” đến các sở, ban, ngành và BCĐ 197 quận, huyện, thị xã. 

Song hành cùng sự ổn định về ANTT địa bàn Thủ đô là những biện pháp quyết liệt, tương đối bài bản, đồng bộ để lập lại TTATGT - ĐT. Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT nhận định, công tác tổ chức giao thông, xử lý “điểm đen” về tai nạn giao thông đã đạt được hiệu quả cao. Sở GTVT cùng CATP đã nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố phương án cấm phương tiện ô tô tải và taxi hoạt động trên một số tuyến đường trong giờ cao điểm dịp Tết Nguyên đán; phương án cấm taxi hoạt động trên 11 tuyến phố vào giờ cao điểm, hay cấm xe tải hoạt động từ 6h đến 21h trên các tuyến đường từ vành đai 2 trở vào. Điểm nhấn trong những biện pháp lập lại TTGT - ĐT, là ngành chức năng đã tham mưu, đề xuất và UBND thành phố đồng ý ban hành văn bản quy định cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố; đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra xử lý các điểm, phương tiện vi phạm, thu hồi giấy phép kinh doanh của các điểm trông giữ phương tiện trên các tuyến phố này.

Thu hút được sự quan tâm của dư luận và bước đầu đạt được kết quả nhất định trong “gói” giải pháp lập lại TTGT, chống ùn tắc, là việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh, phân làn phương tiện trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá ban đầu của các sở, ngành thì giải pháp này đã phát huy hiệu quả bước đầu, tạo chuyển biến tích cực như TNGT, ùn tắc trong giờ cao điểm buổi sáng giảm rõ rệt; đường thông hè thoáng hơn trước và ý thức người tham gia giao thông cũng đã tích cực hơn.

Tại hội nghị, lãnh đạo thường trực BCĐ 197 thành phố đã đề nghị đại diện một số sở, ngành chức năng báo cáo kết quả triển khai công tác trong quý I, đặc biệt đánh giá những tồn tại mang tính hệ thống. Đó là đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo với công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh - sinh viên trên địa bàn thành phố thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Đề xuất giải pháp địa điểm đỗ xe cho phụ huynh học sinh khi đến đón con em. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế báo cáo về công tác thanh kiểm tra hoạt động y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ. Đại diện lãnh đạo huyện Từ Liêm báo cáo giải pháp và tiến độ giải quyết chợ “cóc”, chợ tạm ảnh hưởng đến TTATGT…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đánh giá cao kết quả của các ban ngành, quận huyện đã đảm bảo an toàn ANCT, tội phạm được kiềm chế, ùn tắc, tai nạn giao thông giảm. Công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt. 

Ông Nguyễn Văn Khôi gợi mở 6 nhóm giải pháp trong thời gian tới đối với với BCĐ 197 các quận, huyện, thị xã và các ngành chức năng, như tiếp tục củng cố, kiện toàn BCĐ 197 các cấp; tổ chức triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra, trong đó chú trọng các công tác trọng tâm. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đề nghị, CATP phải làm tốt vai trò thường trực BCĐ 197 thành phố, chủ động tham mưu cho thành phố và các cấp phối hợp đảm bảo vững vàng ANCT, TTXH, nhất là dịp 30-4 và 1-5. Một nhiệm vụ trọng tâm trong quý II của BCĐ 197 thành phố và các cấp, là tăng cường đảm bảo an toàn giao thông; giảm tối thiểu 20% tai nạn giao thông và 30% ùn tắc giao thông. Đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Khôi, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phải tăng cường duy tu thường xuyên hè, đường cho người đi bộ và phương tiện, xử lý nghiêm các vi phạm của chợ “cóc”, chợ tạm lấn chiếm hè đường…