Trật tự châu Á bị thách thức

ANTĐ - Thời gian gần đây, giới chuyên gia nói nhiều đến mối quan hệ cộng sinh cũng như những căng thẳng chiến lược trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ này ngoài việc tác động đến bản thân hai cường quốc còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến trật tự khu vực châu Á. 
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Công) vừa đăng bài phân tích của Andrew Leung, một chuyên gia độc lập về Trung Quốc ở Hồng Công, trong đó đưa ra những nhận định cụ thể về vấn đề này như sau:
Trong nhiều thập kỷ, biển Đông tương đối yên tĩnh mặc dù đôi khi xảy ra xung đột lãnh hải. Vùng biển này đến nay phụ thuộc vào một chiếc ô quân sự Mỹ chiếm ưu thế vượt trội  mà ở đó các quốc gia khu vực phát triển theo một chuỗi sản xuất và cung ứng cho toàn cầu với Trung Quốc là trọng tâm. Sự ổn định này hiện nay đang bị phiền nhiễu bởi một vài mặt trận.
Đầu tiên, Trung Quốc coi biển Đông như một khu vực có tầm quan trọng chiến lược ngày càng gia tăng đến mức nước này trở nên ngạo mạn hơn bao giờ hết. Trung Quốc từ lâu đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền lãnh hải lịch sử đối với một số hòn đảo nhất định và các đảo san hô vòng và theo đó là một vùng biển rộng lớn ở biển Đông, được phân ranh giới bởi “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” đầy tranh cãi. Nằm trong các vùng nước đó là các tuyến hàng hải sống còn đối với sự tồn tại của nền kinh tế cũng như là những tiềm năng khổng lồ về trữ lượng năng lượng. Các đối thủ cùng tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc trong vùng biển này đã trở nên quyết đoán hơn nhiều trong các tuyên bố của họ, dẫn đến một số căng thẳng trên biển trong thời gian gần đây.
Trong những năn qua, Trung Quốc đã xây dựng các mối quan hệ hài hòa với các nước xung quanh và cả các nước ngoài khu vực. Bắc Kinh đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2003. Với việc thực thi Khu Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc, “con đường ASEAN”, dựa trên sự đồng thuận và bình đẳng, Trung Quốc đã giành được sức cuốn hút. Tuy nhiên, sự hài hòa cùng có lợi này giờ đây đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng.
Thứ hai, có một sự cạnh tranh quân sự đang ngày càng gia tăng giữa  Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng một lực lượng hải quân biển xa, với việc trang bị chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này. Các chiến lược gia của Mỹ cũng đã bắt đầu lo ngại bởi những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo những quả tên lửa cơ động được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, cũng như chiến tranh mạng, kỹ thuật không gian và nhiều lĩnh vực khác.
Để chống lại Trung Quốc, quân đội Mỹ được cho là đang lên kế hoạch mở rộng trên quy mô lớn hệ thống rađa phòng thủ chống tên lửa ở châu Á. Gần đây, Thời báo Hoàn Cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc đưa tin rằng, Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Thứ ba, có một sự chia rẽ đang lớn dần trong mối quan hệ kinh tế cộng sinh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ giờ đây đang cảm thấy đau đớn vì mất nhiều việc làm vào tay Trung Quốc. Điều đó đã được báo động tới mức tiêu dùng quá cao đến mức ngập trong nợ nần của Mỹ và được Trung Quốc hào phóng hỗ trợ tài chính. Về phần mình, Trung Quốc thận trọng với việc dựa quá nhiều vào xuất khẩu cũng như vấn đề tích trữ tiết kiệm quá nhiều trong một “cái bẫy đôla Mỹ”. Hơn nữa, việc phổ biến “mối đe dọa Trung Quốc” đã dẫn đến sự không hài lòng và thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước. Do đó, những lập trường sai lầm này đòi hỏi một sự xem xét lại về một trật tự châu Á bền vững hơn. Trước tiên, cần phải hiểu là với những thách thức nội tại đang đe dọa khu vực, Trung quốc cần một môi trường quốc tế ổn định và hòa bình để phát triển và tiến bộ. Theo lời khuyên của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc sẽ không tìm cách đạt được vai trò lãnh đạo tước khi trở thành nước phát triển hoàn toàn. Hơn nữa, khi phúc lợi kinh tế và an ninh quốc gia của Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào việc hội nhập với trật tự thế giới, Trung Quốc sẽ có những lợi ích trong việc hành xử như một cường quốc có trách nhiệm.
Trung Quốc do đó đã hoạt động, và có lợi, trong một trật tự khu vực ổn định chủ yếu do Mỹ thiết lập. Trong khi một nước Trung Quốc đang nổi lên có thể không còn chấp nhận sự thống trị của Mỹ một cách dè dặt nữa, việc đánh bật Mỹ khỏi khu vực châu Á sẽ không phải là lợi ích tốt nhất của Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc đủ khả năng làm được như vậy. Dưới quan điểm này, sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ không cần phải phụ thuộc vào Mỹ.
Ngoài ra, theo Ủy ban tình báo quốc gia Mỹ, trong một thế giới liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, khả năng của Mỹ trong việc lãnh đạo thế giới đã bị kiềm chế hơn. Để ngăn chặn các thách thức toàn cầu và để duy trì trật tự thế giới, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với nhiều nước và vùng lãnh thổ, cũng như là các đồng minh và phi đồng minh, trong đó có nước Trung Quốc đang nổi lên. Thay vì  kiểm tra “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, Mỹ nên tận dụng một cách chiến lược sự trỗi dậy này của Trung Quốc để đạt được một sự ổn định khu vực bền vững.
Hơn nữa, không một láng giềng nào của Trung Quốc, gồm cả Nhật Bản, muốn tham gia một khối quân sự chống Trung Quốc do tất cả các nước đó đều phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế.
Đối lập với nền tảng này, những ý tưởng về một trật tự châu Á ổn định hơn đang được một số chiến lược gia nổi tiếng đưa ra. Như đã nêu trong cuốn sách “Sự lựa chọn Trung Quốc” mang ý tưởng kích động của mình, Giáo sư Hugh White đã lưu truyền tư tưởng về một châu Á “phối hợp các quyền lực” để tránh một đối thủ chiến lược có khả năng nguy hiểm chết người. Mỹ là một đối tác và chia sẻ quyền lực khu vực với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, sẵn sàng giúp đỡ hoặc cân bằng với các lợi ích khu vực cốt lõi của Trung Quốc, cùng với những lợi ích như vậy của Nhật Bản và Ấn Độ. Mặc dù cách tiếp cận của Giáo Sư Hugh White có thể được xem xét, nhưng thách thức là làm thế nào có thể đạt được những điều đó khi không có sự thỏa hiệp trong các lợi ích của các đồng minh khu vực của Mỹ?
Zbigniew Brzezinski, một chuyên gia kỳ cựu về chính sách ngoại giao ở Mỹ, đề xuất một chiến lược lớn của Mỹ trên toàn cầu, bao gồm một “Phương Tây rộng lớn hơn” bằng cách lôi kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào một Liên minh châu Âu (EU) mở rộng và một “Phương Đông phức hợp”, nơi Mỹ sẽ hành động như một “người cân bằng khu vực” giống như vai trò của Anh trong nền chính trị châu Âu trước thế kỷ 20.
Một điểm mấu chốt trong thành phần hợp thành chiến lược của Brzezinski về Phương Đông là “Tam giác hợp tác Mỹ-Nhật-Trung” được nuôi dưỡng thông qua việc tái hòa giải giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giống như đã từng diễn ra giữa Đức và Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Để điều tiết các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Brzezinski gợi ý giải pháp ban đầu cho những vấn đề bế tắc chính trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. 
Chuyên gia này hoài nghi việc Đài Loan có thể né tránh hoàn toàn một tiến trình gắn kết chính thức hơn với Trung Quốc đại lục, có lẽ là dưới công thức “một nước vài chế độ”, nhằm tránh bất kỳ hình thức triển khai nào của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên hòn đảo này. Sự tái trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc thế giới đánh dấu một bước ngoặt khác trong vòng quay của lịch sử. Một màn kịch chuyển giao quyền lực kiểu cổ điển đang diễn ra. Sự đổ vỡ của trật tự châu Á là một viễn cảnh rõ ràng. Một chiến lược hoàn toàn thiên về quân sự chứa đựng đầy rẫy những nguy cơ không thể kiểm soát có thể leo thang thành chiến tranh. Quản lý và điều tiết sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không hy sinh các lợi ích của Mỹ thể hiện sự hiểu biết chiến lược sâu sắc và suy nghĩ táo bạo trong bối cảnh mở rộng nhất.
Trong khi sự phát triển và những sự kiện hiện nay chưa chắc phù hợp với bất kỳ công thức nào, việc hiểu biết sâu sắc hơn và tranh luận về động lực hợp tác có lẽ có tác dụng hỗ trợ tốt hơn cho việc quản lý một trật tự châu Á bền vững hơn, với trụ cột là sự phát triển quan hệ Mỹ - Trung, một mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ 21.