Trào lưu ở phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dĩ nhiên là ở các vùng nông thôn cũng có những trào lưu. Nó cũng dày dặn lâu đời và phong phú như ở phố. Chỉ có một khác biệt nhỏ. Vài sinh hoạt có tính vùng miền và đặc điểm địa lý riêng biệt như Lễ hội Linh tinh tình phộc ở miếu Đụ Đị vùng Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ. Hoặc Lễ hội Tắt đèn vùng Bắc Ninh, Hà Đông cũ là những sinh hoạt chưa biến thành trào lưu toàn xã hội tuy có lan sang những địa phương khác. Phần còn lại là những trào lưu phổ biến trên những vùng địa lý rộng lớn hơn.
Hiện nay người dân không phải khó khăn trong việc lựa chọn phong cách theo bất kì quy chuẩn thời trang nào - Ảnh: LAM THANH

Hiện nay người dân không phải khó khăn trong việc lựa chọn phong cách theo bất kì quy chuẩn thời trang nào - Ảnh: LAM THANH

Thành phố là nơi phát sinh ra những trào lưu ngắn hạn. Hà Nội không phải là ngoại lệ. Chỉ tính riêng cách ăn mặc, trang sức thôi thì những trào lưu ở Hà Nội đã có những ảnh hưởng đáng kể trên toàn bộ miền Bắc. Bắt đầu từ cái ống quần cả nam và nữ từ những năm 60 bắt đầu bó hẹp lại. Đến đầu những năm 70 thì ống quần nhỏ đến mức người mặc nó phải ngồi xuống mới hy vọng đút vừa bàn chân trong tư thế vũ ba lê.

Trào lưu này không chỉ chấm dứt vào quãng năm 1972 mà còn phát sinh ra một trào lưu ngược lại. Đó là chiếc ống quần bắt đầu loe rộng dần ra cho đến hết khổ vải. Các bác thợ may lúc này đúng ra phải là những người phản đối trào lưu này nhất vì không còn nhiều giẻ vụn để “ăn”. Vậy mà không. Họ hào hứng may theo yêu cầu và còn sáng tạo thêm khá nhiều biến thể. Đại khái khi cạp trễ, lúc cạp cao, lúc có ly lúc “xăng ly”...

Cùng với cái ống quần, đầu tóc cả nam lẫn nữ cũng theo những trào lưu khá sôi động. Con gái Hà Nội thập kỷ 60 rất hiếm người phi dê (uốn xoăn) tóc. Hiệu làm đầu nữ chỉ có một hai điểm ở phố. Câu hát từ ca khúc “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải ngày ấy được chế lời thành “Đầu phi dê trông cao bồi/Đầu phi dê trông xấu ghê/Anh em ơi đừng phi dê trông cao bồi. Thà để tóc tết đuôi sam…”.

Đến thập kỷ 70 nhiều hiệu làm tóc nữ mới ra đời. Và phi dê bắt đầu trở thành trào lưu của chị em. Hình ảnh những hiệu làm đầu trở nên quen thuộc với chiếc nồi hấp to tướng bày một hàng dài úp trên đầu những chị em mặt mũi khá chán chường. Không chán sao được khi mà công việc nhộn nhạo phố phường ngoài kia đang thúc giục bổn phận nữ nhi thì vào đây phải chui đầu vào cái nồi hấp ấy vài giờ đồng hồ.

Đàn ông lúc này cũng không còn trung thành với lối tóc chải ngôi bên vuốt ra sau. Gọi nôm na là đầu đít vịt. Có lẽ chính cái tên gọi có phần mách qué ấy mà thanh niên Hà Nội bỏ được mái tóc chẻ ngôi bên vuốt ra sau đẫm đầy dầu bóng. Mà dầu chải tóc lúc ấy chỉ có duy nhất một loại vaseline không rõ xuất xứ, đặc sệt hôi mù. Trai phố bắt đầu để tóc dài vào đầu thập kỷ 70 cùng với trào lưu quần ống loe. Trào lưu này mạnh mẽ đến mức Đoàn thanh niên phải vào cuộc.

“Thành phố là nơi phát sinh ra những trào lưu ngắn hạn. Hà Nội không phải là ngoại lệ. Chỉ tính riêng cách ăn mặc, trang sức thôi thì những trào lưu ở Hà Nội đã có những ảnh hưởng đáng kể trên toàn bộ miền Bắc. Bắt đầu từ cái ống quần cả nam và nữ từ những năm 60 bắt đầu bó hẹp lại. Đến đầu những năm 70 thì ống quần nhỏ đến mức người mặc nó phải ngồi xuống mới hy vọng đút vừa bàn chân trong tư thế vũ ba lê. Trào lưu này không chỉ chấm dứt vào quãng năm 1972…”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Họ tổ chức ra những Đội thanh niên cờ đỏ chặn ở các ngã tư đông đúc. Công việc đơn giản chỉ dùng đến một công cụ duy nhất, chiếc kéo. Thanh niên quần loe, tóc dài được mời vào trụ sở. Đầu tóc sẽ được xén gọn bằng một nhát kéo bên tóc mai. Phần còn lại đương sự tự giải quyết ở hiệu cắt tóc. Quần ống loe được một đường kéo từ gấu quần lên đầu gối tùy theo độ quen biết của đương sự với Thanh niên cờ đỏ. Nếu là người lạ thì cứ theo nếp là ly quần mà lia nhát kéo lên. Nếu là người quen sẽ được châm chước cắt đúng đường may bên cạnh. Cắt như thế về nhà hoàn toàn có thể cắt bỏ chỗ loe may lại thành quần ống thường. Hoàn toàn phù hợp với tình hình tem phiếu vải lúc ấy.

Mặc đã vậy và ăn cũng có những trào lưu từng bùng phát ở Hà Nội. Bắt đầu phải kể đến trào lưu uống bia hơi vào khoảng đầu thập kỷ 70. Lúc này, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã tạm ngưng. Hàng bia hơi Hà Nội đông đúc chưa từng thấy. Đơn giản vì nó phù hợp với túi tiền của đa số đàn ông trong phố. Tiếp đến là trào lưu thịt chó Nhật Tân vào quãng những năm 80. Ngần ấy năm bao cấp, thứ thiếu thốn nhất của dân phố lúc ấy vẫn là thịt. Và thịt chó là món rẻ nhất. Không thể nói là không ngon, cả dãy phố ven đê Nhật Tân kéo dài vài cây số chi chít những là Anh Tú, Anh Trang, Trần Mục… đều là quán thịt chó cả. Trào lưu này lắng xuống vào đầu thập kỷ 90. Thay cho nó là thịt thú rừng.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Cầy, lợn rừng, nhím, tê tê, đặc biệt là rắn. Có đến cả một làng Lệ Mật bên Gia Lâm phục vụ thực khách trong phố món thịt rắn. Nó là món ăn bình dân nhất trong hàng ngũ đặc sản nên khá hút khách. Nhưng thời gian kéo dài cũng không lâu lắm. Chỉ đủ để vài gia đình bên ấy làm giàu mà thôi.

Giờ thì đầu tóc, ăn mặc ở phố khó lòng mà hình thành ra nổi một trào lưu. Cả già lẫn trẻ đều hiểu rằng có những thứ đầu tóc, trang phục phù hợp với mình nhất. Và đó mới là thứ quan trọng nhất. Khuyến khích một bác trung niên ở phố để tóc dài giờ còn khó hơn khuyên bác ấy nên cắt trọc. Quần ống loe bây giờ chỉ còn phù hợp với vài cô nàng có chiều cao khiêm tốn để che đi đôi giày cao cả gang tay. Những nhà hàng đặc sản vài năm trước có đủ các món thú rừng. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra rằng mỗi nhà hàng chỉ “đặc sản” nhiều nhất là 2 món mà thôi. Những món còn lại giống như vào hàng phở mà gọi bát mì vậy.

Thế nhưng trào lưu là thứ không bao giờ vắng mặt. Phố cũng thế mà làng cũng vậy. Ấy là những trào lưu trên mạng Internet. Từ xem bói cho đến đổi avatar. Từ đi lễ chùa Tam Chúc cho đến chơi hoa lê và thăm vườn lê Tây Bắc… Kệ nó thôi. Đu trend mà…