"Trào lưu" mở ngành Y, Dược

ANTĐ - Đào tạo bác sĩ, dược sĩ vốn là một lĩnh vực yêu cầu cao khiến cho nhiều người không thể yên tâm với việc các cơ sở tư thục cũng muốn tham gia đào tạo các ngành này. Tuy nhiên, với thực trạng hơn 90 triệu dân trên cả nước nhưng lại chỉ có hơn 20 trường đào tạo bác sĩ, các nhà quản lý đang lo ngại về sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng chăm sóc sức khỏe của người dân.

"Trào lưu" mở ngành Y, Dược ảnh 1

Nhu cầu mở ngành đào tạo Y - Dược đang gia tăng

Khối tư thục được “bật đèn xanh”? 

Sự việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở ngành đào tạo Y, Dược khiến dư luận đặc biệt quan tâm do ngành này từ trước tới nay gần như là “độc quyền” của số ít trường công lập. Đây là ngành đào tạo cao giá nhất với mức điểm đầu vào cao ngất ngưởng. Việc tham gia đào tạo ngành Y, Dược cũng được cho là đem lại doanh thu cao vì nhu cầu lớn,  học phí cũng ở mức cao nhất trong tất cả các khối ngành. 

Sau kết luận ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa đủ điều kiện tuyển sinh ngành Y, Dược,  nhiều ý kiến lo ngại về năng lực đào tạo của những trường mới mở ngành này. Sự việc lại càng đáng nói hơn khi mới đây, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm cũng tuyên bố lập dự án đầu tư thành lập trường ĐH Y dược quốc tế Hoa Lâm tại Khu y tế kỹ thuật cao ở quận Bình Tân TP.HCM. Công ty này cho biết, họ có đủ điều kiện về đất đai, nhân sự và nguồn vốn đầu tư xây dựng nên đã gửi công văn tới Bộ GD-ĐT đề xuất thành lập trường. 

Khi được hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc liệu có cấp phép cho việc thành lập trường này hay không, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, việc thành lập trường Y dược phải dựa trên các quy định chung và không phân biệt là trường công lập hay tư thục. Trước đề xuất của TP.HCM, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét về hạn mức quy hoạch và quy hoạch đào tạo nhân lực y tế, đồng thời trường cũng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí hiện hành đối với đào tạo ngành Y, Dược. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về “trào lưu” mở ngành Y, Dược có đảm bảo chất lượng đầu ra hay không khi mà chính Bộ GD-ĐT đã từng phải tạm dừng mở mới ngành này để chấn chỉnh chất lượng đào tạo. 

Đặt “ngưỡng” đảm bảo chất lượng đầu ra

Trước băn khoăn về việc có nên “thả” cho các trường đa ngành, trường ngoài công lập đào tạo nghề mang tính đặc thù cao như bác sĩ, dược sĩ,  PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đưa ra so sánh: “Trên thế giới thì cứ 2-3 triệu dân là có 1 trường Y. Nước Pháp 60 triệu dân có 32 trường, nước Mỹ có tới 151 trường Y. Đất nước chúng ta hiện nay 90 triệu dân, nhưng chỉ có khoảng 20 trường đào tạo bác sĩ. Với ngân sách có hạn thì việc mở thêm một trường Y rất khó khăn. Vậy làm sao để mở thêm trường mà vẫn đảm bảo chất lượng là một bài toán”.

Một trong những định hướng để mở rộng đào tạo ngành Y, Dược mà ông Nguyễn Đức Hinh gợi mở là việc thành lập các phân hiệu  tại nhiều tỉnh. Trên cơ sở hoạt động có sự đảm bảo về chuyên môn cao,  các phân hiệu này sẽ dần dần trở thành trường Y, Dược. Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội dẫn chứng, nhà trường được thành lập năm 1902, sau đó ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng đều là phân hiệu của ĐH Y Hà Nội. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng đầu vào và chuẩn đầu ra của ngành Y, Dược cũng đang được các nhà quản lý đề xuất nhiều phương án.

“Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Y, Dược đã họp và đưa ra đề xuất kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học Y, Dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm). Mặc dù Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh nhưng Y, Dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của Hội đồng” - ông Nguyễn Đức Hinh cho biết.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo - Bộ Y tế cho biết, Bộ đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản cho các ngành: Bác sĩ đa khoa, hộ sinh, điều dưỡng. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33 làm căn cứ cho chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo Y, Dược. “Trong tương lai, chứng chỉ hành nghề y khoa được cấp không phân biệt đào tạo trường công hay tư. Người đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề phải thi ở quốc gia, tái cấp trong 5 năm làm việc tại cơ sở hành nghề. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ hành nghề sẽ là căn cứ để đánh giá chất lượng đào tạo của trường” - ông Nguyễn Minh Lợi khẳng định.