Tránh tuyên truyền chung chung, xa rời thực tế, không sát đối tượng

ANTD.VN -Sáng 4-4, CATP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ làm công tác pháp chế.  Tới dự và báo cáo tại hội nghị có PGS.TS Ngô Văn Thạo, nguyên Vụ trưởng Bộ phận chuyên trách 03 – Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhằm tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2016 đến 2021, theo kế hoạch của UBND Thành phố, CATP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch  triển khai cụ thể. Trong đó, các lĩnh vực xác định tập trung thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật  tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường gồm quản lý đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, ma túy và các tệ nạn xã hội…

PGS.TS Ngô Văn Thạo báo cáo tại hội nghị

Đối tượng tuyên truyền là nhân dân tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, chủ yếu là các đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ phạm tội cao, trọng tâm là các đối tượng nằm trong diện quản lý của lực lượng công an, đối tượng có trình độ nhận thức, văn hóa hạn chế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn trọng điểm.

Căn cứ các tiêu chí xác định địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, CATP Hà Nội rà soát, lập danh sách các địa bàn, tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân ở các địa bàn trọng điểm bằng các hình thức phong phú đa dạng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của CATP…

Nói về sự cần thiết phải tổ chức, xây dựng, tổ chức tập huấn chuyên sâu kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho báo cáo viên, PGS.TS Ngô Văn Thạo nhấn mạnh, điều này xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong quá trình tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền nhằm tăng cường định hướng thông tin cho người dân hiện nay, từ những ưu thế đặc trưng của công tác tuyên truyền miệng …

Về phương pháp chuẩn bị và thực hiện một buổi tuyên truyền miệng, PGS.TS Ngô Văn Thạo cho rằng, để tuyên truyền có hiệu quả cần tìm hiểu kỹ đối tượng, xác định mục đích và chủ đề của bài tuyên truyền, không gian, thời gian buổi tuyên truyền…Sau đó, cán bộ tuyên truyền chuẩn bị tư liệu, tài liệu, xây dựng đề cương bài nói. Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, đa dạng, phong phú, mang tính thời sự, chiến đấu và thiết thực, tránh tình trạng nội dung tuyên truyền chung chung, kinh viện, xa rời thực tế, không sát với đối tượng…