Tranh thủ làm thêm dịp cuối năm: Cẩn thận kẻo vớ phải “quả đắng”

ANTĐ - Để có thêm thu nhập và dành dụm được một khoản kha khá về quê ăn Tết, nhiều bạn sinh viên đã tranh thủ tìm những công việc thời vụ làm thêm trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, vì không tìm hiểu kỹ thông tin nên không ít sinh viên đã vớ phải “quả đắng”…

Sinh viên muốn làm thêm phải tìm hiểu kỹ thông tin để bảo vệ quyền lợi cho chính mình

Công việc hứa hão

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, bạn Nguyễn Hồng Hạnh, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội kể lại, sau khi đọc được thông tin tuyển nhân viên phát tờ rơi quảng cáo trên mạng, lương 150.000 đồng/3 tiếng/ngày, Hạnh đã đến phỏng vấn xin việc.

Tìm đến nơi, Hạnh mới biết đó là văn phòng tư vấn việc làm. Sau khi phỏng vấn, nhân viên tư vấn yêu cầu Hạnh phải nộp 200.000 đồng tiền phí và hứa sẽ gọi lại để trao đổi lịch làm việc cụ thể. Chờ mấy ngày không thấy họ gọi đi làm, quay trở lại đây, Hạnh được nhân viên đưa ra lý do là có quá nhiều sinh viên đăng ký nên phải chờ thêm thời gian. Tuy nhiên, nếu muốn có công việc ngay Hạnh sẽ phải nộp thêm 200.000 đồng nữa, bởi có một công ty đang cần tuyển nhân viên văn phòng gấp. Hạnh cho biết: “Mất một vài phút đắn đo em đã tiếp tục nộp tiền vì nghĩ rằng trước sau gì mình sẽ thu lại được khoản tiền này. Sau cuộc trao đổi ngắn gọn trên điện thoại của nhân viên này với công ty tuyển dụng, em được anh ta cho biết 2 ngày nữa quay lại văn phòng sẽ có lịch làm việc cụ thể”. Hai ngày sau quay lại, Hạnh hoảng hốt khi công ty đã đóng cửa. 

Mặc dù tình trạng sinh viên ăn phải “quả lừa” từ những trung tâm tư vấn việc làm “ma” như Hạnh không phải là ít, thậm chí vấn đề này đã được báo chí cảnh báo nhiều nhưng không ít sinh viên vẫn bị mắc bẫy. 

Cuối năm, nhu cầu cần người làm nhân viên tiếp thị sản phẩm, bán hàng… theo thời vụ của các trung tâm mua sắm, nhà hàng tăng nên nhiều sinh viên đã tận dụng cơ hội này để làm thêm. Với đặc thù công việc làm trong thời gian rất ngắn, chỉ từ 2-3 tiếng/ca, các bạn có thể nhận được mức thù lao tương đối, từ 200.000 – 300.000 đồng/ca, thu hút không ít sinh viên. Đặc biệt, với công việc lấy ý kiến khách hàng, nhiều sinh viên không ngần ngại đến các khu dân cư để xin ý kiến người tiêu dùng, lấy số liệu điều tra. Với 10.000 đồng cho mỗi tờ khảo sát, càng lấy được ý kiến của nhiều người thì thu nhập của các bạn càng cao nên đây là công việc khá hấp dẫn.

Bị hiểu lầm và không có Tết

Tuy vậy, công việc làm thêm của các bạn sinh viên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đơn cử, với công việc lấy ý kiến người dân, nhiều sinh viên bị từ chối vì chủ nhà sợ gặp phải kẻ gian hay nhân viên tiếp thị “rởm”. Chưa kể, hàng ngày phải “cuốc bộ” đến nhiều khu dân cư, nói chuyện, hỏi han đủ điều khiến nhiều bạn mệt tới kiệt sức, không ít người đã phải “bỏ của chạy lấy người”.

Bên cạnh những công việc bán thời gian, thời vụ, nhiều bạn còn nhận làm giúp việc cho các gia đình theo giờ trong thời gian người giúp việc cố định của họ xin nghỉ. Trần Thu Thảo, quê ở Nam Định, sinh viên ĐH Ngân hàng cho hay, do lớn lên ở quê, chưa từng được tiếp xúc nhiều với đồ gia dụng hiện đại nên vừa mới xin vào làm giúp việc cho một gia đình Thảo đã làm cháy lò vi sóng. Thảo buồn bã: “Mới làm được gần 1 tuần, lương chưa kịp lĩnh, nhưng em sẽ còn phải tiếp tục làm 2 tuần không công nữa mới đủ trả cho số tiền chủ nhà đã bỏ ra để sửa lò vi sóng. Đúng là tai hoạ”.

Thậm chí, dù có thể nhận được mức lương cao gấp 2, 3 lần ngày thường nhưng đổi lại nhiều bạn trẻ không được sum họp bên gia đình trong những ngày Tết vì đặc thù công việc. Mặt khác, hầu hết những công việc này đều mang tính tạm thời nên giữa chủ lao động và người lao động thường là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng ràng buộc, ghi rõ trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên. Chính vì thế, khi có vấn đề xảy ra, thiệt thòi phần nhiều thuộc về các bạn sinh viên.

Theo luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mong muốn làm thêm vào dịp cuối năm, giúp các bạn có thêm thu nhập và tích luỹ kinh nghiệm là hoàn toàn chính đáng. Song để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, các bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, xem thông tin đó có phải trực tiếp do các chủ lao động phỏng vấn hay qua các công ty môi giới. Trước khi đến phỏng vấn cần hỏi kỹ cụ thể công việc, thời gian làm việc, mức lương… để xem có phù hợp với mình hay không. Khi đồng ý làm việc nên yêu cầu chủ lao động ký hợp đồng hoặc có cam kết giữa các bên để tránh thiệt thòi cho mình khi có sự cố xảy ra.