Tránh nguồn kim loại nặng độc hại

ANTĐ - Kim loại nặng là mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe nói chung và não bộ nói riêng. Nguy hiểm ở chỗ chúng ta có thể tiếp xúc với những kim loại nặng này trong thực phẩm, nước, không khí và nhiều sản phẩm thương mại khác.

Nhôm: Về mặt kỹ thuật, nhôm không phải là kim loại nặng nhưng nếu tiếp xúc quá nhiều, nó cũng là kim loại khá độc hại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nhôm liên quan đến bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Nhôm được tìm thấy trong: Sữa bột trẻ em; Thực phẩm nướng hoặc đã chế biến; Các chất khử mùi; Thuốc kháng a xít và một số biệt dược khác; Chậu nhôm và chảo; Dầu gội đầu và kem dưỡng da…

Cadmium: Gây hậu quả nghiêm trọng cho não bộ, Cadmium còn ức chế khả năng sử dụng các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm và canxi khiến nhiều người dễ bị tổn thương xương và các rối loạn hệ thống miễn dịch. Cadmium được tìm thấy trong: Ghế bọc trong ô tô; Cao su đen; Dầu động cơ đã đốt; Gốm sứ; Thuốc lá điếu; Phân bón; Sản phẩm trải sàn; Thuốc diệt nấm; Đồ nội thất; Dầu đánh bóng bạc; Nước giải khát từ máy bán hàng tự động có Cadmium trong đường ống.

Chì: Liên quan đến các bệnh mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, không có khả năng tiếp thu, rối loạn co giật, hung hăng, hiếu động thái quá và các vấn đề sức khỏe khác. Người ta có thể phát hiện chì trong: Thực phẩm đóng hộp; Khói thuốc lá; Sản phẩm in màu, bóng; Đĩa sứ; Sơn chì; Đường ống nước bằng chì; Khí thải xe (mặc dù xăng pha chì đã bị cấm từ hơn 20 năm trước ở một số nước).

Thủy ngân: Được biết đến với khả năng nhanh chóng vượt qua hàng rào máu não để ảnh hưởng đến não, thủy ngân có liên quan đến rối loạn thần kinh, tâm lý và miễn dịch ở người. Kim loại nặng này cũng liên quan đến tình trạng rối loạn nhịp tim, đau đầu, mờ mắt, và yếu người. Thủy ngân phổ biến ở: Các chất hàn răng; Cá (mặc dù không phải là tất cả nhưng nhiều giống nuôi có xu hướng bị ô nhiễm thủy ngân); Vaccine, ngay cả vaccine dành cho trẻ em cũng có chứa thimerosol - chất bảo quản thành phần chính là thủy ngân.