Tránh mất cân đối về nhà ở

ANTĐ - Sáng qua 30-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và dự thảo Luật Hàng không dân dụng bổ sung, sửa đổi. 
Tránh mất cân đối về nhà ở ảnh 1 Luật nên quy định thời gian sử dụng chung cư

Băn khoăn Ban quản trị nhà chung cư

Về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, đa số các ý kiến đóng góp tập trung vào việc có nên thành lập Quỹ bảo trì nhà chung cư và Ban quản trị tòa nhà sẽ hoạt động ra sao? Số tiền 2% trích lại có đủ để duy trì, vận hành tòa nhà suốt thời gian sử dụng?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc thành lập Ban quản trị tòa nhà là cần thiết. Ban quản trị hiện được mở tài khoản quản lý số tiền 2% giá trị tòa nhà để bảo dưỡng, duy trì hoạt động nhưng lại thiếu tin cậy. Ông Tuấn lấy ví dụ, tại  TP. HCM đã từng xảy ra trường hợp, một cá nhân của Ban quản trị “ôm” 40.000 USD tiền bảo trì tòa nhà cao chạy xa bay. “Chúng tôi đề xuất, toàn bộ số tiền bảo trì tòa nhà nên gửi vào ngân hàng và được Luật hóa cụ thể. Ngân hàng sẽ được hưởng 1% lãi suất của số tiền gửi này để chịu trách nhiệm thanh toán cho việc bảo trì tòa nhà.  Nếu cho Ban quản trị mở tài khoản thì có bảo đảm hay không? Số tiền này có thực sự được đưa vào để bảo trì tòa nhà hay không?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu quan điểm, Luật Nhà ở sửa đổi lần này làm thế nào để trong quá trình phát triển nhà ở phải có kế hoạch, đáp ứng nhu cầu xã hội vào từng giai đoạn nhất định. “Thời gian qua, nhà ở thương mại quá nhiều, trong khi nhà ở xã hội cho sinh viên, người thu nhập thấp lại thiếu sự quan tâm dẫn đến mất cân đối. Các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào nhu cầu trên địa bàn để xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp, đảm bảo cân đối cung cầu”, ông Nguyễn Thế Công bày tỏ. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Luật nên quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, căn cứ vào thời gian sử dụng để đưa ra những tiêu chuẩn, thiết kế phù hợp; vẫn nên thành lập Quỹ phát triển nhà ở để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, làm công ăn lương… 

Nhà nước vẫn áp trần giá vé máy bay

Đóng góp về Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, bổ sung, đa số các ý kiến đều quan tâm đến an ninh, an toàn hàng không, tình trạng chậm hủy chuyến và việc có nên bỏ hình thức Nhà nước áp giá trần vé máy bay, dịch vụ phi hàng không.

Đại tá Nguyễn Văn Tám, Chủ nhiệm Phòng không, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, thẩm quyền đóng mở sân bay chuyên dụng nên giao cho Bộ Quốc phòng quyết định, quản lý. Vì, sân bay chuyên dụng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn với chức năng chủ yếu phục vụ tàu bay cỡ nhỏ, siêu nhẹ. Các phương tiện này có độ cao bay thấp, từ 1.500m trở xuống, nằm dưới trần bay của hàng không dân dụng. Các sân bay này chủ yếu phục vụ cho quốc phòng, an ninh, tìm kiếm cứu nạn. Về vấn đề an ninh hàng không,   Đại tá Nguyễn Văn Tám cho rằng, cần đặc biệt lưu ý các nguy cơ dưới mặt đất như xâm nhập, lấn chiếm và khủng bố. Tuy nhiên, về việc có trang bị cho bộ phận an ninh hàng không các loại công cụ hỗ trợ hay không, nhiều người cho rằng, cần bàn thêm.

Về giá dịch vụ hàng không, giá vé máy bay, đại diện Vietjet Air tại sân bay Nội Bài đề xuất, trên những đường bay nội địa nhiều hãng khai thác, nên bỏ giá trần và giao cho doanh nghiệp quyết định. Việc Nhà nước áp giá trần chỉ nên áp dụng trên những đường bay một hãng khai thác. Tuy nhiên, ông Chu Sơn Hà - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, trên thị trường thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số hãng bắt tay nhau để đẩy giá lên. Vì vậy, Nhà nước phải quản lý, áp giá trần vé máy bay để tránh trường hợp các hãng cùng nâng giá hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, tại các cảng hàng không, không phải doanh nghiệp nào cũng được vào bán hàng, nên không thể có cơ chế thị trường mà phải cần có sự quản lý giá của Nhà nước. 

Nhà công vụ nên giao cho doanh nghiệp quản lý: Về vấn đề quản lý nhà công vụ gây bức xúc thời gian gần đây, ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, tốt nhất nên quy định một doanh nghiệp quản lý nhà công vụ, phần chênh lệch giữa nhà thương mại và nhà công vụ sẽ được Nhà nước bù lỗ. Đến khi hết thời gian ở nhà công vụ mà người ở không trả thì doanh nghiệp sẽ kiện ra tòa, buộc cá nhân phải giao trả. Còn như hiện nay, có hiện tượng nể nang nhau mà không giải quyết.