Tranh luận xung quanh dự luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ

ANTD.VN - Ngày 29-6, tiếng súng chát chúa vang lên tại tòa soạn báo Capital Gazette ở thành phố Annapolis, cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người và làm nhiều người bị thương. Đây là vụ xả súng mới nhất xảy ra ở Mỹ. 

Tranh luận xung quanh dự luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ ảnh 1Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ xả súng ở Annapolis, Maryland, Mỹ ngày 28-6

Tính trung bình một tuần, người dân Mỹ lại phải chứng kiến một thảm kịch đau thương liên quan đến súng đạn, một tần suất dày hiếm thấy ở một quốc gia phát triển. Tuy vậy, cho đến nay, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa đưa ra hành động chính trị cụ thể nào liên quan đến biện pháp quản lý loại vũ khí có tính sát thương cao này. 

Chỉ trong chưa đầy ba tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 23 vụ xả súng trường học, gây ra làn sóng phẫn nộ kêu gọi Quốc hội Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến các luật về kiểm soát súng đạn ở Mỹ khó thay đổi cũng như việc thông qua những đạo luật này trở nên vô cùng phức tạp tại Quốc hội lưỡng Đảng.

Trước hết, trong các cuộc tranh luận về vấn đề kiểm soát súng, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết 90% người Mỹ ủng hộ thúc đẩy dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch của người mua súng. Tuy nhiên, trong cơ quan lập pháp Mỹ, 79% đảng viên Cộng hòa ủng hộ việc bảo vệ quyền sở hữu súng đạn, trong khi chỉ có 20% đảng viên đảng Dân chủ cùng chung quan điểm trên.   

Trong khi đó, kết quả của tất cả các cuộc thăm dò dư luận trực tiếp được thực hiện trong năm 2017 về xu hướng ủng hộ của người Mỹ đối với quan điểm của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đối với chính sách súng đạn cho thấy, trung bình số người Mỹ ủng hộ quan điểm của đảng Cộng hòa nhiều hơn so với số người ủng hộ quan điểm của đảng Dân chủ. Hầu hết các nỗ lực gần đây để thông qua các luật liên bang mới nhằm kiểm soát súng đạn đã bị dập tắt trước khi được bắt đầu, đặc biệt bị ngăn chặn tại Hạ viện Mỹ, vốn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa kể từ năm 2011.

Đầu năm 2017, khi Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành thăm dò về việc ủng hộ quyền sử dụng súng hoặc kiểm soát sở hữu súng đạn, 35% số người Mỹ được hỏi ủng hộ quyền sử dụng súng và 57% ủng hộ việc kiểm soát súng. Đến nay, sau hàng loạt vụ xả súng xảy ra liên tiếp ở Columbine, Sandy Hook, Florida và đẫm máu nhất là ở Las Vegas khiến 59 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, số người ủng hộ quyền sử dụng súng giảm xuống còn 29%, trong khi đó số người ủng hộ việc kiểm soát súng tăng 67%. Sự ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng có thể tăng lên đột biến, tuy nhiên, động thái đó vẫn chỉ là tạm thời, còn xu hướng lâu dài chính là quan điểm ủng hộ quyền sử dụng súng của người Mỹ khó thay đổi do Hiến pháp quy định, do tập quán, lối sống hay bản năng tự vệ. 

Theo một nghiên cứu tiến hành tại 133 nước do Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển có trụ sở tại thành phố Geneve (Thụy Sĩ) công bố ngày 18-6, mặc dù nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng họ lại sở hữu tới 40% số lượng súng đạn trên toàn cầu. Cụ thể, trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ khẩu súng thì người dân Mỹ sở hữu tới 393 triệu khẩu, cao hơn tổng số vũ khí nóng của người dân tại 25 nước đứng sau Mỹ trong danh sách này cộng lại. 

Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) cũng được coi là nhân tố khiến các đạo luật kiểm soát súng đạn khó được ban hành. Là một trong các nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trên chính trường Mỹ - không chỉ bởi số tiền mà họ sử dụng để vận động các chính khách mà còn bởi sự tham gia của 5 triệu thành viên, NRA phản đối hầu hết các đề xuất tăng cường quy định kiểm soát súng. Hiệp hội này cũng đứng sau các nỗ lực ở cấp độ liên bang và tiểu bang nhằm giảm bớt các hạn chế liên quan đến sở hữu súng đạn.

Hồi tháng 2 vừa qua, trong động thái kiên quyết sau vụ xả súng đau lòng tại một trường học ở bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tăng tuổi tối thiểu được phép mua súng trường và siết chặt kiểm soát người mua loại vũ khí này. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng kêu gọi trang bị vũ khí cho các giáo viên hoặc viên chức tại các trường học để ngăn chặn nguy cơ tấn công. Tuy nhiên, ý tưởng của Tổng thống Trump không nhận được sự đồng tình của những người trực tiếp liên quan đến ngành giáo dục.

Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ cho rằng: “Đưa thêm vũ khí vào các trường học không phải là cách để bảo vệ các học sinh và giáo viên khỏi bạo lực súng đạn”. Còn bà Randi Weingarten, người đứng đầu Hiệp hội Giáo chức Mỹ gọi ý tưởng này là “cuộc chạy đua vũ trang” và các nỗ lực “biến trường học thành doanh trại” với mục đích thực chất là “làm đầy túi tiền” cho những nhà kinh doanh súng đạn.