Tranh giả "lách" kiểm duyệt "lọt" vào bảo tàng

ANTĐ - Các bức tranh được cho là của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái tại Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” đã bị giới phê bình mỹ thuật phanh phui là tranh giả. Đáng tiếc hơn, triển lãm được trưng bày tại một trong các bảo tàng về mỹ thuật uy tín nhất cả nước là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và trước đó, những bức tranh này cũng đã trải qua nhiều khâu kiểm duyệt. 

Tranh giả "lách" kiểm duyệt "lọt" vào bảo tàng ảnh 1“Nét duyên dáng” của Dương Bích Liên bị… vẽ lại

Thoáng qua là biết... giả

Do tạo hình các nhân vật thể hiện sự nghiệp dư về nghề vẽ, nên chỉ nhìn thoáng qua các bức tranh kể trên, nhiều họa sĩ có thể nhận ra các bức tranh đang trưng bày tại Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” chỉ là tranh chép, tranh nhái các tác phẩm kinh điển. Thế nhưng, triển lãm do nhà sưu tập đồ cổ Vũ Xuân Chung tổ chức không hiểu sao đã “qua mặt” được Sở VH-TT TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để tiến hành trưng bày. Dù trước đó, ông Vũ Xuân Chung, chủ nhân của bộ sưu tập khẳng định: “Mua các tác phẩm này từ hãng đấu giá Christie’s Hong Kong và mỗi bức tranh đều có giấy thẩm định của ông Jean Francois Hubert”.

Nhưng điều đáng nói ở chỗ, với một đơn vị mỹ thuật uy tín hàng đầu trong nước như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì không thể đặt hoàn toàn lòng tin vào chủ bộ sưu tập mà cần có sự thẩm định kỹ càng. Hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM dính “scandal” tranh giả. Trước đó, bảo tàng này từng bị người xem phát hiện trưng bày bức “Nông thôn” giả tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái tại triển lãm của nhà sưu tập Tira Vanichtheeranot. 

Về lý, ngoài giấy phép cấp cho triển lãm thì nơi trưng bày cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật và nội dung tác phẩm. Và với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì khâu thẩm định càng được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, với tác phẩm của các danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… từ nước ngoài trở về Việt Nam thì việc khẳng định độ xác thực của bản gốc lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Chưa nói tới, nếu triển lãm này diễn ra trót lọt, một bộ sưu tập tranh nhái rất có thể sẽ trở thành một bộ sưu tập tranh có uy tín khi đã dán mác: “Từng trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM”. Vậy thì, vấn đề đặt ra từ Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” không những là chuyện tranh giả hay tranh thật mà còn là vai trò lẫn trách nhiệm của bảo tàng đối với các triển lãm gây sự chú ý của dư luận như trưng bày tranh của “tứ trụ” nền mỹ thuật Việt Nam “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”. 

Tranh giả "lách" kiểm duyệt "lọt" vào bảo tàng ảnh 2Tranh nhái bức “Vườn chuối” của Nguyễn Sáng

Dấu hỏi cho năng lực thẩm định

Ông Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có sự mở rộng đối với các cuộc triển lãm. Tức là đáng lý chất lượng cuộc triển lãm phải A+ mới được bày tranh thì bảo tàng có thể chấp nhận các triển lãm có chất lượng B+. Đến năm 2016, bảo tàng đã siết lại hoạt động trưng bày nhưng việc đáng tiếc lại xảy ra”.

Ông Hứa Thanh Bình cũng cho biết thêm, thông thường các cuộc triển lãm bao giờ cũng có hội đồng chuyên môn đứng ra thẩm định. Triển lãm càng lớn thì hội đồng càng thận trọng, nhưng đến Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” thì ông hoàn toàn không nắm được thông tin do bận đi thăm thân nhân ở Mỹ. Điều lạ, với hội đồng thẩm định đông đảo và chặt chẽ như vậy nhưng bằng cách nào, bộ sưu tập tranh giả vẫn được phép tiến hành trưng bày? Phải chăng Sở VH-TT TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã quá tin người, tin vào một vài tờ giấy chứng nhận do nhà thẩm định nước ngoài đánh giá? 

Sâu xa của câu chuyện nằm ở sự thiếu chặt chẽ trong quy trình làm việc của các cấp và năng lực đánh giá, thẩm định còn yếu kém. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định: “Việc xác định bức tranh là thật hay giả chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và trình độ của các họa sĩ. Còn cán bộ làm công tác thẩm định lại không hề có chuyên môn, họ thường tốt nghiệp các trường được đào tạo chung chung về văn hóa nên rất khó để phân biệt thật, giả”.

Hơn thế, công việc thẩm định tranh ở Việt Nam chưa nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật, giúp cho kết quả xác định một bức tranh là thật hay giả thuyết phục công chúng. Còn ở nước ngoài, dù khâu thẩm định tranh cũng dựa vào cảm giác của giới chuyên môn mà không hề có trường đào tạo bài bản. Nhưng cái họ hơn ta là ở phương tiện kỹ thuật. 

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc ngăn chặn tranh giả xuất hiện tại các bảo tàng mỹ thuật không hẳn là không làm được. Có chăng, cái khó lại nằm ở quy trình làm việc còn nhiều thiếu sót, lơ là với chất lượng chuyên môn tại nơi trưng bày. Do vậy, từ sự việc này, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nói riêng và các bảo tàng tại Việt Nam nói chung cần chấn chỉnh và siết chặt việc cho phép các triển lãm diễn ra, để không tái diễn một vụ việc tương tự.