Tranh chấp về kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”: 7 năm và 800kg gạo

ANTĐ - Tròn 7 năm kể từ khi tranh chấp bản quyền kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” nổ ra, trải qua nhiều phiên xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm song vụ việc này vẫn chưa thể khép lại. Ngay cả sau khi TAND TP Hà Nội đưa ra kết luận tác quyền thuộc về cả hai tác giả tại phiên phúc thẩm mới nhất diễn ra vào hôm qua 25-3 thì người trong cuộc vẫn lặng im, để ngỏ khả năng tiếp tục kháng cáo.

Tranh chấp về kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”: 7 năm và 800kg gạo ảnh 1Cựu nhà báo Nguyễn Thanh (trái) và nhà biên kịch Lê Phương (phải) 
không đạt được sự đồng thuận về vấn đề tác giả kịch bản

Vụ kiện dai dẳng 

Liên quan đến vụ kiện hy hữu trong giới làm nghệ thuật kể trên, xuyên suốt từ đầu đến cuối, nguyên đơn là nhà báo Nguyễn Thanh khẳng định ông mới chính là tác giả của kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng những năm 1980. Theo đó, kịch bản này được ông viết theo đơn đặt hàng của nhà biên kịch Lê Phương vào cuối năm 1981 dựa trên những tác phẩm ký, các bài báo viết về biệt động mà ông từng viết cùng vốn tư liệu ông có được từ những chuyến đi thực tế. Tuy nhiên, bị đơn - nhà biên kịch Lê Phương lại cho rằng, kịch bản của ông Nguyễn Thanh không được Hội đồng duyệt chấp thuận nên ông phải viết lại kịch bản mới, lấy tên gọi “Những thiên thần ra trận”. Vấn đề ở chỗ ông Nguyễn Thanh một mực quả quyết “Những thiên thần ra trận” của nhà biên kịch Lê Phương không khác biệt với kịch bản mà ông viết về cả cốt truyện, nhân vật lẫn bối cảnh. Rắc rối hơn khi sau đó một số tờ báo và nhà xuất bản tự ý đăng tải kịch bản bộ phim trên mà không xin phép, dẫn đến việc ông Thanh cho rằng ông Phương đã cố tình kinh doanh trái phép “chất xám” của mình.

Cho đến bây giờ, không có bất cứ người làm chứng, giấy tờ văn bản, hợp đồng giao kèo… ghi lại sự hợp tác giữa nguyên đơn và bị đơn. Hãng Phim truyện Việt Nam - đơn vị sản xuất bộ phim này cũng chỉ có thể khẳng định thời điểm làm bộ phim đã chi trả đầy đủ nhuận bút kịch bản phim theo đúng pháp luật, còn sau 10 năm không thấy kiện cáo gì nên các hóa đơn và chứng từ đều không lưu giữ. Phía nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh cũng không trưng ra được bản thảo kịch bản ban đầu mà mình viết tay để chứng minh đó mới chính là “xương sườn” của bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Sự liên quan có chăng là việc một số tập phim “Biệt động Sài Gòn” sau đó đã ghi tên của cả hai ông trong vai trò đồng tác giả kịch bản. Vì vậy xét ở góc độ pháp lý thì rõ ràng việc ông Nguyễn Thanh quyết theo đuổi vụ kiện này đến cùng với mong muốn đòi tiền bản quyền tác giả, tiền nhuận bút từ ông Lê Phương và Hãng Phim truyện Việt Nam với số tiền quy đổi đến thời điểm hiện nay lên đến 400 tỷ đồng là điều rất khó. 

Tranh chấp về kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”: 7 năm và 800kg gạo ảnh 2“Biệt động Sài Gòn” từng gây ra “cơn sốt” những năm thập niên 80

Bên im lặng, bên đòi kháng cáo

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào hôm qua 25-3, nhà biên kịch Lê Phương vì lý do sức khỏe (nay đã ngoài 80 tuổi) nên không đến dự. Rốt cuộc, kết luận của TAND TP Hà Nội vẫn không thay đổi so với phiên phúc thẩm cách đây gần 6 năm: bác yêu cầu của ông Nguyễn Thanh về việc đề nghị phía bị đơn (nhà biên kịch Lê Phương và Hãng phim truyện Việt Nam) thừa nhận kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” là của mình. Số tiền khổng lồ 400 tỷ đồng bồi thường tiền nhuận bút kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” mà ông Nguyễn Thanh đưa ra cũng không được Tòa chấp thuận do sự việc đã diễn ra quá lâu và không có căn cứ để xem xét. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng khẳng định Hãng Phim truyện Việt Nam không có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh vì đã trả nhuận bút và thực hiện đầy đủ việc ghi tên đồng tác giả trong phim. Riêng số tiền nhuận bút từ việc kịch bản này sau đó được đăng tải với độ dài 63 kỳ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng thì nhà biên kịch Lê Phương có trách nhiệm hoàn trả với ông Nguyễn Thanh. 

Ngay sau phiên phúc thẩm, nhà biên kịch Trịnh Thị Thanh Nhã - vợ của nhà biên kịch Lê Phương, cũng đồng thời là người được ông ủy quyền đại diện xác nhận việc Tòa phân xử chồng mình phải bồi thường cho ông Nguyễn Thanh một nửa tổng số tiền nhuận bút liên quan đến kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”, số tiền này quy sang gạo là 800kg, nhân với mệnh giá bây giờ là 12.800.000 đồng. Bà Nhã cũng cho biết đã thông báo quyết định này của Tòa với chồng mình và phản ứng của ông là im lặng, chưa rõ có đồng tình với kết luận này không. Bởi suy cho cùng điều mà nhà biên kịch gạo cội này trăn trở là danh dự của người nghệ sĩ chứ không phải số tiền mà ông phải bỏ ra bồi thường là bao nhiêu. 

Người đại diện của ông Lê Phương cũng khẳng định, trước đây khi đặt hàng ông Nguyễn Thanh viết kịch bản vào năm 1981 thì ông Lê Phương cũng đã đưa tiền bồi dưỡng cho ông Thanh tổng cộng 3 lần, mỗi lần 4.000 đồng. Nếu đúng ra thì số tiền này cũng phải được tính vào tiền nhuận bút. Tuy nhiên cũng theo bà Nhã, dù có tính hay không thì sự việc cũng đã kéo dài suốt nhiều năm qua khiến người trong cuộc mệt mỏi, vì thế cũng nên khép lại ở đây. Song phía ông Nguyễn Thanh lại cho biết, ông sẽ tiếp tục kháng cáo vì số tiền bồi thường mà ông nhận được là quá nhỏ. Điều duy nhất mà ông Nguyễn Thanh đồng thuận tại phiên tòa này là việc nhận số tiền 5 triệu đồng từ đại diện Hãng Phim truyện Việt Nam với ý nghĩa tri ân đóng góp của ông trong thành công của bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Và như vậy, tranh chấp liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả có thể còn chưa dừng lại ở đây.