Tranh chấp kinh tế và những bài học chủ quan

ANTĐ - Trong tiến trình phát triển chung của kinh tế thương mại, việc cạnh tranh đôi khi dẫn đến khả năng tranh chấp, kiện tụng giữa các doanh nghiệp (DN) là điều khó có thể tránh khỏi. Đặc biệt số vụ tranh chấp giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Song thực tế lại chứng minh, không phải các DN không biết, không lường trước khả năng sẽ xảy ra tranh chấp.  Có đến “n” câu chuyện “gót chân Asin”, vậy mà các DN tham gia sân chơi nhưng lại không biết cách chơi.

Bài học thực tiễn

Đã có thời gian, Hiệp hội Chế biến & XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo về việc đối tác nhập khẩu lợi dụng lòng tin của DN xuất khẩu Việt Nam quỵt nợ thông qua việc mua hàng trả chậm. Điển hình và vụ Công ty Klion Co., Ltd. (Panama) nhập hàng thủy sản Việt Nam theo phương thức đặt cọc 5% sau khi ký hợp đồng, 20% sau khi hàng tới cảng, 15% sau khi giải phóng hàng và 40% còn lại sau 15 ngày kể từ ngày nhận hàng. Sự chây ì được kéo dài hàng năm trời với số nợ lên tới hàng triệu USD. Công ty Treasure Group LTD (Hồng Kông) cũng tái diễn phương thức trả chậm, lẩn tránh trả khoản nợ DN thủy sản Việt Nam hàng chục nghìn USD nhiều  năm trời… với muôn vàn lý do: thị trường giảm sút, chưa huy động được tiền mặt, tiền bán hàng.

Trong đó, không thể không nhắc đến những vụ rủi ro điển hình các DN Việt Nam bị thua thiệt là việc Công ty Centrimex thua kiện mất 1,54 triệu USD vì từ chối không nhận lô phân bón Đức; Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã phải đền 5 triệu USD do không thực hiện được việc giao gạo cho một đối tác phương Tây; Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải nộp phạt 200.000 USD do hủy hợp đồng thuê HLV Christian Letard. Và kéo dài từ năm 1994 đến nay là vụ kiện trị giá 5,2 triệu Euro giữa Vietnam Airlines và luật sư người Italia Maurizio Liberati…

Một sự thua thiệt nữa của DN Việt Nam đó là liên quan đến các vụ kiện bán phá giá: EU cáo buộc Việt Nam bán phá giá bột ngọt trên thị trường EU và áp thuế chống phá giá với thuế suất 16,8% đối với sản phẩm của Việt Nam (1998); Ba Lan xác định Việt Nam bán phá giá bật lửa ga và áp đặt thuế chống phá giá ở mức 0,09 Euro trên 1 sản phẩm nhập khẩu (2000); Canada cáo buộc các nhà xuất khẩu tỏi của Việt Nam bán phá giá tỏi trên thị trường Canada và áp thuế chống phá giá 1,48 USD/kg (2001); Ủy Ban châu Âu (EC) khởi kiện Việt Nam bán phá giá các mặt hàng da giày vào thị trường này và đã thông qua quyết định áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giầy mũ da (2005); Bị kiện và áp thuế chống phá giá đèn huỳnh quang tại Ai Cập (2006); Bị kiện và áp thuế chống phá giá dây curoa tại Thổ Nhĩ Kỳ (2007)…

Thua ở đâu?

Một câu hỏi được đặt ra tại sao DN trong nước dễ… thua (?) Trả lời cho “quả đắng” này có muôn vàn lý do nhưng chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề: Một là DN trong nước thiếu nền tảng pháp lý; hai là chưa có kinh nghiệm xử lý tranh chấp. Hoạt động thực tế trên thị trường giữa DN trong nước với các đối tác nước ngoài bộc lộ rõ nhất sự yếu kém dẫn đến chủ quan của DN Việt Nam. Bắt nguồn từ hạn chế của DN, sự hiểu biết chưa đầy đủ về hệ thống pháp luật lẫn chính sách của nước ngoài, pháp luật và thông lệ quốc tế. Đôi khi chính các DN vì thấy lợi nhuận trước mắt mà không chịu tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng. Ông Đỗ Chính, TGĐ Công ty Tự động hóa Command nhận định: “Khi tham gia sân chơi thương mại quốc tế, rất nhiều DN trong nước chủ quan dẫn đến sự thiếu minh bạch trong khâu không thẩm định tư cách pháp lý, khả năng tài chính của đối tác mà hầu như chỉ xét trên hồ sơ giới thiệu. DN cũng chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý sẽ dẫn đến việc thiếu chặt chẽ trong các điều khoản hợp đồng. Cuối cùng là các DN kinh doanh hay nghĩ đến các phương cách “lách” luật chứ chưa có ý thức chấp hành pháp luật dựa trên hệ thống pháp lý trong kinh doanh. Tất cả những “lỗ hổng” trên là “gót chân Asin” sẽ bị chính các đối tác nước ngoài sớm nhận ra ở các DN Việt Nam để “xoáy” vào nếu xảy ra tranh chấp kinh tế, kiện tụng thương mại”.

Số vụ tranh chấp, kiện tụng giữa các DN Việt Nam với các đối tác nước ngoài ngày càng có xu hướng gia tăng về số lượng lẫn giá trị kinh tế ở tất cả các lĩnh vực: vận tải, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ… Đây là điều cảnh tỉnh cần thiết cho các DN Việt Nam từ những kinh nghiêm xương máu đã phải trả giá.

Phải biết luật chơi

Ông Nguyễn Minh Đức, Kiểm toán viên Công ty PRG-Schultz UK Ltd khẳng định: “Bài học cho các DN Việt Nam đến nay là không thiếu. Điều chúng ta rút ra bây giờ là đã tham gia sân chơi thì phải biết luật chơi, và trong kinh doanh quốc tế còn cần phải học bài học tránh kiện và học kiện. Để hiểu thấu những bài học trên thì chúng ta phải hiểu “Luật Thương mại quốc tế” và khái niệm “Tranh chấp thương mại quốc tế”. Ngày 11-1-2007, Việt Nam trở thành thành viên 150 của tổ chức Thương mại thế giới WTO, cũng chính từ đây, các điểm yếu của DN trong nước dần bộc lộ rõ. Mà hạn chế lớn nhất của các DN Việt Nam trên thị trường quốc tế đó chính là thiếu hiểu biết luật pháp kinh doanh quốc tế, chưa am hiểu các thông lệ kinh doanh quốc tế, thiếu kiến thức chuyên sâu về kinh tế thị trường quốc tế… Về phía các DN trong nước lại chưa có sự liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các DN để tạo nên những “vòng vây bạch tuộc” chắc chắn để chống lại những tác động khách quan lẫn chủ quan từ thị trường bên ngoài, đặc biệt các DN quốc tế.

Tất cả những hạn chế trên của DN Việt Nam dẫn đến sự lỏng lẻo, dễ rơi vào thế bị động và luôn phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn từ kiện tụng thương mại, tranh chấp kinh tế với các DN nước ngoài; và họ luôn nhắm vào những điểm yếu này để tấn công đầu tiên”. Điểm yếu của các DN trong nước là dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên để khắc phục những hạn chế là một nhiệm vụ không dễ. “Hiểu luật chơi - Tham gia sân chơi - Chơi thế nào” là một quy trình mà tất cả các DN trong nước cần hoàn chỉnh trước khi sẵn sàng “chơi” trên cả trên “sân nhà” lẫn “sân khách”. “Một trong những yếu tố chủ quan của DN trong nước đó là chưa thực sự tin tưởng và nhờ sự tư vấn về phát luật của đội ngũ luật sư - những người thật sự am hiểu về luật pháp kinh doanh quốc tế có thể hỗ trợ DN trong những giao dịch thương mại” - Ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Quan tâm đến “vũ khí” 

Luật Trọng tài thương mại (LTTTM) của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, việc ban hành và thực thi Luật đáp ứng mong muốn của giới hành nghề Luật và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam. Ở một khía cạnh khác của vấn đề, cho tới nay tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm xoay quanh vấn đề giải quyết các tranh chấp kinh tế, rất nhiều DN Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến LTTTM lẫn sự hiện diện của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - Đây chính là một “vũ khí” vô cùng lợi hại cho các DN Việt Nam khi tham gia “sân chơi” thương mại quốc tế. Bà Bùi Thị Huệ, chuyên ngành Luật Quốc tế khẳng định: “Trên thế giới, giải quyết tranh chấp thương mại thông qua trọng tài là phương thức được các DN ưa chuộng nhất. Tuy nhiên ở Việt Nam, rất ít DN biết đến trọng tài kinh tế. Thực tế, trong tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế rất đa dang, các DN thường vướng mắc hoặc gặp rủi ro liên quan đến quá trình đàm phán, giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiện chống bán phá giá…; trong đó nổi cộm lên các thỏa thuận song phương và đa phương về thuế, hiểu và thực thi pháp luật và thông lệ quốc tế giữa các DN.

 Khi gặp “biến”, hoặc có sự cố, các DN thường nghĩ ngay đến việc đề nghị cơ quan quản lý hành chính cấp trên xử lý, cuối cùng là đưa vụ việc ra tòa. Chúng ta khác với rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi xảy ra tranh chấp giữa các DN, họ thường nhờ đến trọng tài bởi ưu thế rõ rệt: 1. Thủ thục đơn giản, nhanh chóng, mềm dẻo và linh hoạt. 2. Tính bảo mật cao để đảm bảo uy tín, thương hiệu của DN. 3. Các trọng tài viên đều là những chuyên gia hàng đầu trong vụ việc thụ lý.

4. Xét xử theo cơ chế trọng tài diễn ra linh động theo thỏa thuận, giải quyết một lần, kết quả là chung thẩm và quyết định của trọng tài buộc các bên thi hành ngay. Nếu kháng án sẽ ngay lập tức được chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, vai trò của của luật sư với việc lập thỏa thuận trọng tài là rất quan trọng: lựa chọn hình thức trọng tài thích hợp, số lượng trọng tài viên, ngôn ngữ trọng tài, nơi tiến hành, luật áp dụng và thẩm quyền của trọng tài”.

Để tránh cho các DN trong nước phải chịu những thua thiệt khi gặp phải các vụ kiện, tranh chấp thương mại quốc tế, chúng ta cần phải xây dựng hệ thống các quy định, luật kinh doanh minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật, sử dụng tư vấn luật của các luật sư khi thực hiện giao thương quốc tế để tránh vấp phải những sai lầm do thiếu hiểu biết luật dẫn đến các tranh chấp mà thường thua thiệt thuộc về các DN trong nước. Việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật, thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ cùng với sự hiểu biết luật sâu, các DN Việt Nam cũng phải bắt đầu làm quen với việc học kiện và thực hiện kiện các đối tác nước ngoài nếu họ vi phạm những điều luật khi kinh doanh ở Việt Nam.