Tranh chấp chung cư - giải pháp vẫn còn "treo" ​

ANTD.VN - Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành của UBND TP Hà Nội đã chọn ngẫu nhiên 50 dự án nhà ở chung cư trên địa bàn để tiến hành rà soát. 

Kết quả không khiến dư luận bất ngờ khi 38/50 dự án có sai phạm về quy hoạch và xây dựng. Đây chính là nguyên nhân “bùng nổ” tranh chấp chung cư diễn ra căng thẳng trong thời gian gần đây. 

Không khó liệt kê những sai phạm phổ biến như xây dựng vượt số tầng, vượt diện tích sàn xây dựng so với thiết kế được duyệt hoặc cấp giấy phép. Đặc biệt là sử dụng sai công năng một số tầng trong tòa nhà, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng. Nhiều dự án còn có sai phạm, ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Đáng quan tâm là, hầu hết các dự án có sai phạm bị phát hiện đều đã bàn giao cho người dân vào sử dụng. Từ những nguyên nhân mang tính cốt yếu đó dẫn đến việc người dân liên tục tố cáo nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Bằng chứng không thể chối cãi, đơn cử như chủ đầu tư khai thác chung cư khi chưa nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy; chưa kiểm định hệ thống thang máy nhưng vẫn để cư dân sử dụng...

Tệ hại hơn, nhiều hạng mục theo cam kết lúc mở bán không được thực hiện, thậm chí chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế căn hộ, lấn chiếm khoảng thông thoáng giữa các tầng, biến thành các căn hộ để thu lời. Qua khiếu kiện của người dân, một số chủ đầu tư đã giải tỏa bức xúc, đáp ứng yêu cầu chính đáng của cư dân. Tuy nhiên, đa số chủ đầu tư thường phớt lờ, không đưa ra các giải pháp để khắc phục. 

Theo nhìn nhận của các luật sư, ngoài sự tắc trách của chủ đầu tư với lối hành xử theo kiểu “mang con bỏ chợ”, buộc người dân vào thế đã rồi không có đường lùi, thì hệ thống văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh các quan hệ liên quan đến nhà chung cư lại thiếu các chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi vi phạm, gây khó khăn khi áp dụng để giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, khi “bùng nổ” tranh chấp, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua bị xâm phạm thì họ chỉ còn biết căng băng rôn, gửi đơn tới các cơ quan chức năng để phản đối, tố cáo chủ đầu tư. 

Thực tế, tranh chấp chung cư sẽ còn diễn biến phức tạp khiến người có ý định mua nhà lẫn người đang sử dụng đều cảm thấy ái ngại. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát các dự án và chủ đầu tư. Về phía người mua nhà cũng phải có “trách nhiệm” kiểm tra tính pháp lý của dự án trước khi đưa ra quyết định cuối cùng để hạn chế rủi ro. Có như vậy “nội chiến” tranh chấp chung cư mới được giải tỏa phần nào, dẫu biết để giải quyết triệt để thì giải pháp không thể cứ mãi để “treo”.