Tranh cãi xoay quanh Lệnh ân xá cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori hôm 6-12 đã được tha tù vì lý do nhân đạo. Ông Fujimori (85 tuổi), đang thụ án 25 năm tù vì liên quan đến vụ sát hại 25 người Peru vào những năm 1990.
Cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori (ở giữa) được tha tù sớm ngày 6-12-2023

Cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori (ở giữa) được tha tù sớm ngày 6-12-2023

Ông Fujimori lãnh đạo Peru từ năm 1990 đến năm 2000, bị kết án năm 2009 về tội vi phạm nhân quyền. Ông ta bị buộc tội là chủ mưu đằng sau vụ sát hại 25 người Peru chống đối Chính phủ. Vị cựu Tổng thống được hỗ trợ thở ô-xy khi bước ra khỏi cửa trại giam, ngồi ở ghế sau ô tô cùng con trai và con gái - chính trị gia Keiko Fujimori. Ông Fujimori được cho là sẽ sống tại nhà của con gái.

Tòa án Hiến pháp Peru hôm 5-12 đã ra phán quyết ủng hộ Lệnh ân xá nhân đạo dành cho ông Fujimori được Tổng thống Pablo Kuczynski ký thông qua vào đêm Giáng sinh năm 2017. Tòa án Tối cao nước này đã hủy bỏ lệnh ân xá dưới áp lực của Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ vào năm 2018 và ra lệnh cho cựu lãnh đạo trở lại nhà tù để chấp hành bản án.

Trong phán quyết mới nhất, các thẩm phán giải thích rằng mặc dù mức độ nghiêm trọng của những tội ác mà ông Fujimori gây ra là hiển nhiên nhưng họ không thể “bỏ qua lệnh ân xá nhân đạo” đã được cấp cho cựu Tổng thống vào năm 2017 và được tòa án giữ nguyên vào năm 2022. Tháng 3-2022, tòa án ra phán quyết thi hành lệnh ân xá vì ông Fujimori tuổi cao và sức khỏe kém, trong khi ông đã được ân xá gần 6 năm mà không được trả tự do.

Ông Fujimori vẫn là một nhân vật gây chia rẽ ở Peru. Thời kỳ cầm quyền, các chính sách của ông đã giúp cải thiện nền kinh tế và kéo nước này ra khỏi chu kỳ siêu lạm phát. Nhưng ông cũng sử dụng quân đội để giải tán Quốc hội và sửa đổi Hiến pháp cũng như trấn áp lực lượng chống đối.

Vụ thảm sát đầu tiên được cho là do nhà lãnh đạo này ra lệnh xảy ra vào năm 1991 tại một khu dân cư nghèo khổ ở Lima. Những người lính đội mũ trùm đầu đã bắn chết 15 người dân, trong đó có một đứa trẻ 8 tuổi, đang tụ tập tại một bữa tiệc.

Sau đó, vào năm 1992, đội quân bí mật đã bắt cóc và giết hại 9 sinh viên cùng một giáo sư từ Đại học Enrique Guzmán y Valle. Các chuyên gia pháp y cho biết các nạn nhân bị tra tấn và bị bắn vào sau đầu. Thi thể của họ bị đốt cháy và giấu trong những ngôi mộ chung. Đội này hoạt động dưới vỏ bọc của một công ty kiến trúc và được Chính phủ Fujimori tài trợ.

Những cáo buộc chống lại Fujimori đã dẫn đến nhiều năm tranh cãi về mặt pháp lý. Ông từ chức ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba và trốn khỏi Peru sau khi các đoạn băng video bị rò rỉ cho thấy người đứng đầu cơ quan tình báo Vladimiro Montesinos hối lộ các nhà lập pháp.

Ông Fujimori tới Nhật Bản, quê hương của cha mẹ ông và gửi đơn từ chức qua fax. 5 năm sau, ông bất ngờ bay đến nước láng giềng Chile rồi bị bắt và dẫn độ về Peru. Mục tiêu của ông Fujimori khi đó là tái tranh cử Tổng thống Peru vào năm 2006, nhưng thay vào đó, ông lại bị đưa ra xét xử.

Diễn biến mới nhất cũng đánh dấu một loạt phản ứng phức tạp về pháp lý, chính trị và dư luận, cho thấy tranh cãi và thách thức tiếp tục diễn ra liên quan đến những việc làm của cựu lãnh đạo Fujimori cũng như sự phức tạp của luật pháp quốc tế và quốc gia.

Sau khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết mới nhất, Chủ tịch Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ, Ricardo Pérez Manrique, một lần nữa yêu cầu trì hoãn việc trả tự do cho ông Fujimori nhằm “đảm bảo quyền tiếp cận công lý” của 25 người đã bị thảm sát.

Ông Volker Turk - Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 6-12 cho biết, việc Tòa án Hiến pháp Peru ra lệnh thả ông Fujimori “là một bước thụt lùi đáng lo ngại”, đồng thời nói thêm rằng “bất kỳ việc phóng thích nhân đạo nào đối với những người chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đều phải phù hợp với luật pháp quốc tế”.