Tranh cãi về chất phenol "cực độc" trên cá nục

ANTĐ - Liên quan đến 25 tấn cá nục tại cơ sở thu mua hải sản của bà Lê Thị Thuộc, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị nhiễm phenol với hàm lượng 0,037mg/kg, 2 ngành Y tế và NN&PTNT đang có quan điểm trái chiều.

Tranh cãi về chất phenol "cực độc" trên cá nục ảnh 1Sự việc khiến người tiêu dùng băn khoăn do cá nục được sử dụng khá phổ biến
trong bữa ăn hàng ngày 

Y tế nói cấm, Nông nghiệp nói không?

Ngày 7-6 vừa qua, Sở Y tế Quảng Trị chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế và Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức kiểm tra, xác minh số hải sản còn tồn đọng tại các kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng. Sở Y tế Quảng Trị đã lấy 6 mẫu cá  gồm 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá sòng, 3 mẫu cá nục đi kiểm nghiệm. Kết quả, cơ quan chuyên môn xác định mẫu cá nục lấy sau thời điểm cá chết hàng loạt tại miền Trung có chất phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Theo đánh giá ban đầu, đây là chất cực độc và cấm dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chuyên môn tại Quảng Trị lại bất đồng ý kiến về việc xuất hiện phenol trong mẫu cá nục nói trên. 

Trong khi ngành Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị khẳng định, trong thực phẩm tuyệt đối cấm sử dụng phenol, do đó không có ngưỡng giới hạn cho phép. Song đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị lại cho rằng, chất   phenol không có trong quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp. Hơn nữa, trong quá trình cấp đông, chế biến hải sản cũng tự phát sinh chất phenol.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, tất cả các mẫu cá từ ngày 5-5-2016, qua sự kiểm định của cơ quan chức năng của NN&PTNT đều ở trong ngưỡng an toàn. Trong khi đó, một số chuyên gia về môi trường cũng cho rằng, trong nước biển cũng có phenol, vì vậy, việc kết luận đây là một chất cực độc, cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy hải sản là chưa chính xác. 

Bộ NN&PTNT chưa lên tiếng

Để có câu trả lời cho dư luận về vấn đề này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã liên lạc với các ngành chức năng của Bộ NN&PTNT để làm rõ. Tuy nhiên, từ Tổng cục Thủy sản đến các cục, vụ liên quan của ngành nông nghiệp chưa đưa ra được câu trả lời xác đáng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai cho biết đang đi công tác. Còn ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, hiện nay, các chi cục chức năng của địa phương như Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Thủy sản Quảng Trị đang kiểm tra, làm rõ sự việc và Bộ đang chờ báo cáo cụ thể.

Trao đổi với phóng viên, TS Bùi Quang Tề, chuyên gia trong lĩnh vực thủy hải sản cho biết, phenol là chất ngoại sinh, không phải nội sinh. Điều này chứng tỏ, sự xuất hiện của phenol trong mẫu cá nục ở Quảng Trị là do nhiễm từ bên ngoài. “Tôi đã từng viết rất nhiều tài liệu về hướng dẫn nuôi trồng thủy hải sản nhưng chất phenol chưa bao giờ được nhắc đến. Nếu do yếu tố nội sinh, thì cũng không thể có hàm lượng cao lên tới 0,037mg/kg xuất hiện trong mẫu cá nục ở Quảng Trị”, TS Bùi Quang Tề cho hay.

Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho hay, phenol là một tổ hợp gồm nhiều chất nên được gọi là hợp chất phenol. Hợp chất này được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, là dung môi trong công nghiệp sơn, thuốc nhuộm, sản xuất chất màu, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng, tẩy uế.

“Phenol là chất độc hại, vốn không có trong cá. Việc xuất hiện phenol với hàm lượng 0,037mg/kg trên cá có thể do quá trình bảo quản sản phẩm hoặc nguyên nhân  khác...”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói. Về mức độ độc hại với cơ thể con người, ông Nguyễn Duy Thịnh cho biết, cần xem xét kỹ lại, nhưng một báo cáo của Đại học Y Hà Nội cho thấy, hàm lượng phenol có thể gây độc cho người là khi ăn vào khoảng 2 gram. Như vậy, với hàm lượng 0,037mg/kg, phải ăn rất nhiều cá cùng lúc thì mới tích lũy tới hàm lượng phenol nói trên.

Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loại tại các tỉnh ven biển miền Trung, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương có hiện tượng cá chết hàng loạt (gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) phải giám sát chặt chẽ chất lượng thủy hải sản đánh bắt ngoài biển. Các địa phương phải xác nhận, hải sản đánh bắt ở vùng biển ngoài khu vực cách bờ 20 hải lý trở ra ở các tỉnh nói trên. Sau khi tàu vào cảng, chủ tàu phải thông báo cho chi cục thủy sản các địa phương biết và để cử cán bộ giám sát và phải cấp giấy chứng nhận an toàn mới được mang đi tiêu thụ...

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra lại mẫu cá nục nhiễm phenol 

Trao đổi với báo chí ngày 12-6, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị chuyển mẫu cá nục (lô nhiễm độc tố phenol) ra Hà Nội để kiểm tra lại mức độ nhiễm độc và đánh giá chính xác nguy cơ với sức khỏe con người.