Tranh cãi về các tủ đựng thức ăn cộng đồng trong mùa dịch ở Philippines

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tranh cãi nổ ra khi rất nhiều quầy hàng tạm thời quyên góp thực phẩm và thức ăn đã mọc lên trên khắp Philippines, trong bối cảnh viện trợ của chính phủ cho người nghèo trong mùa đại dịch Covid-19 bị trì hoãn nhiều tuần sau đợt bùng phát tiếp theo.
Các quầy hàng miễn phí ở Philippines chia sẻ thực phẩm, thuốc men, giấy vệ sinh từ người quyên tặng cho bất cứ ai cần

Các quầy hàng miễn phí ở Philippines chia sẻ thực phẩm, thuốc men, giấy vệ sinh từ người quyên tặng cho bất cứ ai cần

Thủ đô Philippines và các khu vực lân cận đã quay trở lại với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt hơn vào cuối tháng trước khi số ca mắc mới tràn ngập bệnh viện. Các biện pháp phong tỏa có thể khiến Philippines, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay và sẽ đẩy ít nhất 100.000 người Philippines vào cảnh nghèo đói.

Tổng cộng 22,9 triệu người có thu nhập thấp dự kiến sẽ nhận được 1.000 peso mỗi người theo một vòng hỗ trợ tài chính mới từ chính phủ Philippines kể từ tháng trước. Tuy nhiên, chỉ có 4 tỷ peso (83 triệu USD), tương đương 1/6 ngân sách dành cho hỗ trợ người dân trong dịch Covid-10 đã được trao cho người dân vì công tác này bị cản trở bởi các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 19-4.

Trước sự chậm trễ này, một bộ phận người Philippines vẫn xếp hàng để nhận thực phẩm miễn phí từ các điểm quyên góp do các cộng đồng và cá nhân thành lập trên cả nước. Một số nhà lập pháp cho rằng hiện tượng này cũng cho thấy rõ một khía cạnh trong công tác phòng chống dịch của chính phủ, khi mà người dân bình thường phải nhờ đến viện trợ từ những người hàng xóm, khi không có sự trợ giúp của cơ quan chức năng.

Tại Hạ viện, các nhà lập pháp tiến bộ cho biết, các quầy hàng miễn phí này đã phản ánh thất bại của chính phủ trong phản ứng với đại dịch. “Chúng là một bản cáo trạng gay gắt về thất bại của ông Duterte trong phản ứng với đại dịch và không chịu trợ cấp tiền mặt đầy đủ cho người dân mặc dù đã vay hàng nghìn tỷ peso”, nghị sĩ Gabriela Arlene Brosas tuyên bố. Phó thủ lĩnh phe thiểu số Hạ viện, Hạ nghị sĩ Bayan Muna Carlos Zarate cùng quan điểm, cho rằng đó là “một hành động phản kháng chống lại sự thờ ơ của chính phủ”.

Ông nói: “Chúng ta không nên quên rằng sự gia tăng của các điểm phân phát thực phẩm cộng đồng là biểu tượng cho việc chính quyền hiện tại, mặc dù có các nguồn lực sẵn có, nhưng đã thất bại hoàn toàn trong nghĩa vụ giúp đỡ hàng triệu người nghèo đối phó với sự tàn phá của cuộc khủng hoảng”.

Với quan điểm ngược lại, Thượng nghị sĩ Grace Poe, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ công của Thượng viện cho rằng, sự gia tăng các tủ đựng thức ăn cộng đồng cho thấy “không phải tất cả hy vọng đều mất đi”. “Tuy nhiên, đó là một lời cảnh tỉnh rằng chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để cung cấp cho người dân”, bà nói thêm. Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cũng nhận xét, “đó là một nguồn cảm hứng sinh ra từ sự tuyệt vọng”. “Đó là một hành động vị tha của con người, họ có thể là những người đang yêu cầu chính phủ làm tốt hơn”, ông nói.

Trong một thông điệp gửi tới báo giới, Chủ tịch Thượng viện Pro Tempore Ralph Recto cho biết, điểm cung cấp thức ăn cộng đồng cho thấy tinh thần thiện nguyện, quan tâm và chia sẻ vẫn tồn tại. “Điều này sẽ rất hữu ích trong việc hỗ trợ các gia đình đối phó với đại dịch Covid-19, và đó là điều đương nhiên trong thời kỳ khủng hoảng khi mọi người phải tự tổ chức để tồn tại”.

Đối với ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, sự nổi lên của các quầy thực phẩm cộng đồng là một phong trào “tự phát” và là một phần của tinh thần người Philippines muốn giúp đỡ nhau trong những lúc cần. “Tôi không coi đó là sự lên án của chính phủ. Nó chỉ đơn giản là thể hiện những gì tốt nhất trong chúng ta ở thời điểm tồi tệ nhất”, ông nói khi kêu gọi mọi người không chính trị hóa vấn đề.