Tranh cãi "thu phí" thành "thu giá": Căn cứ quy định pháp luật nào?

ANTD.VN - Đại diện Vụ Tài chính, (Bộ GTVT) cho biết, việc chuyển tên gọi từ trạm thu phí sang trạm thu giá là thực hiện theo quy định của Luật. 

Về việc "trạm thu phí BOT" chuyển thành "trạm thu giá", ông Phạm Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trước khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí và Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí và mức phí phải nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, thủ tục ban hành thông tư thu phí cho mỗi dự án phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, mất rất nhiều thời gian. Đến khi thông tư thu phí được ban hành cũng phải chờ hiệu lực thực hiện, thường khoảng 45 ngày.

Trạm thu phí chuyển tên thành Trạm thu giá chỉ là câu chữ, bản chất vẫn là trả tiền để sử dụng dịch vụ đường bộ

Khái niệm "thu giá" có từ cuối năm 2016

Sau khi có Luật Phí và Lệ phí, ngày 11-11-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá năm 2012, trong đó nêu rõ: Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư 35/2016 (ban hành ngày 15/11/2016, có hiệu lực từ 1/1/2017, do Bộ trưởng GTVT thời điểm đó là ông Trương Quang Nghĩa ký) quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

“Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại thông tư này”, ông Hiếu nói và cho biết, khi chuyển sang cơ chế giá, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động".

Cũng theo Bộ GTVT, thời gian qua, khi mức thu dịch vụ đường bộ chuyển sang cơ chế giá đã tạo điều kiện để Bộ GTVT chủ động đàm phán với các nhà đầu tư trong việc miễn, giảm giá cho các loại phương tiện và người dân lân cận trạm thu giá tại nhiều dự án BOT.

"Việc miễn, giảm giá được tiến hành ngay khi các bên ký hợp đồng thống nhất mà không cần phải chờ thủ tục ban hành thông tư mới, mất rất nhiều thời gian như trước đây còn quản lý bằng phí, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vận tải tại các trạm thu giá BOT,” đại diện Vụ Tài chính thông tin.

Bản chất không thay đổi

Cũng theo ông Phạm Huy Hiếu, về bản chất, việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không khác thu phí trước đây vì mức thu đều được dựa trên phương án tài chính của dự án và cập nhật các yếu tố biến động để điều chỉnh phù hợp. 

Chỉ khác ở chỗ Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi có các yếu tố biến động, thay vì Bộ Tài chính như trước đó.

Còn theo đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trước đây, trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2001 quy định: Phí bao gồm cả phí dịch vụ công do khu vực Nhà nước cung cấp và phí dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Tuy nhiên, để khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, Luật Phí và Lệ phí do Quốc hội ban hành ngày 25-11-2015 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017) quy định: Dịch vụ do cơ quan Nhà nước cung cấp là phí (thu phí), còn dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp là giá (thu giá).

Theo đại diện Bộ Tài chính, đối với các dự án BOT, BT giao thông cơ bản được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, theo hình thức xã hội hóa, nên phí sử dụng đường bộ (quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí 2001) được chuyển đổi sang thành giá sử dụng đường bộ (Luật Phí và Lệ phí 2015). Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông là những dự án đầu tư có tác động đến xã hội, nên trong Luật Phí và Lệ phí đã nêu rõ: Giá sử dụng dịch vụ do Nhà nước định giá và quản lý.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Luật Phí định nghĩa phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công. Trước kia, đường sá do Nhà nước đầu tư và thu tiền hoàn vốn, nên gọi là phí sử dụng đường bộ. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng đường, không còn là dịch vụ công nữa, bởi nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ trái luật.

Dịch vụ đường bộ lúc này trở thành một quan hệ dân sự, được gọi là giá dịch vụ sử dụng đường bộ, giống như giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch. Do đó, các trạm BOT đổi tên là trạm thu giá dịch vụ đường bộ”.