Tranh cãi quy chế mới làm thụt lùi chất lượng tiến sĩ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sỹ sau khi nhận được nhiều phản hồi về quy chế đào tạo tiến sỹ mới.
Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sỹ trong nước sẽ thụt lùi với quy chế mới

Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sỹ trong nước sẽ thụt lùi với quy chế mới

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4778/VPCP-KGVX gửi Bộ GD-ĐT về việc Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4778/VPCP-KGVX gửi Bộ GD-ĐT về việc Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ mới được Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021.

Một trong những điểm thay đổi gây tranh cãi là theo quy chế cũ, nghiên cứu sinh (NCS) cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Tuy nhiên, Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Theo ý kiến nhiều nhà khoa học, quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. Quy chế mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của quy chế cũ. Trong khi đó, phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường ĐH, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện.

Các nhà khoa học này cho rằng quy chế cũ với quy định 1 bài báo trong nước, 1 bài báo quốc tế là giải pháp cân bằng, không sính nội hay sính ngoại, trong khi Thông tư mới kéo lùi cơ hội Việt Nam tiệm cận các quy định của quốc tế.

Trước những băn khoăn về việc mở rộng các yêu cầu “đầu ra” có thể dẫn đến tình trạng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ tràn lan, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn trước đây, quy chế cũ đã có những đóng góp quan trọng trong việc đặt ra các chuẩn đầu ra, nhấn mạnh công bố quốc tế, từ đó tăng cường quản lý chất lượng đầu ra của đào tạo tiến sĩ.

Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận, tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với nhận định quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế hay bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí không đạt chuẩn ở nước ngoài. Thay vào đó, để khắc phục tiêu cực, Bộ GD-ĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín không thể dùng tiền để được đăng.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức có ý kiến chỉ đạo, Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sỹ; đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.