Tiếp diễn phiên xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm

Tranh cãi quanh việc ủy thác hơn 718 tỷ đồng

ANTĐ - Hôm qua (29-5), phiên tòa xét xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm bước sang ngày thứ 9. Sau phần bào chữa của luật sư đối với các bị cáo và nội dung bảo vệ quyền lợi của đại diện Ngân hàng ACB, các luật sư của Vietinbank đã lần lượt lên tiếng…  

Chiều qua (29-5), Nguyễn Đức Kiên đã tự bào chữa cho mình
và phản bác lại tất cả các tội danh bị truy tố 

Dưới góc nhìn của luật sư Nguyễn Như Thái Dũng thì đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan tới quyền lợi của nhiều tổ chức và cá nhân. Do đó, cần phải đánh giá toàn diện mới đảm bảo đúng bản chất của vụ án cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Trước yêu cầu của Ngân hàng ACB đối với việc Vietinbank phải có trách nhiệm về số tiền hơn 718 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư Dũng khẳng định là không có căn cứ pháp luật.

Luật sư Dũng phân tích, thực tế số tiền trên của ACB là do Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Tại thời điểm đó không có bất cứ quy định nào cho phép các tổ chức tín dụng được ủy thác cho cá nhân mang tiền đi gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, Ngân hàng ACB biết rõ việc thỏa thuận lãi suất vượt trần là bất hợp pháp, nhưng vẫn thực hiện. Trong quá trình gửi tiền, các nhân viên ACB cũng không thực hiện đúng và đầy đủ quy định, quy trình của các ngân hàng thương mại nói chung và của Vietinbank nói riêng là khách hàng gửi tiền phải trực tiếp thực hiện thủ tục, giao dịch tại ngân hàng.

Tiếp tục phân tích các tình tiết nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đặc biệt về số tiền hơn 718 tỷ đồng mà ACB đang yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng không có căn cứ. Bởi lẽ trước tòa, Huyền Như thừa nhận có ý thức chiếm đoạt từ trước và hành vi gian dối được thực hiện ngay từ đầu. Bằng chứng là Huyền Như đưa ra lãi suất chênh lệch cao và cô ta không chỉ lấy tiền của ACB mà còn lừa tiền của nhiều tổ chức tín dụng khác. Huyền Như cũng không chỉ gian dối đối với các nhân viên của ACB mà còn gian dối với cả Vietinbank bằng cách đưa lãnh đạo ngân hàng đi ký hợp đồng, nhưng sau đó lại thông báo là khách thoái thác vì chê lãi suất thấp.

Theo quan điểm của luật sư Quang, ACB đã lẫn lộn giữa tiền của ngân hàng với tiền của cá nhân mang đi gửi. Điều này được thể hiện ở chỗ, ACB ủy thác cho nhân viên mang tiền của mình đi gửi, nghĩa là biến tiền của ngân hàng thành tiền cá nhân. Thế nhưng khi tất toán lại cho rằng đó là của tiền ngân hàng nên mới không yêu cầu cá nhân nhận ủy thác thực hiện hết nghĩa vụ của người gửi tiền là nhận thẻ tiết kiệm. “Nếu tổ chức kinh tế đi gửi tiền thì chỉ cần hợp đồng gửi tiền kèm theo giấy tờ liên quan như giấy báo nợ là đã chứng minh được quyền của mình đối với khoản tiền đó. Trong khi ấy, cá nhân đi gửi thì phải có sổ tiết kiệm hoặc thẻ tiết kiệm mang về. Chính sự lẫn lộn này của ACB đã tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo” – luật sư Quang chỉ rõ.

Với những phân tích nêu trên, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank đều cho rằng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam không hề “dính” đến khoản tiền hơn 718 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt và càng không phải có trách nhiệm đối với số tiền này trước ACB. Hôm nay (30-5), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội.