Tranh cãi quanh một trại lợn

ANTĐ - Lập chốt chặn xe chở thức ăn gia súc, liên tiếp gửi đơn kêu cứu vì lo sợ nguy cơ ô nhiễm môi trường khu dân cư, căng thẳng giữa một số hộ dân tổ 9 thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ đã kéo dài gần 2 tháng nay.

Chị Phách lo ngại nguồn nước ngầm của gia đình sẽ bị ô nhiễm

Dân lo sợ ô nhiễm

Từ ngày 5-8, nhiều người dân tổ 9 thôn Xuân Sen thường xuyên túc trực tại con đường bê tông dẫn vào khu vực đất sản xuất kinh doanh do UBND xã Thủy Xuân Tiên quản lý. Đây là khu vực rộng 50ha được địa phương cho người dân thuê với thời hạn 50 năm để chủ yếu trồng cây lâu năm và phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, tại đây, gia đình bà Hoàng Thị Loan và Đậu Thị Hoàng Anh đã xây dựng một trại chăn nuôi lợn với diện tích 3.000m2 gây ô nhiễm nặng nề môi trường xung quanh. Kể từ khi bắt đầu hoạt động, việc xả thải gây ô nhiễm của trang trại khiến người dân vô cùng bức xúc. Kêu cứu tới chính quyền địa phương không được, người dân tự bảo nhau kéo ra “lập chốt” ngăn cản các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi vào trang trại này.

Bà Nguyễn Thị Phách, một hộ dân thuộc tổ 9 có nhà chỉ cách trang trại 10m than trời: “Từ lúc trại lợn đi vào hoạt động, cuộc sống của gia đình tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Ngày nào chúng tôi cũng phải chịu đựng mùi xú uế của trại lợn bay sang, ban đêm cũng không thể ngủ được. Bên đó họ còn đào cả một chiếc ao hàng nghìn mét khối để chứa nước thải. Chiếc ao này hoàn toàn lộ thiên, chỉ lót đáy 1 lớp vải nhựa và không hề được che đậy. Chính vì thế mỗi khi thời tiết thay đổi thì chúng tôi… lĩnh đủ. Đó là chưa kể nước thải từ chiếc ao này ngấm xuống đất gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước ngầm sinh hoạt của nhiều hộ trong thôn.

Bà Phạm Thị Hoa nhà ở tổ 4 cũng lên án gay gắt: “Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể đồng ý cho một trang trại chăn nuôi hàng nghìn con lợn ngay giữa khu dân cư như vậy. Theo tôi được biết hiện nay trang trại này mới chỉ nuôi thí điểm 200 con lợn, vậy mà đã gây ô nhiễm nặng như vậy thì thử hỏi khi họ nuôi đủ công suất thì mức độ sẽ lớn đến thế nào?”.

Khu bể biogas bằng HDPE đang được bơm nước thử tải khiến người dân lo lắng

Trang trại cũng kêu cứu

Bà Đậu Thị Hoàng Anh - chủ trang trại này cho hay: “Không thể nói chúng tôi xây dựng trang trại trong khu dân cư và làm bẩn nguồn nước lẫn không khí bởi khu vực trang trại của tôi hoàn toàn nằm ở khu vực được quy hoạch làm nơi sản xuất kinh doanh… Thêm nữa, tại khu vực tường bao, chúng tôi cũng đã trồng keo dày 5m, cao 20m bao kín trang trại. Trước khi triển khai, chúng tôi cũng đã làm đề án bảo vệ môi trường được UBND huyện chấp thuận. Theo đề án này, chúng tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường công nghệ hiện đại áp dụng trong chăn nuôi bao gồm: hệ thống chuồng nuôi khép kín; làm bể chứa biogas thể tích 6.000m3 và hồ sinh học 2.000m2 với tiêu chuẩn nước an toàn có thể nuôi cá. Toàn bộ hệ thống này đáp ứng yêu cầu phát triển 25 năm sau mới cần nâng cấp và được triển khai trên cơ sở đề tài khoa học cấp quốc gia, đã được các cơ quan bảo vệ môi trường chấp thuận, khuyến khích dùng trong chăn nuôi trên cả nước”. 

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Doanh -Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nói: “Đầu năm 2013, bà Loan và bà Hoàng Anh đã có đơn xin chuyển đổi đất từ trồng cây sang chăn nuôi tổng hợp và được địa phương đồng ý. Tuy nhiên, do chưa được phê duyệt mà họ đã tập kết vật liệu và tiến hành xây dựng chuồng trại nên chúng tôi đã xử lý lỗi này. Sau đó xem quy trình thiết kế và thấy trại nằm trong khu vực phát triển kinh tế trang trại phù hợp với chính sách khuyến khích phát triển của địa phương và có phương án bảo vệ môi trường nên huyện đã phê duyệt. Việc gây bức xúc trong nhân dân là do trang trại này chưa hoàn thiện hệ thống cấp điện và đường ống xả thải. Vì thế huyện đã chỉ đạo trại tạm dừng việc nhập con giống, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý về cấp phép xả thải, tổ chức thi công hoàn thiện các công trình đúng như phương án chuyển đổi đã được phê duyệt đảm bảo chăn nuôi không gây ô nhiễm”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Doanh, sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư phải mời UBND xã, các ngành chuyên môn và đại diện nhân dân kiểm tra trực tiếp các hạng mục và đảm bảo thường xuyên giám sát việc cam kết về bảo vệ môi trường.