Tranh bán chạy đã là tranh tốt?

ANTD.VN - Mỹ thuật Việt Nam từ lâu đã tồn tại một thực tế, tranh bán chạy chưa hẳn đã là tranh tốt, còn tranh tốt chưa hẳn đã là tranh bán chạy… 

Một phần của bức tranh khổng lồ “Chiến lũy và hoa” do họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn thực hiện

Sự kiên định trên con đường sáng tác ắt sẽ dẫn tới thành công. Điều này đã được khẳng định từ thực trạng của mỹ thuật Việt Nam khi có nhiều họa sỹ dù tranh vẽ ra không được liệt vào hàng “best seller” (bán chạy nhất) nhưng với giới trong nghề, họ là những nghệ sỹ thực thụ. 

Sau những “sóng gió” chiêu trò

Trên con đường phát triển, mỹ thuật Việt Nam đã chứng kiến những cuộc thay trắng đổi đen rất đáng kinh ngạc như nạn tranh giả, tranh nhái, nạn ăn cắp ý tưởng và giá trị đích thực của một tên tuổi. Cũng cần thấy rằng, trong môi trường công nghệ số đang phát triển ồ ạt và sự khao khát vươn lên khẳng định mình của các tác giả trẻ thì những chiêu trò đánh bóng tên tuổi, PR bản thân để nổi tiếng trước khi tài năng kịp chín, đương nhiên đã được tận dụng.

Chính vì thế, nhiều khi một họa sỹ nổi lên không phải bằng hàm lượng nghệ thuật trong tác phẩm mà là dựa vào một màn trình diễn gây sốc, một cách lăng xê khôn khéo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng sau những “sóng gió” về chiêu trò đi qua, cái đọng lại đối với công chúng không phải sự khâm phục về nghề mà là chỉ có những lời thán phục về sự… khôn ngoan. 

Nhưng cũng nhờ vào các chiêu trò mà tên tuổi và tác phẩm của họa sỹ đã đến gần hơn với người xem. Như lẽ tất yếu, tác phẩm của anh ta sẽ được biết tới rộng rãi hơn và đầu ra cho sản phẩm cũng thênh thang hơn. Còn chất lượng nghệ thuật có tới đầu tới đũa lại là câu chuyện khác. Bên cạnh các họa sỹ biết cách đánh bóng tên tuổi, mỹ thuật Việt Nam còn có một lượng họa sỹ của dòng tranh thị trường.

Tức là những người nghệ sỹ đã tạo nên các tác phẩm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng thưởng thức nghệ thuật. Dù không có nhiều cái mới trong hình thức thể hiện như việc tìm ra một hướng đi riêng, một ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại mang tính kế thừa, tầm ảnh hưởng tới lớp họa sỹ hậu sinh, mở ra một con đường đi cho mỹ thuật Việt nhưng rõ ràng, tranh của các họa sỹ này đang bán rất chạy, thậm chí vượt xa các họa sỹ có nghề. 

Tranh phố Hà Nội của họa sỹ Nguyễn Trường

Nâng cao trình độ người xem

Cũng giống như văn học, âm nhạc… việc hình thành dòng tranh thị trường và dòng tranh nghệ thuật của mỹ thuật Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu đáp ứng thị hiếu của nhiều tầng lớp khán giả. Chỉ có điều, với những họa sỹ sáng tạo thực thụ, cần mẫn thì sự thờ ơ của công chúng cũng gây ra rào cản. Việc khai phá một con đường mới trong nghệ thuật luôn cần sự bản lĩnh, tư duy linh hoạt và một tài năng thiên bẩm.

Nhưng ngay với những người họa sỹ hội tụ đủ 3 yếu tố này thì tác phẩm của họ cũng chưa chắc đã được đón nhận trong bối cảnh thị trường mỹ thuật Việt Nam chưa hình thành. Chính vì vậy, đời sống của các nghệ sỹ còn gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn các họa sỹ của dòng tranh thị trường. 

Việt Nam đã chứng kiến sự tâm huyết của các họa sỹ trẻ như Nguyễn Doãn Sơn với bức tranh lịch sử khổng lồ “Chiến lũy và hoa” tái hiện Hà Nội năm 1946, Mai Duy Minh với bức sơn dầu lớn về chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng đều nan giải trong vấn đề tìm đầu ra. Sự bế tắc ấy lớn đến nỗi, Nguyễn Doãn Sơn đã tự tay đốt bức tranh dày công sức và tiền bạc của mình.

Ngoài ra, Việt Nam còn có không ít các họa sỹ cả cuộc đời chuyên tâm sáng tác, ít dành thời gian xuất hiện tại các sự kiện lớn nhỏ của mỹ thuật Việt nhưng giới trong nghề lại rất nể phục tài năng, tư cách người nghệ sỹ. Chỉ có điều, nếu làm một phép so sánh, tranh của họ lại có phần lép vế hơn các nghệ sỹ biết tận dụng cơ hội để nổi lên. 

Việc phân định lằn ranh giữa dòng tranh nghệ thuật và thị trường hoàn toàn phụ thuộc và trình độ thẩm mỹ của công chúng. Để Việt Nam có được những tên tuổi mang tầm cỡ quốc tế, vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho giới trẻ là biện pháp hàng đầu. Chỉ người thưởng lãm tranh mới tạo động lực cho các họa sỹ sáng tạo bằng việc sở hữu các tác phẩm. Hơn thế, sức sáng tạo của họa sỹ cũng cần được đánh giá và nhìn nhận trân trọng bằng việc định đoạt giá trị tác phẩm ngang tầm.