Trăng sáng đêm nay

(ANTĐ) - Hà Tông Huân về Kinh thành Đông Đô (Thăng Long) thi hội. Huân nổi tiếng thần đồng. Mười lăm tuổi thi hương đậu cử nhân vì tuổi còn vào độ thiếu niên nên không được bổ làm quan, Huân ở nhà tiếp tục dùi mài kinh sử.

Trăng sáng đêm nay

(ANTĐ) - Hà Tông Huân về Kinh thành Đông Đô (Thăng Long) thi hội. Huân nổi tiếng thần đồng. Mười lăm tuổi thi hương đậu cử nhân vì tuổi còn vào độ thiếu niên nên không được bổ làm quan, Huân ở nhà tiếp tục dùi mài kinh sử.

Minh họa: Phạm Công Thành
Minh họa: Phạm Công Thành

Ông rất hiếu học, tuy đã vinh quy, tên đề bảng vàng, song ông vẫn lần vào tận xứ Nghệ tìm những thầy hay chữ để thụ học. Những kỳ tập văn ở Quốc Tử Giám ông đều khăn gói hoặc xuôi thuyền, quốc bộ ra tận kinh đô dự…

Khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724) ông vào thi Hội đỗ Bảng Nhãn, khoa ấy không có Trạng nguyên nên ông được coi là Đình nguyên… Vua Lê Dụ Tông ban cho ông chức Hàn Lâm thị thư, rồi bổ làm Đốc Đồng Sơn Nam, một trấn lớn trong tứ trấn của Bắc Hà.

Ít lâu sau ông thăng Đốc Trấn An Quảng… Đây là vùng đất không mấy ngày yên ổn… Vùng biên trấn bao nhiêu chuyện xảy ra hàng ngày… Lo dẹp bọn cướp biển hoành hành, lo việc các làng vùng biên lấn đất, lấn ruộng, dàn xếp xung đột, lo thi hành việc thuế má sao cho công bằng để dân an cư lạc nghiệp.

Quan đốc trấn sau ngày đến nhậm chức, cho quân lên rừng đẵn gỗ, bắt các huyện triệu tập những thợ đóng thuyền các nơi đóng thêm mấy chục chiến thuyền, chọn các thủy thủ giỏi làm chiến binh chèo thuyền, hàng ngày luyện đánh trận trên thủy, trên bộ, phá các sào huyệt của giặc…

Ông lấy thêm trai khỏe các làng xung quân… Khi đã có một đội thủy chiến mạnh, quan đốc trấn họ Hà, đánh phục kích những bọn cướp biển mạnh nhất từ các đảo thuộc phía bên kia hải giới. Chúng hay kéo sang cướp các tàu hàng, thậm chí giả dân chài xông vào cướp phá ngay trong phiên chợ vùng biên…

Ông đem quân đổ bộ lên các đảo ở Bái Tử Long, triệt phá nơi trú ngụ của đám giặc biển… mềm nắn, rắn buông, thấy những đám cướp lớn bị diệt, bị đánh cho tan tác, các tướng cướp khác hoặc chuyển sang các đảo ở mạn bắc, hoặc án binh bất động…

Ông lại vận động các dân lưu tán về khai khẩn ruộng đất ở vùng Yên Hưng, ban hiệu lệnh cho các thuyền đánh cá nếu bị cướp biển quấy nhiễu thì hãy tập hợp nhau đánh trả rồi đánh chiêng trống ngũ liên kêu gọi quan binh đến giúp… Dân chúng ở ngoài đảo hay ven bờ từ đó không còn ngại nạn giặc cướp hoành hành nữa…

Hà Tông Huân liền mấy năm được thăng chức, chúa tâu vua phong ông làm Tả thị lang bộ hộ rồi chuyển giữ chức Phòng sát sứ ở Tây đạo và Nam đạo… Năm Ất Sửu (1745) chúa Trịnh Doanh vời ông vào phủ hỏi việc.

Khi gặp mặt, chúa thấy ông thần thái ung dung, mắt nhìn thẳng, hỏi đâu nói đấy, rất am hiểu nhân tình thế thái, rất quý trọng. Ân cần chúa nói :

- Ta vời ông vào phủ để hỏi kế sách. Ta vừa phải ngồi thay ngôi chúa cho Thuận Vương (Trịnh Giang)… Chuyện triều chính bỏ ai, dùng ai; để yên lòng dân các chính sách ban ra sao cho hợp với tình cảnh của đất nước. Ông hãy bày kế sách trước mắt giúp ta trong những ngày cấp bách này.

Hà Tông Huân đã thức cả đêm trước khi biết hôm sau phải vào hầu chúa, ông khoan thai nói rõ ý mình:

- Khải chúa, Thuận Vương đau ốm nhiều, cạnh chúa Thuận, bọn quyền thần chỉ lo vui chơi cho chúa mà quên chính sự. Chúa mới nắm quyền đây chính là lúc cần có kế sách nhìn xa, như lúc chưa mưa đã lo sao cho mái khỏi dột…

Chúa khen:

- Ông nói đúng lắm. Theo ông bây giờ, những hiệu lệnh cần ban bố ngay là những việc gì?

- Thần nghĩ, việc quốc gia thiết yếu lúc này cần thực thi những điều sau: Trước hết, vua Lê không thể không tôn phù, xin chúa hãy hết lòng tôn vua để xua tan những dị nghị. Xin chấm dứt chuyện cầu cạnh của kẻ bất tài, để cho mọi việc đúng với chuẩn mực. Chúa hãy chăm sóc đời sống dân chúng làm chỗ dựa lâu bền. Mỗi lúc cất quân, dùng binh đánh dẹp, hãy kỹ lưỡng tính xa tính gần, chọn những tướng giỏi để làm nanh vuốt. Quan chức hiện nay nhiều, giỏi, kém, hiền, ngu lẫn lộn, xin giảm bớt các chức không cần thiết để đỡ phiền nhiễu. Việc khoa cử cần chấn chỉnh để chọn được hiền tài. Hình án những vụ lớn cần xử trước, nhất là những vụ coi thường tính mạng, hối lộ tham nhũng. Xin chọn những người giỏi, đức độ giao làm đốc trấn, hiến ty để lập lại sự công bằng cho dân, phân rõ kẻ ngay người gian. Với những người nước ngoài cư trú, làm ăn buôn bán, phải sức cho những nơi họ hành nghề có chính sách đúng, để tránh những kẻ cơ hội, lạm dụng làm bậy…

Chúa gật đầu, hỏi thêm nhiều điều nữa rồi ban bố cho các quan đầu triều, các trấn thi hành. Chúa ban chức Tham Tụng, tước Kim Khê bá. Ông lạy tạ. Chúa ban rượu cho, đùa hỏi:

- Làm quan đầu triều dễ hay khó?

Ông thưa:

- Khải chúa, cái khó của người làm quan là chuyện phải lượng sức mình xem có gánh vác nổi chức phận không.

Chúa lại hỏi:

- Theo ông, người nắm chức lớn phải thế nào?

Hà Tông Huân đáp:

- Khải chúa, người được dự vào các chức Tham Tụng, Bồi Tụng là người được cử ra để làm thay việc trời, sáng tỏ nghiệp chúa; bên trong phải thấu suốt các việc của các Bộ, Viện, Đài, Sảnh, để làm công việc triều đình; bên ngoài phải điều hành được các ty của các trấn, lộ, phủ, huyện để cai trị dân, khiến các chức lớn nhỏ theo nhau, thể thống không rối…

Chúa khen:

- Nói đúng lắm!

Chúa ban trà rồi hỏi tiếp:

- Đối với các bậc đế vương, việc lớn trong vương quyền là gì?

- Đó là chăm lo chính trị mà trước tiên là lo tuyển chọn và bồi dưỡng người có tài. Đế nghiệp muốn được bền lâu cũng là nhờ người tài phò tá các vị vua chúa kế nghiệp sau này…

Chúa lại hỏi về việc bang giao nên thế nào?

Hà Tông Huân suy nghĩ rất lâu rồi nói:

- Khải chúa, trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, những lúc ứng đối, thù tạc cũng vô cùng quan hệ, không thể xem thường. Cho nên lo sao cho khéo, cho giỏi việc giao hiếu là rất quan hệ. Xét những gương người hiền tài trong sử sách, học được một điều, đó là hãy đem lòng tin thực mà kết giao. Người nắm quyền, trị nước nên cẩn thận, tùy lúc thịnh suy của thế nước mà ứng biến…

Nhân có giặc lớn ở mạn Thanh Hóa, chúa sai ông đi đánh dẹp. Chúa hỏi, có cần thêm tướng, thêm quân không, ông đáp:

- Quân dùng cốt tinh nhuệ, không cần nhiều. Vả lại đất Thanh là nơi thần đã thông thuộc các ngả các lối, có thể thắng được giặc…

Rồi chỉ đem quân sẵn trong dinh đi Tây đạo, do quân luật tề chỉnh, lại biết cách kích động, lừa nhử, nên giặc bị ông phục kích, cướp trại nhiều lần. Chúng tan tác cả.

Ông được về triều nhận chức Thượng Thư Bộ Binh, tước Huy Xuyên hầu… Trong buổi lễ mừng thăng chức, có người bạn đồng khoa xưa, tặng một bài thơ:

Hỏi bạn

Những tưởng hàn lâm hóa võ lâm,

Tung hoành ngang dọc khắp tây đông

Mặt nam vừa ổn sang tây đạo,

Giặc biển xua tan lại giặc rừng…

Bầu rượu túi thơ đành gác lại

Thanh gươm yên ngựa há thong dong…

Hỏi còn chinh chiến bao lâu nữa?

Quê cũ bạn bè mỏi mắt trông!

Ông đọc, cảm động lắm, sai đào nương hát hai ba lần cho nghe… Người bạn biết ông bùi ngùi vì lấn bấn trong vòng danh lợi, trước khi về nắm chặt tay ông, đùa hỏi:

- Ông có biết chúa ban chức cho ông những Khê cùng Xuyên là có ý gì không?

Ông lắc đầu. Người bạn thân vỗ vai bảo:

- Khê, Xuyên tức là Khe, Suối; ý nói Kim Khê bá và Huy Xuyên hầu, là vị tướng giỏi đánh rừng núi… 

Hà Tông Huân chịu bạn nghĩ sâu sắc, ông bạn đồng khoa lại cười ầm lên, mách nước:

- Sao không biết tương kế, tựu kế… Khê, Xuyên còn có nghĩa là khe, suối gọi người về nữa đấy!

Ông cảm động lắm, ôm chầm lấy bạn…

Ngoài lục tuần, Hà Tông Huân mới được chúa cho thôi chức về quê vui với ruộng vườn; được ban hàm Thiếu Bảo, tước Huy Quận Công… Chúa hỏi ông những người giỏi có thể dự vào các công việc ở đài sảnh, ông đề đạt rất nhiều người trẻ, bên cạnh những người lão luyện. Chúa gạn hỏi sao lại chọn nhiều người còn chưa hề dự vào những chức trách, sợ họ bỡ ngỡ trong công việc. Ông thưa:

- Khải chúa, người giỏi thì sách đọc thấu xưa nay, suy nghĩ kỹ mới nói, dâng kế sách như Bùi Sĩ Tiêm, thì thẳng thắn nói hết lời. Đó chẳng là mặt mạnh của lớp hậu sinh sao!

Phần lớn những người do ông tiến cử chúa đều nghe theo…

Ông dựng một ngôi nhà ở bên sông, cổng dong, rào duối, vườn tược trồng toàn na, ổi, bưởi, mít.., những thứ cây thường thấy ở vườn làng. Trước thềm là một chòm sân, trăng thanh gió mát… Chiều nào khi mặt trời đã ngả sau núi, những bô lão quen thân trong làng thường chống gậy trúc đến chơi.

Trà ngon pha mời, bàn cờ đã sẵn, sau một hồi rong chuyện, họ xúm nhau bên bàn cờ trổ tài cao thấp…

Quan thượng thư hồi hưu nhường cho những cao thủ gặp nhau.., thường chỉ ghé đầu xem… Cũng có khi ông tiếp một vài ván để vui lòng khách…

Buổi sớm ông thường thăm hoa, tỉa những lá úa, cắt những bông cúc vàng đại đóa mang vào nhà cắm bình chơi. Sau đó, ông chải chiếu ra ngoài hiên đọc sách…

Vườn của ông vào mùa thu đẹp nhất là những luống cúc. Cũng có khi một người bạn cũ tận Sơn Nam vào chơi, nhắc lại thời cùng trọ học, tập văn ở kinh thành. Ông bày một tiệc rượu nhỏ, trò chuyện văn chương đến tận khuya.

Trăng đêm đó rất sáng, người bạn trong lúc ngà ngà say nói:

- Bạn cũ lâu ngày mới gặp lại, hàn huyên đã thỏa, giờ đệ muốn xin chữ của huynh đây…

- Ngoài ấy thiếu gì người viết chữ đẹp, việc gì huynh phải lặn lội vào đây xin chữ đệ…

- Chữ đẹp cũng là tranh. Chữ của huynh đẹp có tiếng từ hồi đi học… Được một bức tranh chữ của huynh treo trong căn nhà mới cất, nhìn lên, thấy tranh cũng như thấy người, há chẳng sướng sao…

Quan thượng thư lấy giấy xuyến chỉ, người bạn tự tay mài mực… Bút mực đã sẵn, giấy đã trải trên mặt bàn, Hà Tông Huân dằm bút viết luôn một mạch bài “Thập ngũ dạ vọng nguyệt” của Vương Kiến đời Đường:

Trung đình địa bạch thụ thê nha,

Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa.

Kim dạ nguyệt minh nhân tận vọng,

Bất tri thu tứ tại thùy gia…

Ông viết luôn bài dịch của mình bên dưới:

Chòm sân trắng đất quạ đầy cây

Hoa quế thơm lừng, sương lạnh bay.

Bữa nay trăng sáng người đua ngắm

Nhà ai thu tứ đã dâng đầy!

Ông vừa đặt bút, người bạn rót đầy hai chén, cụng ly với ông hể hả:

- Trăng sáng, thơ hay, chữ đẹp, bạn hiền… Còn phút nào hạnh phúc bằng… Cạn!

Họ uống, uống cả ánh trăng lấp loáng trong chén rượu.

Năm 2009

Truyện lịch sử của Ngô Văn Phú