Trang giáo án viết trên đôi nạng sắt

ANTĐ -“Thị xã Cao Bằng giờ đổi thay lắm! Tôi nghe thấy người bản đi về khen ngợi thế. Tôi lâu nay chẳng ra được khỏi nhà, đôi chân không lành chỉ ngược xuôi trong căn nhà trống” - thầy Đồng tâm sự.
Trang giáo án của tuổi 20  
Thầy Đồng cứ nhấn nhá như thể trách cứ điều gì đó thì phải. Lâu nay thầy Đồng chẳng đi đâu được, quanh năm chỉ qua lại với cơn gió núi xã Sóc Giang miền biên viễn Cao Bằng. Sở dĩ như vậy là vì thầy Hà Văn Đồng bị chấn thương cột sống trong cuộc chiến đấu ác liệt thời kỳ chiến tranh biên giới năm 1979.
“Mình về mình có nhớ ta. Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Cái khí chất núi rừng Việt Bắc sẵn có trong tâm hồn thầy Đồng như lẽ sống. Chẳng phải nhà văn, cũng không phải là thầy dạy văn, nhưng thơ ca, hò, vè thầy thông thạo. “Cái nghề văn chương chữ nghĩa như cái duyên với tôi kể từ khi đôi chân tôi bị liệt. Nằm một chỗ thì buồn chán, tìm sách tự đọc rồi thấy mê, từ mê lại muốn mang kiến thức mình từng lĩnh hội trong sách vở, cuộc sống để lớp trẻ nó noi theo” - thầy Đồng chia sẻ. Tôi thì gọi bằng thầy Đồng, và các học trò ông dạy học cũng thế, một câu thầy, một điều thầy nhưng thầy thì bảo có đứng lớp bao giờ đâu mà kêu thầy. Thì vẫn biết, điều hay lẽ phải gọi thế mới đúng, còn thầy thì chẳng cần coi trọng lắm sự hoa mỹ, thầy bảo miễn sao có người thấy cần mình dạy chữ, và đến với mình là được, cuộc sống thêm vui hơn nhờ có học trò tíu tít. 
Trang giáo án viết trên đôi nạng sắt ảnh 1
Mỗi bài giảng trên chiếc nạng làm vơi đi nỗi đau vết thương thân thể
Tôi cảm nhận được nỗi buồn trong tiếng I, T vẫn ngân lên trong căn nhà nhỏ ở Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng ở những buổi chiều chớm đông. Cái lạnh đá núi se sắt, khiến tôi cảm nhận được một tuổi hai mươi trong ánh mắt trong veo nhìn qua khung cửa sổ mà người thương binh đem lại. Nơi biên giới chiều thường đến sớm. Học trò vơi trong căn nhà như tạo khoảng trống mà thầy không hề muốn. Thầy Đồng hy sinh tuổi thanh xuân như lẽ sống của tuổi trẻ thời bấy giờ. Trong một trận đánh ác liệt bảo vệ biên giới của Tổ quốc thân yêu, thầy đã bị thương nặng, và từ đó một bên chân đã vĩnh viễn phải thay thế bằng chiếc nạng sắt nguội lạnh.
“Tôi lấy con chữ để làm vui trong cuộc sống, và tôi chọn con chữ để lành vết thương trên cơ thể mình theo từng năm tháng”- thầy Đồng bộc bạch. Những trang giáo án được viết lên từ người thầy thương binh như sự hồi sinh bất diệt của loài cây trên núi rừng Việt Bắc. Trên chiếc nạng sắt, những âm tiếng trong veo vẫn hào sảng trong ánh mắt của từng lớp học trò. Tiếng gieo vần ấy bao năm qua đã níu kéo những lớp trẻ tìm đến để tiếp thêm hành trang vào đời. Con thuyền chở khách trên bến sông thì chỉ ngừng nghỉ theo quy luật tất yếu bởi không có gì tồn tại mãi mãi. Những chuyến đò chở chữ của thầy Đồng đã trải qua bao mùa rừng dẻ trút lá, đơm hoa, kết trái. Thầy miệt mài trong nỗi khát khao con chữ của con trẻ đồng hành cùng say mê của người thầy. Và cứ thế, tiếng về “ông giáo thương binh” như một loài hoa rừng ngào ngạt bay xa, và đáp lại là lớp lớp học trò tìm đến. Cứ thế, những câu chuyên vui của lớp trước có một cuộc sống hạnh phúc, có thông tin đứa học trò thuở nào từng nhờ thầy dìu dắt giờ đã ổn định công việc cũng làm thày thêm vui.   

Chuyến đò chở chữ của người anh hùng 

Cuộc chiến khốc liệt năm xưa đã làm người thanh niên Hà Văn Đồng ở mãi với tuổi hai mươi thanh xuân. "Tôi còn nhớ, cú nổ mìn sức ép khiến toàn thân bất động. Đồng đội đưa về hậu phương điều trị và khi đất nước thanh bình thì tôi trở về với vết thương trên đôi chân”- thầy Đồng nhớ lại. Trên chiếc nạng nhỏ, đã bao lần gây đau đớn những lúc trái gió trở trời. Có những lúc, thày Đồng tưởng chừng sẽ không đứng lên được về cả tinh thần và vết đau tái phát. Nhưng rồi, tiếng I,T cứ vang ngân lên, tiếng học trò ùa đến “thầy cố dìu con bước vào đời”. Lời động viên của học trò như phương thuốc xoa dịu nỗi đau, niềm đam mê chữ nghĩa như thần tiên khiến vết đau nhanh lành. Thầy bảo: “Không phải hão huyền gì, nhưng tôi thương bọn trẻ không có học hành thì khổ. Mình biết chữ nghĩa đến đâu thì chia sẻ cho bọn trẻ đến đó. Mình học ít, mà dạy bảo được bọn trẻ thi đỗ đậu, thế cũng là niềm vui trong đời”- thầy Đồng nói.
Trang giáo án viết trên đôi nạng sắt ảnh 2
Từng là người lính thầy Đồng luôn cháy hết mình khi nhiệt huyết say mê chữ nghĩa
Trở lại thời oai hùng của thầy Đồng, tôi thấy cảm phục tinh thần tuổi trẻ khi đó. Rút trong tập hồ sơ ố vàng, cất kỹ trong tủ gỗ một tấm thẻ “Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng, mới thấy tuổi trẻ một thời sôi sục mà ngày nay chúng tôi cần phải phấn đấu. Khí phách của một người thầy muốn sẻ chia những gì mình có để tiếp thêm tri thức tiếp bước hành trang vào đời của từng thanh niên bản. Cái nghèo bao năm qua vẫn u ám trong bản bởi sự thiếu học hành của mỗi con người. Thầy ngẫm vậy. Và thầy làm theo lòng mong mỏi. 
Thầy Đồng bước đến bên chiếc giường được ghép bằng 3 tấm ván đơn sơ, rồi với trên tập sách lấy chiếc đài nhỏ. “Đây là người bạn thân nhất với tôi sau mỗi khi học trò tan về. Không có nó căn nhà này trống vắn ra phết”- thầy Đồng nhẹ nhàng giơ chiếc đài bán dẫn, nói. Nút công tắc bật lên, chiếc đài cất lên ngân nga “anh thương vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ, bài hát quê hương...”. Đó là bản tình ca bất tử về người thương binh mà tình đồng đội dành cho nhau gửi qua tiếng hát. Ở phên giậu biên giới, thầy Đồng vẫn miệt mài chở chữ dưới tán rừng Việt Bắc gió ngàn, để cùng lớp trẻ đưa qua sông những chuyến đò chở chữ tiếp bước tương lai cho thế hệ trẻ ở bản nhỏ thân thương.