Trang điểm cho con, tăng nguy cơ nhiễm chì

ANTĐ - Không ít bà mẹ đã mua mỹ phẩm bày bán tràn lan trên thị trường cho con em mình sử dụng. Điều này đã làm tăng nguy cơ nhiễm độc ở trẻ…

Trẻ em ngày càng sớm quan tâm đến đồ trang sức, mỹ phẩm

Từ sự thiếu hiểu biết

Thấy con gái đang học lớp 2 rất hào hứng với những món đồ trang điểm của mẹ, nhân dịp sinh nhật con, chị Vũ Thu Ngọc (ở đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) đã mua tặng con gái một bộ gồm son môi, phấn má và phấn mắt để trang điểm mỗi khi đi biểu diễn văn nghệ. Tuy vậy, điều khiến chị Ngọc băn khoăn là loại son môi này rất khó phai màu dù đã rửa qua nước nhiều lần. Bên cạnh đó, sau vài lần sử dụng, da của con gái chị có biểu hiện bị phồng rộp, nứt nẻ.

Giống như chị Ngọc, không ít bà mẹ khác đã mua và cho con sử dụng những món đồ trang điểm không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, trên thị trường những loại mỹ phẩm dành cho trẻ em đang được bày bán khá phổ biến. Bà N.T.H – chủ một cửa hàng bán mỹ phẩm tại phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm quảng cáo, “son màu hay son dưỡng dành cho trẻ em hầu hết đều được nhập từ nước ngoài nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng và an toàn khi sử dụng”. Bà H còn cho biết thêm, hiện có nhiều mẫu son nhỏ, đẹp mắt dành cho trẻ em. Loại son này là hàng “xách tay” từ Thái Lan, Hàn Quốc… nên tuyệt nhiên không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, hạn sử dụng cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ cho trẻ sử dụng son không rõ nguồn gốc, một số phụ huynh còn dùng phấn má, phấn trang điểm, phấn mắt... của người lớn để bôi cho trẻ, thậm chí còn cho con em mình nhuộm tóc, sơn móng tay, móng chân khi còn rất nhỏ. Chị Vũ Thị Lam ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình kể lại, do thấy trẻ con nước ngoài thường có mái tóc xoăn, hoe vàng đáng yêu nên nhân một lần đi nhuộn tóc, chị cũng quyết định cho cô con gái 6 tuổi nhuộm và làm xoăn luôn cho… “giống Tây”. Ngay sau khi về nhà bé bắt đầu nôn,  toàn bộ phần da đầu, tai và mặt của bé thì bị sưng phồng và đỏ ửng. Đưa con đi khám, chị Lam mới biết con gái mình bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc đồng thời ngộ độc khi phải ngửi mùi hóa chất từ các loại thuốc làm tóc. 

Những nguy cơ chết người

Về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khi sử dụng hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, ông Đặng Đình Hoàng - kỹ sư Hóa vô cơ cho biết, chưa cần biết trong những sản phẩm này có chứa thành phần gì đã có thể khẳng định, son môi màu càng rực rỡ và lâu phai thì chắc chắn có chứa những chất hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống trẻ có thể nuốt son vào kèm theo đó là những  hóa chất không chỉ gây dị ứng cho da mà còn tác động đến hệ tiêu hóa. 

Da trẻ em vốn rất mỏng manh và nhạy cảm. Vì vậy, phụ huynh không nên bôi những sản phẩm kem dưỡng da có chất gây kích ứng mạnh (chứa acid boric, salicylic) hoặc những sản phẩm chứa tinh dầu lên da trẻ. Trong trường hợp da trẻ bị khô, nứt nẻ, gây ngứa ngáy, sưng tấy, đau rát, bố mẹ nên đưa con đi khám, tham khảo ý kiến của bác sỹ, lựa chọn những sản phẩm dưỡng da trẻ em của các nhà sản xuất có uy tín (chứa các thành phần từ thiên nhiên, không chất phụ gia). Do mỗi trẻ có một cơ địa khác nhau nên trước khi bôi bất cứ loại kem gì lên da trẻ, phụ huynh cũng nên thử trước ở một vùng da nhỏ, nếu an toàn mới bôi trên diện rộng.

Cũng theo ông Hoàng, khi tắm cho bé không nên lạm dụng xà phòng do những hoạt chất trong đó có thể khiến da khô thêm. Trong mùa hanh khô, thời gian tắm cho bé cũng nên rút ngắn, không nên tắm nước quá nóng. Còn đối với các loại thuốc nhuộm, thuốc uốn tóc, ngay cả với người lớn, khi bị các chất nhuộm khi thấm sâu vào chân tóc mang theo hoạt chất độc hại  có khả năng gây ung thư. Chưa kể những loại thuốc nhuộm có chứa hóa chất Benzenne có thể gây ngộ độc chì. Ngoài ra, những loại thuốc nhuộm, ép tóc không đảm bảo chất lượng sẽ dễ gây kích ứng cho da đầu (viêm đỏ, phù nề, thậm chí còn  để lại di chứng viêm da mãn tính). Còn đối với trẻ nhỏ, việc bị ngộ độc dị ứng với thuốc nhuộm, làm tóc có thể sẽ dẫn tới tác hại khôn lường.