“Trắng - đen” chuyện phí tác quyền vịnh Hạ Long

ANTĐ - Ngay sau khi vịnh Hạ Long - Quảng Ninh trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New Seven Wonder (N7W) bình chọn, trên nhiều kênh thông tin rộ lên rằng sẽ phải mất 15% tiền phí bản quyền khi sử dụng danh hiệu này. Trong cuộc trao đổi cùng PV ANTĐ sáng hôm qua, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ VH-TT&DL khẳng định, đó chỉ là những luồng dư luận một chiều và chưa chính xác.

- PV: Thưa ông, có hay không chuyện Việt Nam phải trả tiền bản quyền cho lễ đón nhận danh hiệu vừa diễn ra tại Hà Nội và Quảng Ninh?

- Ông Nguyễn Văn Tình: Thật ra, lúc đầu, tổ chức này có đề nghị trả thương quyền cho lễ đón nhận danh hiệu là 15% chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi đã trả lời rõ là không thể trả được vì kinh phí tổ chức đêm vinh danh thực hiện bởi phương thức xã hội hóa, các tổ chức đã chung sức vào để làm nên sự kiện này và họ không chấp nhận chia sẻ tiền với bất kỳ một tổ chức nào khác nữa. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, diễn viên tham dự biểu diễn trong đêm đón nhận danh hiệu này đều làm việc mà không nhận thù lao. Một lần nữa, tôi khẳng định, Việt Nam không phải chi trả bất cứ loại phí nào cho N7W trong lễ đón nhận danh hiệu.

- Nhưng theo điều lệ của N7W, việc sử dụng thương hiệu vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới phải trả phí bản quyền. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các điều khoản này?

- Mọi hoạt động quảng bá “vịnh Hạ Long - là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” hoàn toàn không phải trả tiền. Nhưng nếu sử dụng logo độc quyền của N7W vào việc kinh doanh và sinh lời thì đương nhiên phải trả tiền bản quyền cho tổ chức này. Việc chia sẻ lợi nhuận như thế nào sẽ do các doanh nghiệp trực tiếp thương thảo với tổ chức N7W. Nếu thương lượng tốt thì có thể được sử dụng miễn phí vì người ta cũng cần quảng bá… Chuyện thương quyền từ danh hiệu này hiện đang gây nhiều băn khoăn, nhưng tôi thấy không có gì ràng buộc ở đây cả. Tôi thấy điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp của Việt Nam vì khi mình dùng thương hiệu của người ta thì trước hết mình phải xin phép người ta. Vấn đề có phải trả tiền hay không thì phải thương thảo với nhau. 

- Nếu logo được sử dụng với mục đích phi lợi nhuận thì sao, thưa ông?

- Nếu Nhà nước, Bộ 

VH-TT&DL hay vịnh Hạ Long dùng logo để tuyên truyền, quảng bá thì không có vấn đề gì. Tới thời điểm này các bên chưa hề ký cam kết gì với nhau. Chúng ta vào cuộc chơi này mục đích chính là xây dựng thương hiệu, quảng bá Việt Nam. Và đây là một cuộc bình chọn của người dân trên thế giới để hiểu biết hơn về nhau. Tháng 7-2012, Việt Nam sẽ cử một đoàn tham dự Hội nghị Đại hội đồng N7W lần đầu tiên tại Argentina. Hội nghị này bàn về việc kết nối 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới  trong việc phát triển du lịch. Trong đó có ý tưởng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng công viên 7 kỳ quan ở 7 địa danh này. Mô hình như Công viên Disneyland của Walt Disney. Mục đích của dự án này là đi 1 nơi nhưng biết cả 7 nơi. Đó là ý tưởng, thiết kế của N7W. Lúc đấy, tổ chức, cá nhân nào muốn thực hiện thì trước hết phải xem thiết kế và thương thảo, chia sẻ lợi nhuận hoặc thương quyền sử dụng. Có thể phải trả một khoản để mua đứt  bản thiết kế. Ý tưởng khác là xây dựng khách sạn N7W với những thiết kế riêng biệt, đặc sắc, có nhận diện thương hiệu hẳn hoi. Lúc đó thì mới tính đến chuyện tiền bản quyền. 

- Hạ Long từng 2 lần được UNESCO vinh danh, thêm một lần vinh danh nữa của N7W có cần thiết không?

- Trở lại cuộc bầu chọn 7 kỳ quan nhân tạo của thế giới cũng do tổ chức này bầu chọn trước đó thì cả 7 kỳ quan đều đã được UNESCO công nhận như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, đền Tah Mahan - Ấn Độ, tượng chúa cứu thế ở Brazin. Và trong lần bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, phần lớn  kỳ quan ứng cử đều đã từng được UNESCO công nhận. Tôi nghĩ hai danh hiệu này không hề mâu thuẫn nhau, không hề chống nhau. Nó góp phần quảng bá, tôn vinh thêm những giá trị đã được UNESCO công nhận. Chính vì  thế, trong lễ đón nhận danh hiệu vừa qua, chúng ta một lần nữa tôn vinh những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận: Phong Nha - Kẻ Bàng, Ca trù, Quan họ, Cố đô Huế, Mỹ Sơn... Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao và các địa phương vẫn xây dựng các bộ hồ sơ về các di sản. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vừa chỉ thị, sau vịnh Hạ Long tiếp tục quảng bá về du lịch biển ở Việt Nam vì biển đảo là chiến lược du lịch trong 20 năm tới. 

- 24 triệu lượt tin nhắn bình chọn cho Hạ Long là một số tiền không nhỏ. Ai được hưởng lợi từ số tiền này, thưa ông?

- Cuộc bình chọn cho Hạ Long kéo dài 4 năm, khoảng 3 năm rưỡi chỉ bầu chọn qua mạng internet. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc thì N7W đưa ra ý tưởng bầu chọn qua tin nhắn điện thoại. Họ cũng đề nghị với chúng tôi là giới thiệu một công ty viễn thông nào đó cùng phối hợp với họ. Bộ 

VH-TT&DL đã làm việc với Bộ TT-TT, bộ này đồng ý và giao cho Công ty VTC làm. VTC đứng ra thảo luận, ký hợp đồng trực tiếp với N7W. Lúc này, cũng giống như tất cả các cuộc bình chọn qua điện thoại khác đang diễn ra ví như Vietnam Got Talen hay Bước nhảy hoàn vũ… Lợi nhuận từ dịch vụ tin nhắn sẽ được chia cho VTC, N7W và nộp thuế cho Nhà nước. Hình thức này được thực hiện hoàn toàn đúng luật. 

- Đã có kết luận chính thức, sẽ đặt 2 biểu tượng vịnh Hạ Long bằng đồng vừa được trao tặng tại đâu chưa, thưa ông?

- Biểu tượng đặt ở Hạ Long thì rất đơn giản, còn ở Hà Nội cho đến nay vẫn đang chờ ý kiến của UBND thành phố Hà Nội. N7W đề nghị, biểu tượng phải đặt ở nơi công cộng, đã có một vài đề xuất hoặc là đặt ở Bảo tàng Mỹ thuật, hoặc là vườn hoa trước Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hay là Công viên Hòa Bình.

- Biểu tượng được làm bằng đồng, lại được thực hiện bởi một nghệ nhân người Thổ Nhĩ Kỳ, kinh phí thực hiện cũng như vận chuyển có thể tiết lộ được không?

- Cả 2 biểu tượng này là họ tặng mình, kể cả phí vận chuyển, nên chúng tôi cũng không nắm rõ.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!