Đồng Nai:

Trảng Bom - Huyện Nông thôn mới theo "chuẩn mới" đầu tiên

ANTD.VN - Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, đi đầu trong phong trào phát triển nông thôn mới theo “chuẩn mới” trong suốt 6 năm qua, ngày 30-6, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chính thức đón nhận danh hiệu Huyện Nông thôn mới, với 100% xã trong huyện đạt chuẩn, mở đầu cho chặng đường phát triển mới của huyện trong tương lai. 

Trước đây, Đồng Nai đã có 5 huyện đạt danh hiệu Nông thôn mới, nhưng 5 địa phương cấp huyện này do áp dụng theo bộ tiêu chí cho giai đoạn 2010 - 2015 nên chỉ cần 75% số xã đạt chuẩn là huyện đủ tiêu chí công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Trảng Bom dù không nằm trong nhóm những địa phương sớm hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nhưng lại là huyện đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới theo “chuẩn mới” của Chính phủ. 

Trảng Bom - Huyện Nông thôn mới theo "chuẩn mới" đầu tiên  ảnh 1Lãnh đạo huyện Trảng Bom đón nhận danh hiệu Huyện Nông thôn mới

Chìa khóa là nâng cao thu nhập của người dân

Theo đó, áp dụng theo bộ tiêu chí mới của Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, để được công nhận đạt chuẩn, tất cả các xã trên địa bàn huyện bắt buộc phải đạt chuẩn Nông thôn mới. Việc nâng chỉ tiêu số xã đạt chuẩn đòi hỏi Trảng Bom phải phân chia nguồn lực hợp lý để hỗ trợ các xã thực hiện chương trình. Nếu như trước đây, các huyện có thể triển khai theo hướng dồn sức cho những xã có điều kiện “về đích trước”, những xã khó khăn hơn sẽ thực hiện hỗ trợ về sau, thì với tiêu chuẩn mới mà huyện Trảng Bom hướng tới, điều đó lại không thể áp dụng.

Xuất phát từ thực tế đó, ngay từ đầu, huyện Trảng Bom đã xác định, để hoàn thành mục tiêu trở thành Huyện Nông thôn mới cần phải phát huy được nguồn lực từ người dân. Để người dân cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, phải nâng được mức thu nhập của người dân. Bởi chỉ khi “vững” về kinh tế mới có thể đòi hỏi người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ định hướng đó, Trảng Bom đã tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. 

Mặc dù là huyện có số xã nhiều, lên tới 16 xã, có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 11% dân số, nhiều khó khăn bủa vây nhưng huyện Trảng Bom vẫn bước vào xây dựng nông thôn mới với tinh thần chủ động, tổ chức thực hiện khá tốt chủ trương của Tỉnh ủy Đồng Nai về xây dựng nông thôn 4 có: “Có đời sống kinh tế được cải thiện; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; Có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; Có môi trường sinh thái phát triển bền vững”. Xuất phát điểm này đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất định ban đầu cho huyện Trảng Bom trong xây dựng nông thôn mới. 

Với thế mạnh truyền thống canh tác các loại cây công nghiệp, Trảng Bom đã xây dựng và hình thành 13 vùng sản xuất tập trung trên địa bàn của 16 xã, với các loại cây trồng chính là tiêu, cà phê, điều, thanh long… Đặc biệt, huyện cũng đã triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: dự án xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây điều tại xã An Viễn; mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao tại xã Sông Thao... Qua đó, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Với cách làm đó, dù diện tích đất nông nghiệp giảm qua từng năm (mỗi năm giảm từ 150-200ha) nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 3,9%/năm. Đời sống kinh tế được cải thiện đã thúc đẩy người dân tham gia tích cực hơn vào việc đóng góp tài, lực xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Minh Châu, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trên hành trình trở thành Huyện Nông thôn mới theo “chuẩn mới” của Trảng Bom.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

Trong quá trình phát triển nông thôn mới, huyện Trảng Bom luôn xem phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo là cái gốc để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao, các chỉ tiêu giáo dục được đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; mạng lưới y tế trên địa bàn huyện có sự phát triển cả về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ, Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia và 16/16 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng 26% so với đầu chương trình. 

Muốn phát triển toàn diện phải đẩy mạnh nội bộ, các cơ quan hành chính trong huyện Trảng Bom được tập trung củng cố xây dựng về đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Xây dựng lực lượng quân sự, lực lượng công an theo hướng chính quy hiện đại. Từng tổ chức chính trị với chức năng, nhiệm vụ riêng của mình đã tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, toàn dân.

Theo lãnh đạo huyện Trảng Bom, đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là bước đầu, còn nhiều thứ phải cố gắng, vì vậy trong thời gian tới, huyện Trảng Bom sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, đảm bảo chương trình Nông thôn mới trên địa bàn huyện phát triển ổn định và bền vững; phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ khu vực nông thôn; đồng thời phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ và hiện đại, tập trung chỉnh trang nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp - bền vững, xây dựng môi trường sống ở nông thôn lành mạnh, an toàn.

Sáng 30-6, Huyện Trảng Bom đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Văn Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh và đông đảo doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đã về dự. Tại buổi lễ, các tập thể, cá  nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của huyện Trảng Bom cũng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.