Trân trọng ý kiến tâm huyết của cử tri

ANTĐ - Hôm nay 1-7, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 gồm: Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội; và bà Nguyễn Phạm Ý Nhi – Chủ tịch Hội Nhi khoa TP Hà Nội, nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã tiếp xúc cử tri 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5, bà Nguyễn Phạm Ý Nhi đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII; tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri 

Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cử tri 2 huyện đã nêu hơn 30 vấn đề, kiến nghị gửi tới các đại biểu Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều cử tri quan tâm là chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở. Cử tri Trần Tuấn Minh (ở thôn Đại, xã Đan Phượng) cho rằng, chế độ đãi ngộ hiện nay đối với cán bộ làm việc tại UBND, hợp tác xã và đài truyền thanh xã còn thấp. Để khuyến khích, thu hút cán bộ có chất lượng, các cử tri kiến nghị Nhà nước cần xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn.

Liên quan đến việc thu phí bảo trì đường bộ ở cấp cơ sở gặp khó khăn, các cử tri cho rằng tình trạng này xuất phát từ việc người dân nghĩ rằng giá xăng đã bao gồm phí giao thông. Trong khi chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa người đóng và không đóng loại phí này nên nảy sinh tâm lý né tránh.

Cử tri huyện Đan Phượng phát biểu ý kiến

Cử tri mong muốn cơ quan chức năng đưa ra chủ trương nhất quán và chế tài rõ ràng đối với việc nộp phí theo đầu phương tiện, đồng thời kiến nghị để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý việc đóng phí bảo trì đường bộ giống như việc mua bảo hiểm dân sự đối phương tiện tham gia giao thông.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri hai huyện Đan Phượng và Hoài Đức còn quan tâm, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến tình hình chủ quyền biển đảo; tình trạng khai thác trái phép khoáng sản (cát sỏi) trên sông Hồng; những vướng mắc trong việc bảo tồn, tu sửa một số di tích lịch sử quốc gia nằm trên địa bàn; vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải tại các làng nghề; bồi thường và giải phóng mặt bằng liên quan đến các dự án; chế độ độ chính sách đối với người có công và xây dựng các văn bản pháp luật…

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (thứ 5 từ trái sang) tiếp xúc cử tri huyện Hoài Đức

Sau khi lãnh đạo 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức giải đáp những vấn đề, ý kiến cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5, đã khái lược các vấn đề mà cử tri nêu, đồng thời xác định rõ từng vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, của UBND TP Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết của cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 5 sẽ tiếp thu, chuyển toàn bộ những ý kiến, kiến nghị đến các cấp, cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giám sát các đơn vị này trong việc trả lời những thắc mắc của cử tri.

Về tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên tuyến sông Hồng, được cử tri huyện Đan Phượng quan tâm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 2 năm trở lại đây, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố, CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Công an các quận, huyện, thị xã tập trung đấu tranh, bắt giữ, xử lý trên 300 vụ khai thác cát sỏi trái phép. Riêng tại địa bàn huyện Đan Phượng, cơ quan công an đã bắt giữ, xử lý trên 20 vụ, trong đó có những vụ án lớn đã được Cơ quan CSĐT khởi tố.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thay mặt các ĐBQH TP Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5
 tiếp thu ý kiến của cử tri

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, có thời điểm tình khai thác trái phép cát sỏi trên tuyến sông Hồng diễn ra phức tạp vì một số địa phương giáp ranh vẫn cấp phép khai thác khoáng sản trên sông. Do lợi nhuận nên “cát tặc” thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, lén lút sang lòng sông thuộc địa phận Hà Nội để hút cát.
“Theo điều tra, hiện nay vẫn còn 73 điểm liên quan đến mua bán, khai thác cát sỏi không phép. CATP Hà Nội sẽ đề xuất UBND thành phố kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải siết chặt việc giám sát, chỉ cấp phép doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Kết quả liên quan đến vấn đề này sẽ được các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thông báo đến cử tri” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định.