Trần quân hàm Giám đốc Công an Hà Nội, TP.HCM là Trung tướng

ANTĐ - Với tỷ lệ 71,83% ĐBQH biểu quyết tán thành, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã chính thức được QH thông qua sáng 27-11. Đáng chú ý, Luật quy định trần cấp hàm Trung tướng đối với chức vụ Giám đốc CATP Hà Nội và TP.HCM, thay vì mức trần hàm Thiếu tướng như hiện nay.

Trần quân hàm Giám đốc Công an Hà Nội, TP.HCM là Trung tướng ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa
báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Ủy viên Thường vụ quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, các ý kiến đồng ý với cấp hàm Trung tướng đối với Giám đốc CATP Hà Nội và TP HCM, nhưng đề nghị cân nhắc cấp hàm cao nhất của chức vụ Trưởng công an quận, huyện thuộc hai thành phố này phải đảm bảo tương quan với chức vụ khác. Cũng theo ông Nguyễn Kim Khoa, còn có những ý kiến khác đề nghị cấp hàm cao nhất của Giám đốc CATP Hà Nội và 

TP HCM là Trung tướng, còn Giám đốc Công an các tỉnh thành khác có trần cấp hàm là Thiếu tướng để chênh nhau một  bậc cho phù hợp.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh dự thảo Luật Công an nhân dân theo hướng cấp hàm cao nhất của Trưởng công an quận TP Hà Nội và TP HCM là Thượng tá như các quận, huyện ở tỉnh, thành khác. Quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh có trần cấp bậc hàm Đại tá để bảo đảm tương quan với Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội. Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên, đa số đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Trước đó, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ biểu quyết tán thành là 73,04%. Đa số ĐB đánh giá, dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lần này đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. 

Luật Giáo dục, nghề nghiệp cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành là 55,13%. Đây cũng là luật có tỷ lệ ĐBQH tán thành thông qua thấp nhất kể từ đầu kỳ họp này. 

Tài nguyên biển phải gắn với quốc phòng an ninh

Thảo luận về Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo chiều 27-11, các ĐB Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận)… chỉ ra nhiều tồn tại trong thực trạng khai thác tài nguyên, môi trường biển đảo hiện nay, dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, trong khi môi trường ô nhiễm, nguồn tài nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ĐB Bùi Thị An cho rằng “một trong những nguyên nhân là do chúng ta đã phân tán quản lý cho nhiều bộ, ngành, trong khi sự phối hợp giữa các ngành chưa thật tốt, gây chồng chéo, lãng phí”. ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) lý giải: “trong luật mới chỉ nêu vấn đề khai thác tài nguyên vùng bờ và vùng hải đảo trong khi chưa nêu tài nguyên vùng biển - là nơi dồi dào tài nguyên cũng như có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến an ninh quốc phòng”.

Đồng tình với quan điểm khai thác tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải gắn với quốc phòng an ninh, chủ quyền đất nước, ĐB Nguyễn Viết Nhiễn (Hải Phòng) nhấn mạnh, khai thác sử dụng tài nguyên biển khác với sử dụng tài nguyên trên đất liền nên cần có sự tham gia đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tương tự, ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đề nghị bổ sung các nguyên tắc, căn cứ mang tính an ninh, quốc phòng trong quản lý, sử dụng khai thác vùng bờ biển…