Trần Lê Khánh- làm thơ để trả lời câu hỏi "Tôi là ai?"

ANTD.VN -Cuộc tọa đàm về thơ Trần Lê Khánh có tên gọi “Xứ” diễn ra vào sáng nay, 25/9 tại Đại học Văn hóa Hà Nội với sự tham gia của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình văn học Văn Giá, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn….

Nhà thơ Trần Lê Khánh vốn là dân kinh tế, anh từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004. Trước kia, nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Nhà thơ Trần Lê Khánh

Thơ của Trần Lê Khánh chủ yếu là lục bát, thơ ngắn. Tập thơ “Lục bát múa” trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Ttới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản.

Có thể nói Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống. Và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca.

Xuất thân là một nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca, nhiều người đặt câu hỏi với Trần Lê Khánh, anh thích mọi người gọi mình với danh xưng gì, một nhà thơ giỏi hay một người làm kinh tế tốt?

Những tập thơ đã xuất bản trong thời gian qua của Trần Lê Khánh

Trần Lê Khánh chia sẻ: “Tôi chỉ muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Danh xưng, chỉ là công cụ, giao diện của mình để tương tác với xã hội. Quan trọng là trong tâm hồn của mình, trong con người mình như thế nào để cuối cùng mình cảm nhận: À! đây là mình. Trong sách thiền hay hỏi câu “Tôi là ai?”, đó là câu hỏi muôn thuở. Câu hỏi đó để bóc mình ra…”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Trong mỗi "hạt cây thơ’’ ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây. Sự gợi mở, sức lan tỏa và sự bùng nổ cảm xúc cùng tính đa tầng triết lý của những bài thơ ấy lại đi theo cách mở cánh của bông hoa mà vẻ đẹp và hương thơm của nó là phi biên giới…”

Cuộc tọa đàm "Xứ" thu hút đông đảo độc giả tham dự

Nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl nhận định: “…Lần đầu đọc thơ Trần Lê Khánh, tôi đã cố thử liệt kê tác phẩm của anh ấy vào một trong những phân loại thơ thông thường để có thể am hiểu tốt hơn nhưng tôi đã thất bại, thơ Trần lê Khánh không thuộc một thể loại nào đã có trước đây. Thơ anh ấy không phải thể thơ lãng mạn, không phải tức cảnh sinh tình, không phải để diễn tả niềm vui nỗi buồn thường nhật, không phải thơ thiền, hoàn toàn không dính dáng gì đến chính trị, cũng không phải thơ tôn giáo, tất cả đều không phải. Và khi tôi bắt đầu giúp dịch thơ anh sang tiếng Anh, rất nhanh tôi đã nhận ra rằng thơ anh hoàn toàn phi truyền thống dù đó là truyền thống của Đông hay Tây… Cách diễn đạt trong vắt và tường tận, hiểu rõ từng thể loại thơ, đặc biệt là lục bát, thơ của Khánh càng trở nên sống động hơn nếu bạn đọc đi rồi đọc lại. Sau cùng, thơ của Khánh là tối giản và chính vì vậy nó đặc biệt, đặc biệt theo cách nó diễn đạt được nhiều nhất tất cả ý nghĩa nhân văn mà chúng ta có được…”.

Một cuộc triển lãm nhỏ, bên lề cuộc tọa đàm đã được tổ chức 

Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ ý kiến.

Trần Lê Khánh sinh năm 1971 tại Hòa Bình, hiện sinh sống tại TP.HCM, các tập thơ đã xuất bản bao gồm: Lục bát múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Giọt nắng tràn ly (2019). Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự bắt đầu của nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.