Trần Lập - Mai Hoa: Im lặng để cảm nhận nhau

ANTĐ - Chị Ngô Thị Mai Hoa, vợ nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập, ngồi thẫn thờ bên bậu cửa. Chị gầy, xanh xao, cảm tưởng bao nhiêu sức lực trong những ngày qua đã dồn cho việc chăm sóc chồng cũng như lo lắng chuyện hậu sự của anh. 

Trần Lập - Mai Hoa:  Im lặng để cảm nhận nhau ảnh 1

Những bí mật của Trần Lập sẽ đi theo anh 

Căn nhà của gia đình anh là giản dị, nếu không muốn nói khá tuềnh toàng so với sự nổi tiếng của anh trong bao nhiêu năm. Chị Hoa bảo, căn nhà này cũng không phải của vợ chồng chị, mà mượn của mẹ chị để ở. Trần Lập cả đời làm nghề, sống với nghề nhưng dòng nhạc rock kén người nghe, cộng với bản tính anh thẳng thắn, bộc trực và không thích quỵ lụy, nên vợ chồng anh không bao giờ nghĩ đến việc phải giàu có bằng người này, sang trọng bằng người nọ. Họ sống no đói có nhau. 

Bản thân hai vợ chồng Trần Lập – Mai Hoa bảo nhau, mình đi lên từ số không, nên chưa bao giờ họ đặt vấn đề tài chính thành một áp lực trong cuộc sống, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn là cảm thấy đầm ấm hạnh phúc. Chị Hoa bảo, khi có tiền anh đầu tư cho âm nhạc, mua đàn, mua xe phân khối lớn để được thỏa mãn sở thích của mình. Còn chị, chị là một người phụ nữ an phận với gia đình, chăm lo các con để Trần Lập có thời gian cho âm nhạc, cho bè bạn, cho niềm đam mê của mình. 

Chị và các con tự hào về Trần Lập theo cách riêng của họ. Chị Hoa tôn trọng cá tính của Trần Lập một cách tuyệt đối, ngay cả căn phòng riêng làm việc trên tầng 4 của anh, cũng là một tài sản của riêng anh mà chưa bao giờ chị đụng đến, chị không vào phòng của anh, đó là một cõi riêng để anh thỏa sức đam mê sáng tạo. Ngay cả máy tính, điện thoại của anh, chị giữ khi anh bệnh nặng, chị hỏi anh mật khẩu để mở, anh im lặng. 

Và chị nghĩ rằng, anh ấy muốn giữ bí mật của riêng mình, nên chị bảo sẽ để chiếc điện thoại ấy làm kỷ niệm. Sau này, con trai lớn, cậu bé có thể làm gì với nó thì làm. “Với một người như anh Lập, hẳn sẽ có những bóng hồng, có lẽ cũng sẽ có những cô gái ngoài vợ anh ấy say mê. Tôi chẳng giận anh ấy, có lẽ nếu không có thì anh ấy không thể sáng tác được. Anh ấy có thể viết nhiều bài hát cho một số cô gái xinh đẹp, nhưng anh ấy cho tôi hai đứa con đáng yêu, khỏe mạnh và rất nhiều tiếng cười trong gia đình. Tôi không quan tâm ở ngoài kia anh ấy là người như thế nào. Về nhà, anh ấy là một người chồng, người cha đúng nghĩa, vậy là tôi đã hạnh phúc rồi. Số phận sinh ra chúng tôi là một gia đình, chúng tôi có trách nhiệm cùng nhau”. 

“Anh ấy chỉ im lặng!”

Người vợ của người nhạc sĩ tài hoa bạc phận kể: “Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, anh ấy biết rằng, có tôi và các con bên cạnh chăm sóc và dành tuyệt đối tình cảm cho anh. Khi xạ trị, hóa trị còn không có tác dụng với anh ấy, chúng tôi tìm vào miền Nam để gặp thầy chuyên chữa thuốc nam với liệu trình cao nhất dành cho ung thư.

Gần một tháng trời, chúng tôi ở một ngôi chùa, ngày ngày tụng kinh niệm Phật, ăn chay theo chế độ thực dưỡng, tôi cũng ăn theo anh. Cho đến khi ngay cả phương pháp ấy cũng không còn có tác dụng nữa, chúng tôi trở ra Hà Nội. Khi nằm trên giường bệnh, anh ấy chỉ thèm chút nước phở, nước bún chứ cơ thể cũng không hấp thu được để có thể ăn bình thường, tôi đi mua về bón cho anh ấy ăn. Thỉnh thoảng tôi đùa, nếu mà chán “phở” rồi thì lại ăn gạo lứt nhé. Anh ấy nhăn nhó bảo: “Thôi đừng nhắc đến thứ ấy nữa, sợ lắm rồi!”.

Ngay cả lúc nguy nan nhất, đau đớn nhất, anh ấy cũng không hề kêu ca, anh ấy chỉ ngậm chặt môi lại để nén nỗi đau vào bên trong. Khi cơ thể bị phù nề vì anh ấy bị tràn dịch màng phổi, anh ấy cảm nhận được hết tất cả, anh ấy bảo: “Anh có cảm giác cơ thể anh đang cứng dần lên!”. Tôi thương anh ấy đến trào nước mắt. Tôi bất lực nhìn chồng mình hôn mê, dù hỏi có trăn trối lại gì không mà anh ấy chỉ im lặng”. 

Đến một miền xa thẳm

Với anh, cuộc ra đi này là điều anh chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng. Anh còn có nhiều thứ dang dở, các con còn quá bé. Anh  thương các con còn nhỏ dại để có thể đương đầu với một cuộc đời không có bố. Chị Hoa nói: “Bản thân tôi thì quá nhỏ bé trong cuộc đời này, chính vì thế mà anh ấy chẳng nói gì với tôi cả. Chúng tôi chỉ im lặng để cảm nhận nhau, tôi cầm tay anh ấy, cảm nhận anh ấy đang rời xa cõi tạm, để đến một miền xa thẳm. Lạ lắm, khi về nhà, thầy chùa vào tụng kinh cho anh ấy, đang hôn mê anh ấy bỗng khóc nức nở, nước mắt giàn giụa. Thầy hỏi, xuống dưới đó gặp bố mẹ rồi à? Anh ấy bỗng “Ừ” một tiếng rất to. Và rồi lịm dần đi…”. 

Khép lại một cuộc đời, có lẽ sẽ không phải là mất hết, bởi vì Trần Lập là một người nhạc sĩ, ca sĩ đã để lại quá nhiều dấu ấn trong lòng bạn bè, khán giả, người hâm mộ bởi những sáng tác cho thế hệ trẻ, cho những người yêu rock. Anh ra đi vì số phận anh tài hoa bạc mệnh. Chị Hoa bảo, chắc chắn anh thanh thản vì trông anh chỉ đang ngủ một giấc ngủ dài trong vòng tay của cha mẹ anh nơi chín suối. Nhưng người viết bài này nhận thấy rằng, anh đã để lại phía sau những dở dang của một gia đình. 

Chị Hoa, dù bản lĩnh và lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ. Nhưng tôi biết trong lòng chị trống trải, chông chênh vô cùng. Chị sẽ phải gánh trên vai những nghĩa vụ và trách nhiệm thay anh trong cả quãng đời dài phía trước. Có nhiều ca khúc Trần Lập đã viết và đâu đó như định mệnh đã ứng với cuộc đời anh, nhưng có một ca khúc thực sự ám ảnh tôi khi tôi đến căn nhà của anh chị, nhìn chị một mình đối diện với chiếc bàn thờ của anh.

Chị như người thiếu phụ trong ca khúc “Người đàn bà hóa đá” mà Trần Lập đã viết và đã hát: 

“Nếu ai đã từng được nghe chuyện tình yêu trên khắp thế gian

Chắc sẽ không gì so sánh lòng thủy chung tình yêu Tô Thị

Đôi uyên ương xưa đang hạnh phúc sống trong tổ ấm

Nhưng bỗng ngày kia tiếng sét ngang trời

Tiếng sét kia là ác mộng họ cùng chung huyết thống anh em

Quan trọng quá về số phận chàng trai đã cất bước ra đi

Mang bao niềm đau nàng bồng con đứng trên đỉnh núi

Trông mong người đi phương trời xa

Người đàn bà hoá đá, chờ chồng nghìn năm

Nhưng người đó đã không quay về

Để nàng sống quá thân mỏi mòn

Người đàn bà hoá đá vì lòng thuỷ chung còn sắt son…”.