Trận đánh đi vào huyền thoại

(ANTĐ) - Đối với những chặng đường lịch sử của dân tộc thì sự hy sinh oanh liệt của lớp lớp những người con thân yêu của Tổ quốc Việt Nam đã đi vào huyền thoại, còn mãi với thời gian. Trong số đó, trận đánh của 12 chiến sỹ Tiểu đội An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là một điển hình.

Trận đánh đi vào huyền thoại

(ANTĐ) - Đối với những chặng đường lịch sử của dân tộc thì sự hy sinh oanh liệt của lớp lớp những người con thân yêu của Tổ quốc Việt Nam đã đi vào huyền thoại, còn mãi với thời gian. Trong số đó, trận đánh của 12 chiến sỹ Tiểu đội An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là một điển hình.

Tưởng niệm những người đã ngã xuống - ảnh minh họa
Tưởng niệm những người đã ngã xuống - ảnh minh họa

Ngay sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy, Ban lãnh đạo An ninh khu Sài Gòn - Gia Định triển khai kế hoạch sắp xếp, bố trí lực lượng chỉ đạo các bộ phận điệp báo, bảo vệ chính trị, bảo vệ nội bộ, trinh sát vũ trang, an ninh vũ trang... nhanh chóng tổ chức các biện pháp nghiệp vụ làm trong sạch địa bàn, bảo vệ khu căn cứ, tăng cường mạng lưới giao thông liên lạc, nắm tình hình địch chuẩn bị cho chiến dịch.

Theo kế hoạch, An ninh khu Sài Gòn - Gia Định được phân công về hai cánh quân chủ lực: Bộ Tư lệnh tiền phương I gồm đồng chí Năm Tấn, Hao Mõ, Huỳnh Bá Phước (Tám Phước) ở phân khu 1. Bộ Tư lệnh tiền phương II gồm các  đồng chí Tư Trọng, Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt), đồng chí Tám Nam, đồng chí Hai Trúc... ở phân khu 2.

Các B trực thuộc An ninh Khu, trừ một số cán bộ phụ trách văn phòng, theo sát Bộ Tư lệnh tiền phương, còn đại bộ phận được tổ chức thành các tổ, đội tham gia tấn công vào nội thành.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, văn phòng Khu ủy phân công một số cán bộ chiến sỹ đang trực tiếp bảo vệ văn phòng Khu ủy lựa chọn và thành lập 1 tổ tiền trạm gồm đồng chí Huỳnh Văn Cam, đồng chí Minh, Dân xuống địa bàn xây dựng căn cứ cho Bộ Tư  lệnh tiền phương II với mũi thứ nhất do đồng chí Trung và Tăng phụ trách đưa quân vào Phú Thọ Hòa (thuộc quận 11 hiện nay).

Mũi thứ hai do đồng chí Bốn Nước và đồng chí Sáu Thông phụ trách đưa quân vào hướng Bình Chánh và quận 8. Mũi thứ ba chiến đấu bảo vệ trực tiếp Bộ chỉ huy do đồng chí Bảy Dư và Bảy Sinh phụ trách. Cả ba mũi này phối hợp các lực lượng chiến đấu tiêu diệt địch bảo vệ Bộ Tư  lệnh tiền phương II.

Đêm 30 rạng 31-1-1968, tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, trong khí thế hừng hực, toàn quân và dân miền Nam đồng loạt bất ngờ mở cuộc tiến công vào 64 thành phố, thị xã và các vùng nông thôn sát đô thị.

Các Ban An ninh toàn miền Nam huy động trên 3.000 cán bộ chiến sĩ ra phía trước kết hợp với lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt địch và bảo vệ an toàn các ban chỉ huy tiền phương tại mặt trận.

Theo sự phân công của cấp ủy, Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã cử một đội An ninh vũ trang làm mũi nhọn gồm 12 chiến sĩ chọn từ các đơn vị từ tiểu đội phó trở lên làm nhiệm vụ thọc sâu mở đường đưa Bộ Tư lệnh tiền phương II vào sát thành phố Sài Gòn chỉ đạo chiến dịch.

Phân đội an ninh vũ trang với 12 chiến sĩ đều là đảng viên gồm các đồng chí Phạm Minh Trung, Lê Văn Tăng, Phạm Văn Lợi, Lê Văn Thìn, Lê Văn Ngọc, Nguyễn Minh Hoàng, Ngô Văn Bạch, Nguyễn Hoàng An, Nguyễn Đức Oanh, Nguyễn Văn Chụp, Bùi Văn Đức, Bùi Văn Tâm.

Sau khi nhận được lệnh, đồng chí Phạm Minh Trung phổ biến nhiệm vụ cho toàn tiểu đội, hạ quyết tâm: “Mở đường mà đi, đụng địch là đánh”. Mỗi đồng chí được trang bị một súng AK với 300 viên đạn, 1 cuốc hoặc 1 xẻng. Riêng tổ của đồng chí Phan Văn Tăng đi đầu còn được trang bị 1 súng trung liên RPD và 4 thùng đạn.

Đơn vị xuất phát từ phía Bắc Bình Chánh dưới sự hướng dẫn của nữ giao liên Đoàn Lệ Phong, luồn qua nhiều đồn bốt địch, bí mật áp sát trường đua của Phú Thọ, chợ Thiếc. Sau 3 ngày luồn lách vượt qua các đồn bốt, đến ngày thứ tư bị địch phát hiện. Qua điện đài, đồng chí Võ Văn Kiệt lệnh cho đoàn cán bộ rút trở lại Cầu Tre.

Phân đội an ninh vũ trang phân công kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kìm chân và tiêu diệt địch, bảo vệ các đồng chí cán bộ chuyển ra khu vực an toàn. Trong khoảnh khắc, địch tập trung lực lượng hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. 12 chiến sỹ an ninh vũ trang chốt tại chợ Thiếc, đường đua Phú Thọ (quận 11 ngày nay) chiến đấu kiềm chế và tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ Bộ Tư  lệnh tiền phương II.

Ngay sau khi Bộ Tư lệnh tiền phương II vừa rút lui, một tiểu đoàn biệt động quân và cảnh sát dã chiến Sài Gòn có xe cơ giới yểm trợ, ồ ạt tiến công vào trường đua Phú Thọ. 12 cán bộ an ninh vũ trang phục kích tại ngã tư  Trần Quốc Toản - Lê Đại Hành, nay là đường 3 tháng 2 - Lê Đại Hành, đánh trả quyết liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài 3 ngày đêm liên tục (từ mùng 2 đến mùng 4 Tết ).

Ta tiêu diệt tại chỗ 50 tên địch, bắn cháy 10 xe quân sự trong đó có 5 xe bọc thép, thu nhiều vũ khí, bẻ gãy cuộc tấn công của địch. Bị thiệt hại nặng nề, địch tăng cường lực lượng tiếp tục mở cuộc phản kích, đổ quân bao vây chặn các ngõ hẻm từ đường Âu Cơ đến bốt Lữ Gia, vòng qua 2 đồn cảnh sát ngang trường đua Phú Thọ thẳng đến ngã ba Tân Phước.

So sánh lực lượng giữa ta và địch bấy giờ hết sức chênh lệch về quân số, vũ khí, phương tiện chiến đấu; nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, các đồng chí của ta vẫn anh dũng chiến đấu dưới sự che chở và đùm bọc tiếp tế của một số gia đình quần chúng cơ sở. Trận chiến đấu diễn ra ngày càng quyết liệt, ta diệt thêm 70 tên và 7 xe cơ giới.

Đến ngày mùng 5 Tết, 10 chiến sỹ đã hy sinh, còn 2 đồng chí Trung và Tăng lùi về phòng ngự ở nghĩa địa Phú Thọ Hòa. Địch tăng cường thêm một tiểu đoàn biệt động quân, một trung đội cảnh sát dã chiến cùng với lực lượng xe cơ giới Mỹ bao vây khu vực này và tấn công liên tiếp suốt một ngày một đêm.

Hai đồng chí của ta bắn cháy một chiếc xe tăng, bắn hỏng một xe khác ngay tại nhà thờ Tân Bình, toàn bộ lính trên xe đều bị tiêu diệt. Lúc này chúng huy động máy bay bắn xối xả vào trận địa. Hai đồng chí Trung, Tăng bị thương và bị địch bắt. Tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, địch dùng mọi thủ đoạn, vừa tra tấn dã man, vừa mua chuộc dụ dỗ nhưng vô ích. Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ Cách mạng, địch thủ tiêu cả 2 đồng chí.

Hơn 7 ngày chiến đấu ngoan cường trong thế không cân bằng về lực lượng và vũ khí, 12 chiến sỹ phân đội an ninh Sài Gòn - Gia Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bộ Tư lệnh tiền phương II. Các đồng chí đã ngã xuống để cho đồng đội tiến lên. Sự hy sinh ấy đã tô thắm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định.

Thùy Linh