Trần Đại Nghĩa: Sâu đậm nhân cách một nhà khoa học anh hùng

ANTĐ - Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13-9-1913/13-9-2013) vừa được tổ chức trọng thể hôm qua 13-9 tại Hà Nội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện GS.VS Trần Đại Nghĩa

Tên tuổi của ông gắn liền với những chiến công vang dội của quân đội ta với những vũ khí như súng bazôka, SKZ, bom bay…, cải tiến nâng tầm bắn của tên lửa Sam II (do Liên Xô sản xuất) tiêu diệt siêu pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ… Ông được phong quân hàm Thiếu tướng ở tuổi 35 và là một trong 10 vị tướng đầu tiên của quân đội ta. 

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định tại lễ kỷ niệm: “Dù ở cương vị nào, đồng chí Trần Đại Nghĩa luôn thể hiện tinh thần tận tụy, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tinh thần lao động quên mình để cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc”. Với tài năng khoa học xuất sắc, đức độ, khiêm nhường, Trần Đại Nghĩa để lại cho thế hệ sau nhiều công trình, kinh nghiệm quý báu về khoa học và nhân cách của một nhà khoa học Anh hùng. Tên của ông đã được đặt cho nhiều ngôi trường và đường phố tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và TP.HCM. 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1935, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân toán tại các trường Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó, ông ở lại Pháp làm việc tại Viên nghiên cứu máy bay, rồi sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí với mong ước tích luỹ thêm nhiều kiến thức để sau này phục vụ Tổ quốc. Năm 1946, theo tiếng gọi của cách mạng và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về nước phục vụ kháng chiến. Ông đã được Bác Hồ đặt tên Trần Đại Nghĩa. Từ đó, tên tuổi của Trần Đại Nghĩa đã trở thành dấu son trong lịch sử ngành chế tạo vũ khí Việt Nam. Ông được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam trực thuộc Chính phủ, hàm Bộ trưởng từ năm 1975. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Cuộc đời và sự nghiệp, tài năng và đức độ của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu cho những người làm khoa học, cho thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần phấn đấu, nghị lực vươn lên, vượt qua khó khăn để đạt đỉnh cao trong khoa học, đem tài năng và sức lực cống hiến nhiều nhất, thiết thực nhất cho Tổ quốc. Sự nghiệp và nhân cách của đồng chí sẽ còn sâu đậm mãi trong chúng ta”, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định.