Trạm xăng tiết kiệm

ANTĐ - Đi ngược với xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, Hàn Quốc đang nhân rộng mô hình trạm xăng “giảm giá” nhằm đỡ đi phần nào gánh nặng cho người tiêu dùng và trên hết là vì mục tiêu giảm lạm phát. Nhưng từ ý tưởng cho đến khi hình thành được hệ thống trạm xăng tiết kiệm này là cả một quá trình không hề suôn sẻ.

Giá xăng ở nhiều nơi tại Hàn Quốc được niêm yết với giá hơn 40.000đ/lít hôm 10-3

Hãng tin Yonhap ngày 16-3 cho biết, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến mở thêm nhiều trạm xăng giá rẻ khắp đất nước để giúp kiểm soát lạm phát và làm nhẹ bớt chi phí sinh hoạt cho người dân. Tại một cuộc họp hoạch định chính sách kinh tế nhằm bình ổn giá cả tiêu dùng cùng ngày, Bộ Tài chính nước này cho biết sẽ nâng số trạm xăng “tiết kiệm” lên 433 trạm vào cuối tháng 3 này, một bước đi rất lớn kể từ khi trạm đầu tiên chính thức ra mắt vào tháng 12-2011. Các trạm này bán sản phẩm nhiên liệu với giá thấp hơn so với các đối thủ thông thường từ 60-100 won/lít (tương đương 1.200 đến 1.800 đồng/lít). Nguồn cung là các công ty lọc dầu đã đăng ký giảm giá với Nhà nước. Các trạm xăng duy trì hoạt động bằng cách giảm thiểu lợi nhuận phân phối và không áp dụng các chương trình tặng quà hay rửa xe miễn phí cho khách hàng.

 Giá dầu thế giới hồi đầu tháng 3 tăng mạnh khiến cho giá xăng dầu ở Hàn Quốc lần đầu tiên tăng lên mức kỷ lục hơn 2.000 won/lít (tương đương 37.000 đồng). Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết, theo quy luật giá dầu tăng 10% đồng nghĩa với giá tiêu dùng nội địa sẽ tăng 0,33%. Vì thế, nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng, ngân quỹ chi tiêu hàng tháng của mỗi hộ gia đình người dân Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. 

Trong khi khủng hoảng kinh tế ở khu vực đồng euro làm cho nguồn đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc sụt giảm, giá xăng dầu tăng còn khiến cho chi phí sản xuất trong nước tăng, giá hàng xuất khẩu tăng kéo theo sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu giảm. Với một nước phụ thuộc vào dầu lửa như Hàn Quốc, các biện pháp đối phó với khủng hoảng giá dầu luôn được ưu tiên. Hàn Quốc dự kiến sẽ áp dụng biện pháp khẩn cấp là giảm thuế hoặc hạn chế lưu thông trong trường hợp giá dầu thô thế giới tăng trên 130 USD trong vòng 5 ngày, nhưng một trong những biện pháp cấp bách là mở rộng các trạm xăng dầu giá rẻ.

Nhưng từ ý tưởng cho đến khi hình thành được hệ thống trạm xăng “giảm giá” là cả một quá trình không hề suôn sẻ. Đây là kế hoạch được Chính phủ và đứng đầu là Bộ Kinh tế Tri thức đưa ra từ đầu năm 2011, nhưng nó gây tranh cãi bởi ai cũng quan tâm đến vấn đề quan trọng nhất: Ngân quỹ nào để duy trì hoạt động của những trạm xăng kiểu này. Sau nhiều vòng thương lượng, tháng 12-2011, 2 công ty chuyên về lọc dầu là GS Caltex và Hyundai Oilbank đã chấp nhận cung cấp xăng dầu giá rẻ cho Nhà nước trong vòng 1 năm. Trước đó, Chính phủ đã thất bại trong việc thuyết phục SK Energy, GS Caltex và S-Oil - 3 hãng lọc dầu lớn nhất nước này về giá cung cấp. Và rồi, cửa hàng bán xăng tiết kiệm đầu tiên khai trương hôm 29-12-2011 tại Yongin, khu vực Gyeonggi, ngoại ô Seoul với tham vọng của Chính phủ nhằm kiềm chế giá năng lượng cao ngất ngưởng và kiểm soát chặt 4 nhà máy lọc dầu chính chiếm 90% lượng cung cho thị trường nội địa. 

Đáng chú ý, thời điểm đầu năm 2011, Tổng thống Lee Myung-bak đã nhấn mạnh giá xăng dầu là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao. Chính phủ đã yêu cầu điều tra những rắc rối trong cơ cấu về giá dầu. Kết quả, 4 công ty lọc dầu lớn này bị phát hiện thông đồng “làm giá” và kiềm chế đối thủ cạnh tranh. Họ đã bị Chính phủ xử phạt đến 400 tỷ won từ tháng 5-2011. Sự mạnh tay của Chính phủ còn thể hiện: Sau khi ông Oh Gang-hyun, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Hàn Quốc cho rằng giá của các công ty lọc dầu Hàn Quốc cung cấp thấp hơn 4% so với các đối tác ở nhiều nước trong Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), 3 tháng sau, ông này mất chức.

Một khó khăn nữa là các trạm xăng tiết kiệm còn chịu sự phản đối của những đối thủ cạnh tranh gần đó khi họ giăng khẩu hiệu: “Chính phủ phải ngừng mở các trạm xăng giảm giá”. Thực tế Hàn Quốc có rất nhiều cửa hàng xăng dầu do các doanh nghiệp bán lẻ bung ra thời gian gần đây, chiếm 34% thị trường. Họ lo sợ điều này sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh khi các công ty lớn có sự hậu thuẫn của Nhà nước “đè bẹp” công ty nhỏ. Tuy còn những ý kiến trái chiều nhưng một số doanh nghiệp thể hiện quyết tâm tham gia “cuộc chơi” này vì mục tiêu chống lạm phát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.