Trăm phương nghìn kế buôn ngà voi, sừng tê giác

ANTD.VN - Câu chuyện buôn bán những hàng hóa cấm qua đường hàng không đang có những diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là thủ đoạn cất giấu, vận chuyển hàng của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, được chúng nâng lên thành cả một “nghệ thuật”.

Vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện nhiều trang sức quý hiếm nghi làm bằng ngà voi Châu Phi được 1 người phụ nữ cất giấu tinh vi trong bụng cá hồi đông lạnh. Vụ việc tiếp tục chứng minh cho nhận định, hoạt động buôn lậu qua đường hàng không vẫn chưa hết sức “nóng”.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, câu chuyện buôn bán những hàng hóa cấm qua đường hàng không đang có những diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là thủ đoạn cất giấu, vận chuyển hàng của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, được chúng nâng lên thành cả một “nghệ thuật”.

Tinh vi các thủ đoạn giấu hàng

Ngày 4-5, trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất có một phụ nữ nhập cảnh với nhiều dấu hiệu khả nghi. Số lượng hành lý người phụ nữ này mang theo khá nhiều. Trước những dấu hiệu nghi vấn, lực lượng Hải quan sân bay đã yêu cầu nữ hành khách thực hiện quy định kiểm tra hành lý. Ban đầu, máy soi xác định trong những vali hành lý của nữ khách này chỉ là cá hồi và sữa hộp. Tuy nhiên, qua kiểm tra những con cá hồi này bên trong có chứa cả một “kho hàng” gồm vòng đeo tay, đồ trang sức nghi vấn làm bằng ngà voi Châu Phi và 200 gram vảy Tê tê. Tổng trọng lượng số hàng này là 4kg có giá trị trên thị trường khoảng 250 triệu đồng.

Khi được đưa vào phòng làm việc lập biên bản, nữ hành khách trên thừa nhận số hàng hóa nghi ngà voi này được vận chuyển lậu qua đường hàng không. Để qua mặt máy soi cũng như dễ dàng vận chuyển, số sản phẩm nghi làm từ ngà voi châu Phi và vảy tê tê được chế tác nhỏ gọn, nhét vào bụng những con cá hồi trọng lượng lớn. Ngoài ra, những chiếc vòng trang sức cũng được nhét giữa các hộp sữa đông lạnh.

Số lượng ngà voi lên tới vài tấn được nhét trong những khúc gỗ đổ lẫn thạch cao bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Thông tin với PV, đại diện Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho hay, đây không phải là vụ việc vận chuyển hàng lậu đầu tiên được đơn vị phát hiện, thu giữ. Trước đó, 5kg sừng tê giác cũng được nhét, trộn lẫn trong nhiều vật dụng, sản phẩm khác nhau để qua mặt lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay và máy soi chiếu.

Nếu so sánh về số lượng thì vụ việc trên cũng chỉ là “muỗi” khi 4 tấn ngà voi mà Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an phối hợp với Cục Hải quan TPHCM và các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và thu giữ tại cảng Cát Lái. Số lượng ngà voi này được vận chuyển trên những container gỗ theo đường nhập lậu vào Việt Nam.

Trong 2 container theo tờ khai của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Diệu Tiên (quận Tân Bình, TPHCM) là gỗ xoan đào là hơn 2 tấn ngà voi. Quá trình kiểm tra, bên trong những khối gỗ rỗng này là cả tấn ngà voi được nhồi, đổ lẫn cùng thạch cao. Ít ngày sau, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 594 kg ngà voi và 270 kg vẩy tê tê được giấu tinh vi trong các hộp gỗ đóng kín. Công ty TNHH Đào Gia trong tờ khai hải quan ghi rõ nhập số lô hàng này từ Uganda về Việt Nam.

Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh

Việc buôn lậu ngà voi, vẩy tê tê hay sừng tê giác các đối tượng thường chọn đường hàng không để vận chuyển. Chi cục Hải quan cửa khẩu ở cả hai đầu Bắc và Nam trong thời gian qua đã phát hiện được nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu ngà voi, sừng tê giác. Nguyên nhân là bởi hầu hết nguồn hàng đều đến từ những đất nước rất xa xôi. Việc vận chuyển qua đường hàng không sẽ rút ngắn được quãng thời gian hàng hóa “lơ lửng” ở ngoài, hạn chế tối đa rủi ro bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

Ngoài đường hàng không, một phương thức vận chuyển khác được các đối tượng lựa chọn là đường hàng hải. Tuy nhiên, đường hàng hải chỉ được lựa chọn khi số lượng hàng hóa cực lớn. Dù vận chuyển bằng phương thức nào thì chúng đều có một điểm chung đó là, thủ đoạn cất giấu hàng của các đối tượng vô cùng tinh vi. Ngoài việc hóa trang, độn lẫn cùng các loại hàng hóa khác, nhiều đối tượng còn sử dụng cả hóa chất để có thể làm “mờ” camera của máy soi.

Đề cập đến những vụ buôn lậu này, ông Vũ Việt Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho hay, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán ngà voi vô cùng tinh vi nhằm qua mặt được máy soi của các cơ quan kiểm tra. Dẫn chứng trong 3 vụ phát hiện, bắt giữ ngà voi nhập lậu ở cảng Cái Lát cho thấy, các đối tượng đều sử dụng chiêu thức nhét ngà voi vào trong các khúc gỗ rỗng rồi đổ thạch cao, trộn mùn cưa để ngụy trang.

Những khúc gỗ được khoét rỗng ruột nhét ngà voi lẫn cùng mùn cưa sao cho trọng lượng khớp với số gỗ được moi ra

Tùy từng khúc gỗ, chúng sẽ tính toán để nhét ngà voi, các vật độn khác sao cho vừa khớp với trọng lượng thực của số gỗ đã được khoét ra. Những lô hàng này vô cùng khó phát hiện bằng mắt thường. Thậm chí, khi đưa vào máy soi, hệ thống “mắt thần” của máy cũng chỉ lờ mờ chụp được hình ảnh cong cong của ngà voi được đúc trong lớp thạch cao trộn mùn cưa.

Cao thủ hơn chính là việc sử dụng hóa chất để bọc ngà voi. Khi đưa qua máy soi, số hóa chất này sẽ “hô biến” ngà voi trong màn hình, tạo nên hình ảnh đồng nhất với thạch cao, cao lanh. Đáng chú ý, để tăng khả năng “tàng hình”, trong hàng trăm khúc gỗ được vận chuyển các đối tượng chỉ nhét vài chục khối gỗ chứa ngà voi. Việc chia nhỏ hàng hóa sẽ giúp cho các đối tượng dễ dàng qua mặt được lực lượng chức năng nếu như cơ quan này không kiểm tra kỹ. Để phát hiện những vụ vận chuyển này, ngoài kinh nghiệm, thiết bị máy móc hiện đại thì một điều kiện tiên quyết không thể thiếu đó chính là thông tin trinh sát từ những lô hàng nghi vấn.

Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những sản phẩm ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê đều là hàng hóa có giá trị vô cùng lớn. “Nếu không phải là những đối tượng có “máu mặt” hoặc được tổ chức kín kẽ bằng các đường dây buôn lậu thì hiếm có người nào có thể buôn lậu được mặt hàng này”-đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nhận định. Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Lương Bắc, Chi cục phó Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài cho biết: Để chặn đứng những vụ buôn lậu như trên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành chức năng ngay từ cửa khẩu, các khâu kiểm tra hàng hóa lên tàu, máy bay.