Trung tâm thương mại:

Trăm người bán... vài người mua

ANTĐ - Mặc dù được khai trương, quảng cáo rầm rộ song nhiều trung tâm thương mại (TTTM) lớn ở Hà Nội hiện nay rơi vào cảnh ảm đạm, vắng khách. Không ít đơn vị đã phải ngừng việc buôn bán khiến nhiều gian hàng trở nên trống rỗng…

Vắng khách và nhiều gian hàng bỏ trống là tình trạng hiện hữu tại TTTM Grand Plaza

Khách đến xem là chính

Trong khi thị trường bất động sản đang phải tự tìm cách “cứu” mình khi đưa ra hình thức khuyến mãi, hạ giá để “hút” khách đối với căn hộ chung cư, thì các TTTM tại Hà Nội dù liên tục đưa ra những đợt giảm giá 50%, thậm chí có mặt hàng giảm tới 70% nhằm thu hút người dân đến mua sắm, nhưng xem ra vẫn rơi vào cảnh đìu hiu.

Có mặt tại TTTM Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy trưa 21-3, chúng tôi chỉ thấy vài ba người khách nhìn ngó các gian hàng mà không có ý định mua sắm. Hầu hết các quầy hàng mỹ phẩm, nước hoa, giầy dép, quần áo thời trang… chỉ toàn thấy nhân viên bán hàng dài cổ chờ khách. Chị N.T.N, nhân viên một hãng mỹ phẩm tại đây thở dài thườn thượt: “Cả ngày đứng bán hàng nhưng khách đến xem và mua sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khách hàng đến đây dù đã rất vắng nhưng chủ yếu chỉ xem và thử chứ không có ý định mua sắm nên lắm lúc nhân viên bán hàng cũng thấy nản. Ngay như gian hàng thời trang trẻ em ở phía đối diện, dù mới thuê mặt bằng được hơn 1 tuần, nhưng do vắng khách nên họ chưa khai trương dù khoản tiền thuê không nhỏ…”.

Tương tự, tại tầng 2, nơi có nhiều hãng thời trang nổi tiếng bên ngoài treo băng rôn giảm giá 30-50% nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng khách nào ngoài 2 nhân viên bán hàng. Thậm chí, tại khu vui chơi cho trẻ em  “Kids World” tuy được đơn vị kinh doanh đầu tư nhiều trò chơi, trang trí, thiết kế những hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt nhưng cũng trong cảnh không có khách. Chưa kể, tại hầu hết các tầng đều có diện tích trống chờ đơn vị thuê chỗ.

Nằm ở vị trí khá đẹp và thuận tiện trên trục đường Tây Sơn, quận Đống Đa song tình hình kinh doanh của TTTM PicoMall cũng không khả quan hơn là mấy. Bên ngoài khu TTTM khang trang, bề thế, một tấm biển quảng cáo cỡ lớn với những hình ảnh bắt mắt, sinh động giới thiệu nhiều hình thức giải trí, mua sắm bên trong khu TTTM dường như cũng không đủ sức lôi kéo khách hàng đến  mua sắm. Lác đác một vài khách hàng, nhiều gian hàng trống trơn chờ đơn vị đến thuê là những gì chúng tôi nhìn thấy trong khu TTTM dù lúc này đã quá trưa. Ngay tại tầng 1, hình trái tim khổ lớn lồng vào nhau, cùng hoa và băng rôn tôn vinh Ngày Phụ nữ 8-3, với những ưu đãi đặc biệt dù được giữ nguyên để kích thích nhu cầu mua sắm của nữ giới nhưng xem ra đa số khách hàng vào đây chỉ để... chụp ảnh là chính. Bạn Nguyễn Phương Nga, sinh viên Học viện Ngân hàng đang say sưa tạo dáng cho biết: “Em chỉ thích đi lòng vòng trong khu thương mại vì có cơ hội được nhìn ngắm những món đồ đẹp mắt, thậm chí em có thể thử chúng nếu thích, còn bỏ tiền ra mua thì chắc chỉ có nằm mơ…”. 

Vì sao ế ẩm?

TTTM Picomall dù trưng biển quảng cáo hấp dẫn nhưng bên trong vẫn đìu hiu

Ngay cả nhân viên công sở, đối tượng được coi là thu nhập ổn định và có khả năng kinh tế cũng phải lắc đầu với những món đồ hiệu ở đây. Chị Nguyễn Nhật Anh, nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông cho biết: “Tranh thủ giờ nghỉ trưa chúng tôi vào đây nhìn ngắm xem có gì hấp dẫn  để mua sắm. Nhưng dạo một vòng quanh các gian hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm,… tôi chỉ biết lắc đầu, lè lưỡi vì giá của nó cũng tiêu tốn cả tháng lương, thôi thì nhìn cho đã vậy”.

Dạo quanh một số TTTM khác như Parkson, The Garden… các gian hàng từ bình dân tới cao cấp cũng trong cảnh thưa thớt lượng khách đến mua sắm. Anh Nguyễn Văn T, nhân viên bảo vệ của TTTM The  Garden cho biết: “Dù vắng khách nhưng hệ thống điều hòa, thang máy, đèn chiếu sáng trong TTTM luôn hoạt động. Lắm lúc tôi cũng thấy lãng phí nhưng chẳng còn cách nào khác...”. Ngay như TTTM     Parkson, dù nằm ở vị trí đắc địa, bên ngoài trưng băng rôn quảng cáo giảm 50% cho hầu hết các mặt hàng thời trang, giày dép, trang sức, nhưng cũng nằm trong cảnh… đìu hiu. Chị N.T.H chủ một gian hàng trong khu TTTM The Garden cho biết: “Không ít đơn vị kinh doanh dù đã ký hợp đồng dài hạn với chủ đầu tư, nhưng do vắng khách nên phải sang nhượng lại cho những đơn vị khác. Tuy vậy, hầu hết các gian hàng ở đây khá ế ẩm, tình trạng thu không đủ chi dẫn đến thua lỗ là điều khó tránh. Một vài người bạn tôi làm đại lý cho hãng thời trang lớn, muốn thuê mặt bằng ở đây để kinh doanh nhưng sau khi bàn bạc và tham khảo họ đã quyết định thuê cửa hàng ở bên ngoài vì lượng khách hàng đa dạng và tiện lợi với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn…”. 

Kích cầu vẫn không ăn thua

Theo khảo sát mới đây của AC Nielsen - công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường trên toàn cầu thì người tiêu dùng Việt Nam mua hàng khuyến mãi nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó 87% người tiêu dùng tại Việt Nam thường xuyên mua hàng khuyến mãi, trong khi đó mức trung bình của khu vực là 68%; 56% người tiêu dùng chuyên “săn” hàng khuyến mãi khi mua sắm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các TTTM cao cấp liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, phần lớn khách hàng xem ra vẫn thờ ơ với các loại mặt hàng cao cấp. 

Thực tế cho thấy, nhiều TTTM khi mới khai trương đã áp dụng nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mãi khá rầm rộ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tất cả đã tan như bong bóng xà phòng. Không ít TTTM sau một thời gian cầm cự đành phải ngậm ngùi chuyển nhượng lại cổ phần cho đơn vị kinh doanh khác. 

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc một công ty kinh doanh thời trang trẻ em trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì nguyên nhân các TTTM rơi vào tình trạng đìu hiu dù đã tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá là do nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, do thu nhập còn thấp nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp của người dân Thủ đô chưa nhiều. Để đầu tư một TTTM đồng bộ tại khu vực trung tâm, các quận nội thành trên địa bàn Hà Nội không phải là điều dễ dàng. Do vậy, những TTTM đã được các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng tốn kém rất nhiều. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế sáng sủa hơn để có thể kích cầu người dân mua sắm những sản phẩm cao cấp được nhiều hơn.