Trăm nghìn “ngón nghề” lừa đảo

ANTĐ - Tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản luôn lợi dụng những sơ hở phát sinh trong nền kinh tế thị trường và trong cuộc sống xã hội hàng ngày để phạm tội. Loại tội phạm này đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho nhân dân và các tổ chức xã hội, tác động xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn Thủ đô.

Lực lượng CSHS Hà Nội khám xét địa điểm của một ổ nhóm tội phạm lừa đảo nằm trên địa bàn thành phố

Lừa đảo trong kinh doanh bất động sản

Hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Thông qua việc mua bán nhà đất, các đối tượng lừa đảo lập ra những công ty, văn phòng “mua bán nhà - đất”, thuê địa điểm đặt trụ sở giao dịch để gây dựng lòng tin với “đối tác”. Sau đó, bọn chúng thu thập các thông tin mua, bán, chuyển nhượng các căn hộ chung cư, đất liền kề, nhà - đất, các mẫu con dấu, phiếu thu tiền, hồ sơ bán căn hộ và nhiều thông tin khác mang đi photocoppy, scan màu để làm giả và rao bán với giá thấp hơn thị trường. Sau khi nhận được số tiền đặt cọc, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt bằng cách thay đổi số điện thoại, địa chỉ văn phòng công ty để chấm dứt các cuộc giao dịch tiếp theo với khách. Bà M, ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), suýt nữa trở thành nạn nhân của loại tội phạm nêu trên.

Do có nhu cầu mua nhà chung cư, bà M đăng thông tin và số điện thoại lên mạng internet để giao dịch. Ngay sau đó, bà M nhận được điện thoại của “đối tác”, đang cần bán căn hộ chung cư giá rẻ tại khu đô thị ở huyện Thanh Trì. Sau khi thỏa thuận số tiền đặt cọc là 50 triệu đồng, bà M và phía “đối tác” hẹn nhau ngày, giờ và địa điểm giao dịch tiền và các thủ tục, giấy tờ liên quan ở khu vực đường Giải Phóng, quận Đống Đa. Trong quá trình giao dịch, bà M nhận được đề nghị của phía đối tác phải chi thêm hơn 100 triệu đồng nên đã sinh nghi, báo cho CAH Thanh Trì tổ chức điều tra, lập kế hoạch bắt giữ ổ nhóm lừa đảo. Trong quá trình đấu tranh, cơ quan công an phát hiện bọn tội phạm đã giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, làm giả các mẫu phiếu thu tiền của một công ty TNHH có chức năng xây dựng các công trình dân sinh để lừa đảo.

Ngoài thủ đoạn tinh vi nêu trên, tội phạm lừa đảo còn hoạt động phạm tội dưới dạng vay tiền của người dân bằng cách mượn “sổ đỏ” để thế chấp ngân hàng. Chúng lợi dụng trình độ hiểu biết pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế, đã ép người vay tiền phải làm thủ tục bán nhà, đất hoặc yêu cầu cho mượn “sổ đỏ” làm giấy ủy quyền, rồi làm thủ tục sang tên nhà, đất để chiếm đoạt của người vay tiền. Mặt khác, bọn tội phạm lợi dụng việc người dân cần vay với số lượng tiền không lớn, đã yêu cầu giao “sổ đỏ”, ủy quyền cho chúng làm thủ tục vay tiền ngân hàng. Trong những trường hợp giao dịch kiểu này, tội phạm lừa đảo đã làm thủ tục để vay ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần số tiền người cần vay rồi bỏ trốn, dẫn đến người vay tiền không có khả năng thanh toán, bị ngân hàng thu hồi nhà, đất… “Đây là thủ đoạn tội phạm lừa đảo thường áp dụng, gây phức tạp đến tình hình ANTT hiện nay, bởi sức “nóng” của hậu quả do nó gây ra đối với xã hội” - Thiếu tá Mai Văn Thuần - Đội phó Đội chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng CSHS - CATP Hà Nội) cho biết.

Nhiều “chiêu trò” tinh vi khác

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, dẫn đến những diễn biến phức tạp trong thị trường tuyển dụng lao động và đây là yếu tố để tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động. Thông qua việc đưa người đi xuất khẩu lao động, đối tượng lừa đảo lập ra các công ty và nhiều hệ thống môi giới với các loại giấy tờ, văn bản liên quan đến hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động. Do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong nước khá ít ỏi, người lao động tìm mọi cách để được xuất ngoại làm ăn. Nắm bắt được nhu cầu “khát việc làm” của người lao động, tội phạm lừa đảo tổ chức các cuộc hội thảo tại nhiều địa phương, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, người dân ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin và đưa ra nhiều chương trình cũng như lợi ích của người lao động được hưởng, nhằm gây dựng lòng tin của họ. Bước tiếp theo, đối tượng lừa đảo thu gom hồ sơ, đưa người lao động đi học tiếng nước ngoài, khám sức khỏe để tiếp tục tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của họ. Sau khi cầm tiền trong tay, tội phạm lừa đảo cắt đứt liên lạc với người lao động bằng cách bỏ trụ sở, số điện thoại liên lạc, đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, vì trót vay một số tiền lớn để lo cho người thân xuất ngoại với hy vọng đổi đời.

Chủ động phòng ngừa

Theo Thượng tá Hà Hùng, Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2013, toàn địa bàn thành phố xảy ra 156 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của lực lượng Công an Hà Nội. “Công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của tội phạm lừa đảo luôn được lực lượng Công an Hà Nội đặc biệt quan tâm, triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, do ý thức chủ quan, lơ là mất cảnh giác, nhiều người đã mắc mưu tội phạm lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quái do chúng giăng ra” - Thượng tá Hà Hùng nhận xét nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm lừa đảo là nhiều người dân vẫn tỏ ra xấu hổ khi mắc bẫy bọn lừa đảo và không tố giác với cơ quan công an. Một số người có tâm lý cho rằng vì mình mà nhiều người khác bị liên lụy trong các vụ lừa đảo, cũng không dám đến cơ quan công an tố giác tội phạm. Hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới mọi hình thức có được kiềm chế hiệu quả hay không, chính là nhờ một phần lớn ở sự phối hợp tích cực và chủ động từ phía người bị hại với cơ quan công an. Mọi thông tin liên quan đến hoạt động của loại tội phạm này, đề nghị thông tin ngay tới Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội (ĐC: Số 7 - phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; ĐT: 0.439.396.500).