Trăm năm còn một chốn này

ANTĐ - Vậy là tháng 11 đã trôi đi mà lễ kỉ niệm 100 năm Nhà hát Lớn vẫn không thể diễn ra. Đây là một sự kiện được nhiều người mong chờ. Bởi vì, có lẽ, sau cầu Long Biên, Nhà hát Lớn chính là một công trình kiến trúc gắn bó lâu đời, qua nhiều thời kì lịch sử biến động nhưng cũng đầy bi tráng của đất Thăng Long.

Cứ theo dự kiến, lễ kỉ niệm được tổ chức trang trọng vào ngày của những con số đáng nhớ: 11-11-2011. Nhưng sát đến “ngày đẹp”, một thông báo nho nhỏ được đưa ra. Vì những lý do khác nhau, trong đó có lý do nhiều vị khách quan trọng phải tham gia vào lễ hội chào mừng Vịnh Hạ Long (tạm thời) có tên trong danh sách 7 kì quan thiên nhiên mới của thế giới, nên lễ kỉ niệm 100 năm Nhà hát Lớn sẽ lui lại ít ngày, nghe nói vào đầu tháng 12 tới.

Nhưng như một cách tự ghi nhớ, đúng 11h ngày 11 - 11 vừa rồi, tôi đã ngồi trên những bậc đá trước cửa nhà hát, nhìn ra dòng người tấp nập ngược xuôi, và nghĩ về lịch sử thăng trầm đã gắn bó với không gian này. Nắng thì vẫn vàng như mật, bầu trời vẫn mênh mông xanh, và Nhà hát Lớn thì vắng vẻ đìu hiu. Cửa chính đóng chặt, trên bậc thềm, thi thoảng có đôi uyên ương tấp lại chụp ảnh cưới. Không thấy có một dòng chữ nào thông báo cho sự kiện “trăm năm”, chỉ thấy hai bên cánh gà có treo tấm pano lớn, quảng cáo về live show của Mai Quốc Huy - “đệ tử chân truyền của ca sĩ Chế Linh”. Tôi nhìn, lòng man mác, không biết nên buồn hay nên vui đây? Nhưng dù gì, đó cũng là một khoảnh khắc đã tồn tại trong ngày hôm nay, ở nơi chốn này. Nghĩ vậy, tôi rút máy ảnh chụp mấy tấm như để lưu giữ về khoảnh khắc chẳng dễ gì có lại được lần thứ hai. Một thế kỉ trôi qua, Nhà hát Lớn chưa bao giờ già, cũ trong lòng người Hà Nội. Người ta vẫn chờ một ngày hội đánh dấu 100 tuổi của công trình này. Để vinh danh, để nhắc lại lịch sử hay để nhắc lại những kỉ niệm của một thời chưa xa.

Nhiều người bây giờ khó có thể hình dung được, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, nơi Nhà hát Lớn tọa lạc bây giờ, hơn trăm năm trước chỉ là một vùng đầm lầy thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông giáp với làng Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Công trình được khởi công vào ngày 7-6-1901. Hai kiến trúc sư Broyer và Harvy là người thực hiện. Với tổng kinh phí xây dựng là 2 triệu Franc. Hàng ngày, có đến 300 công nhân làm việc. Sau 10 năm thi công, năm 1911, Nhà hát Lớn mới hoàn thành, trở thành một sự kiện đặc biệt. Với diện tích 2.600m², chiều dài 87m, chiều rộng 30m, đỉnh so với mặt đường là 34m, Nhà hát Lớn là một công trình rất đồ sộ thời bấy giờ. Lúc đó, Hà Nội hầu như chưa có những tòa nhà cao tầng, vì thế, đứng trên nóc Nhà hát Lớn, ở điểm cao nhất có thể phóng tầm mắt ra xa, nhìn thấy toàn cảnh thành phố, núi Tam Đảo và Ba Vì, thậm chí, ngày đẹp trời còn có thể nhìn thấy dãy núi đá vôi ở Ninh Bình.

Thời gian chảy trôi, cuộc đời thăng trầm dâu bể. Những câu chuyện, những trang sử về Nhà hát Lớn hẳn là tầng tầng lớp lớp, để từ những góc nhìn khác nhau, người ta sẽ có nhu cầu nhiều hay ít đề lần tìm lại quá khứ. Còn hôm nay, tôi rẽ vào bên hông Nhà hát Lớn - nơi mấy năm nay, ở đây “mọc lên” quán cà phê được nhiều du khách thích ngồi hóng gió vào những sớm tinh mơ hay khi hoàng hôn cuối chiều. Ngồi nhâm nhi một tách cà phê ở đây có thể đắt hơn rất nhiều ở những quán cà phê vỉa hè khác, nhưng cái vị trí “có một không hai” này, cũng đáng để bạn trả thêm chút tiền cho việc người ta thuê địa điểm. Nhìn ngắm Nhà hát Lớn từ bên hông với lối kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với  kiểu lâu dài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris mới thấy, để lại được một công trình cho mai sau là một việc làm đáng được tôn vinh và nhân văn đến nhường nào. Còn giờ đây, công trình đó cùng với không gian kiến trúc ấy, thế hệ sau này ứng xử với nó ra sao lại là một cách hành xử văn hóa mà người đương thời phải suy nghĩ mỗi khi đưa ra hành động, đưa ra quyết định.