Trâm cổ thụ ở Quảng Ngãi trước nguy cơ bị xoá sổ

ANTĐ - Các “đầu nậu” khai thác kiểu tận diệt, đào bới lấy luôn cả gốc lẫn rễ và bán sang Trung Quốc trồng cây bóng mát dọc đại lộ.

Sau khi khai thác cạn kiệt cây trâm cổ thụ tại cánh rừng khu đông huyện Ba Tơ, các “đầu nậu” chuyển sang khai thác cây trâm cổ thụ (trâm trội, trâm ba lá) có độ tuổi hàng chục năm đến trăm năm tuổi tại một số cánh rừng huyện Minh Long.

Trâm cổ thụ bị xẻ thịt không thương tiếc

Tại xã Long Môn, huyện Minh Long đang diễn ra tình trạng thu mua cây trâm rừng cổ thụ theo kiểu tận tiệt của các “đầu nậu”. Chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Long Môn tìm hiểu sự việc. Dò la hỏi thăm nhiều người, chúng tôi vượt qua đoạn đường dài gần 2km, với nhiều đoạn trơn như bôi mỡ để vào khu vực rừng Ba Bảo, nơi đang diễn ra việc khai thác trâm rừng, còn gọi là trâm ba lá, trâm trội. Dấu vết của một con đường mới mở hằn rõ qua những vết xe cạp, xe tải... và cây cối ngã rạp hai bên đường.

Dọc hai bên đường là những hố, lớp đất đá lởm chởm, dấu vết những cành cây trâm nằm la liệt bên đường. Ngoài ra có một số xe múc làm nhiệm vụ đào cây trâm để bên bờ suối. Theo quan sát của chúng tôi, có ít nhất năm cây trâm cổ thụ bị khai thác và chở đi. Ngoài ra có hai cây trâm lớn, ba người ôm không xuể, cao trên 10m vừa mới đào. Có lẽ trước đó phát hiện những người lạ mặt, số đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới gọi điện báo động nên khu rừng yên ắng không một bóng người.

Anh Đinh Văn Thành (28 tuổi, ở thôn Làng Giê) cho biết: Cách đây khoảng hai tuần, có một người đàn ông tên Thái, ở Quảng Ngãi lên đây, trả công 200.000 đồng/ngày để nhờ dẫn đến các gia đình có trồng cây trâm mua. Theo đó, anh Thành đã chỉ cho người này mua tổng cộng được 12 cây trong vườn của ba gia đình ở thôn. Người ít nhất bán ba cây, còn lại mỗi nhà bán năm cây. Theo người dân trong thôn, tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà giá cả khác nhau. Nhỏ thì được trả 700 - 900.000 đồng/cây; lớn hơn từ 1 - 2 triệu đồng/cây. Sau khi trả tiền xong, đầu nậu đưa xe múc đến đào cho ngã, sau đó dùng cưa máy cắt tỉa cành, rễ cho gọn, rồi tập trung ra bãi đất trống gần UBND xã, sau đó dùng xe dài (đầu kéo) đến chở về xuôi. Mỗi lần chở 2 - 3 cây và từ hôm đó đến nay, họ đã chở được khoảng 6 - 8 chuyến.

Một “đầu nậu” thu mua trâm rừng cho biết: Trâm rừng cổ thụ được thu gom để chở sang Trung Quốc bán, với giá từ 70 - 120 triệu đồng/cây. Khi sang bên đó, họ tiếp tục trồng làm bóng mát và sử dụng trồng ở các con đường, đại lộ lớn. Còn ông Nguyễn Văn Hân - Cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết: Việc thu mua cây trâm cổ thụ ở Minh Long ông chưa nghe báo cáo của kiểm lâm Minh Long.

Theo ông Hân, những cây trâm này có thể sẽ được xuất bán sang Trung Quốc, để trồng tạo cảnh quan, chứ loại cây này không thể làm gỗ được. Như ông được biết, những cây này xuất bán sang Trung Quốc có thể lên đến 100 triệu đồng/cây. Đa số các “đầu nậu” luôn tìm mọi cách hợp thức hóa số cây này, nên kiểm lâm cũng rất khó xử lý. Lợi ích trước mắt đâu chưa thấy, nhưng việc khai thác theo kiểu đào bới tận gốc tác động rất lớn đến môi trường xung quanh.

Một già làng ở xã Long Môn cho biết, sở dĩ cây trâm cổ thụ vẫn còn nhiều ở các khu rừng, trong rẫy dân vì gỗ cây trâm người dân không sử dụng. Cây trâm là loài cây cực hút nước và giữ nước. Mỗi khi bứng cây trâm thì những cây con xung quanh cũng sẽ chết vì không còn cây trâm giữ nước. Việc bứng lấy bộ đế rễ cây trâm cũng sẽ khiến hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh bị đốn hạ.

Chưa nói đến việc vận chuyển kéo cây trâm cổ thụ ra khỏi rừng sẽ san bằng các loại cây khác. Chính vì thế mỗi khi cây trâm cổ thụ bị bứng đi để lại hàng ngàn cây lớn nhỏ khác chết theo. Từ đây, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy. Đặc biệt, việc khai thác những cây ven đường vào mùa mưa bão rất dễ gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Chỉ vì cái lợi trước mắt mà người dân ở đây đã vô tình góp phần tạo điều kiện cho các “đầu nậu” diệt tận gốc cây trâm. Hết việc khai thác ồ ạt cây trắc, huỳnh đàn, nay chuyển sang đào cây trâm bán sang Trung Quốc. Nếu cứ để tình trạng thu mua trâm cổ thụ diễn ra vô tội vạ như hiện nay, cây trâm có còn làm nhiệm vụ giữ nước ở các cánh rừng Quảng Ngãi? Thiết nghĩ các cấp, các ngành cần sớm có giải pháp để hạn chế tình trạng tận diệt trâm cổ thụ trên.