Tràm chim ở cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng hoà vào với biển

ANTĐ - Lời bài hát “Gửi em ở cuối Sông Hồng” dạt dào cảm xúc đưa tôi đến với Nam Định, đến với cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng hòa vào với biển, nơi mênh mang một vùng đất ngập mặn trù phú, nơi đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo Công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (VQG Xuân Thủy).
Tràm chim ở cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng hoà vào với biển ảnh 1

Sau chuyến đi ngắn bằng ô tô đến với vùng đệm của VQG Xuân Thủy, nhận phòng và nghỉ ngơi tại một gia đình làm dịch vụ Homestay (du khách cùng ăn nghỉ với chủ nhà) ở xã Giao Xuân, gần ngay bến cá, tôi túc tắc đạp xe cùng vài người bạn đến thăm VQG Xuân Thủy. Sau khoảng gần 30 phút đạp xe, chúng tôi đặt chân đến vùng đệm của VQG với những bãi ngập rộng mênh mông, những hàng cây sú vẹt thấp bám lấy mặt nước, nơi vô vàn những loài chim di cư đang sinh sống.

Anh bạn dẫn đoàn là người địa phương đang làm việc tại Trung tâm Du lịch sinh thái biển Ecosea dẫn chúng tôi đạp xe lòng vòng trên những con đường đất nhỏ xíu xuyên vào vùng lõi của VQG, những con đường nhỏ xíu cứ hiện ra rồi lại biến mất giữa những hàng cây phi lao thẳng tắp khiến cho cảm giác về con đường có vẻ bí ẩn.

Tràm chim ở cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng hoà vào với biển ảnh 2

Thong thả đạp xe trong tiếng gió biển rì rào, giữa những hàng phi lao xanh cũng khiến cho cái nắng chói chang đầu hè mà chúng tôi trải qua ở mấy cây số trước đó đột nhiên biến mất, thay vào đó là cảm giác không gian mát mẻ, dễ chịu giữa thiên nhiên, những góc nhìn khác lạ, những rừng cây lá thấp và thỉnh thoảng lại rộn lên tiếng đập cánh của những đàn chim đang trốn nắng khi bị tiếng động “quấy rầy”. Ở những bãi ngập nước nông cách xa những con đường mòn và là nơi dễ kiếm mồi, nhiều loài chim thong thả kiếm ăn trong không gian thiên nhiên hoang sơ, yên ả.

Vườn quốc gia Xuân Thủy có hệ sinh thái độc đáo, đặc biệt đây là điểm dừng chân của nhiều loài chim biển, trong đó thường xuyên xuất hiện 9 loài có tên trong sách đỏ quốc tế như: rẽ mỏ thìa, cò thìa, choắt mỏ thìa, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông, choắt chân màng lớn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc. Theo thống kê, ở khu vực VQG Xuân Thủy có 219 loài chim thuộc 41 họ 13 bộ. Hàng năm vào tháng 11-12, hàng đàn chim từ phương Bắc di cư xuống phía Nam tránh rét đã chọn Xuân Thủy làm điểm dừng chân, nghỉ ngơi, kiếm ăn để tiếp tục tích lũy năng lượng cho hành trình dài hàng nghìn cây số của mình. Vào lúc cao điểm, VQG Xuân Thủy được ví như một "ga" chim quốc tế với gần 40 nghìn loài.

Tràm chim ở cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng hoà vào với biển ảnh 3

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở gần cửa Ba Lạt, phía đông nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên 3 cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lư và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100ha, gồm: 3.100ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000ha đất rừng ngập mặn. Với một diện tích rộng lớn và không có đường giao thông nào khác ngoài con đường dẫn vào khu trung tâm của VQG và các đường mòn, nếu không có người hướng dẫn, những du khách tò mò có thể lạc mất lối về nếu tự ý lang thang trên những con đường mòn trong khu VQG đặc biệt này.