Trạm cân xe đỏ mắt chờ kinh phí

ANTĐ - Dù hoạt động 24/24h và 7 ngày trong tuần nhưng đến nay, đã hơn 2 tháng kể từ ngày đưa trạm cân xe vào hoạt động, kinh phí vẫn chưa thấy đâu, nhiều trạm cân đã mắc nợ.

Trạm cân xe đỏ mắt chờ kinh phí ảnh 1
Nhiều trạm cân xe quá tải phải cầm cự trong tình trạng không kinh phí


Ký nợ trạm xăng để trạm cân hoạt động

Quốc lộ 1A là nơi “nóng” nhất về tình trạng xe quá tải hoạt động dọc các tỉnh miền Trung. Cũng bởi vậy, thời gian đầu thực hiện cân xe (từ 1-4) các trạm cân trên QL1A thường bị bung trạm vì xe quá tải chống đối. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các trạm cân đã đi vào nề nếp, hoạt động 24/24h không kể ngày đêm. Trong khi đó, những ngày vừa qua, nắng nóng cao độ tại các tỉnh miền Trung nhưng lực lượng chốt tại trạm cân như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vẫn kiên trì làm nhiệm vụ.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa Trịnh Ngọc Minh cho biết, trạm cân gồm 24 thành viên, chia làm 3 ca hoạt động trong ngày. Tuy vậy, nguồn điện năng duy nhất để trạm duy trì hoạt động “siết” xe quá tải chính là từ chiếc máy phát điện. Do vị trí trạm cân không đấu nối được nguồn điện cao thế chạy dọc tuyến Quốc lộ, trạm phải mua máy phát điện và tự đổ xăng để duy trì hoạt động. Máy phát điện “ngốn” 1,8 lít xăng/h. “Nguồn kinh phí dự toán Sở GTVT tỉnh đề xuất 3,5 tỷ đồng/năm để duy trì trạm theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, trạm mới nhận được 200 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi phải chủ động ký nợ cây xăng để trạm có thể hoạt động”, Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa chia sẻ.

Khắc phục khó khăn, cùng với sự cố gắng của lực lượng chốt trực trạm cân đã bước đầu mang lại hiệu quả, tình trạng xe quá tải chạy qua địa bàn tỉnh đã giảm. Song, ông Trịnh Ngọc Minh thừa nhận, lực lượng trực tiếp vận hành trạm kiểm soát tải trọng xe còn thiếu nên hiện tại Thanh tra Sở phải điều động tạm thời cán bộ, Thanh tra viên từ các đội về vận hành trạm, lực lượng mỏng lại dàn trải trên địa bàn rộng nên hiệu quả công tác chưa cao. “Dù được giao nhiệm vụ kiểm soát xe quá tải liên tục 3 ca/ngày nhưng đến thời điểm này, quân số tại trạm cân vẫn chưa được hỗ trợ về chế độ chính sách, kinh phí bồi dưỡng để làm nhiệm vụ nên anh em gặp nhiều khó khăn”.

Tại trạm cân số 15 đóng tại địa bàn xã Diễn An, Diễn Châu (Nghệ An), ông Phan Huy Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết, qua hơn 2 tháng đưa vào kiểm soát tải trọng xe, quân số tại trạm chỉ có 21 người. Đến thời điểm này, trạm vẫn chưa được cấp một nguồn kinh phí nào để thực hiện các khoản chi về tiền lương, xăng dầu, ăn nghỉ phụ cấp làm đêm…

Đỏ mắt chờ kinh phí 

Theo quy định của Bộ GTVT, kinh phí duy trì hoạt động các trạm cân đã có cơ chế rõ ràng, trích 35% từ tiền Quỹ Bảo trì đường bộ hàng năm mà Bộ này phân xuống các địa phương. Nhưng, không hiểu vì lý do gì, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa “rót” xuống các trạm cân.

Ông Đỗ Xuân Chi, Trạm phó Trạm cân Ninh Bình cho biết, Sở GTVT Ninh Bình đã lập dự toán kinh phí trình UBND để duy trì trạm cân, đồng thời đề nghị Sở Tài chính thẩm tra để sớm có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Song đến nay, thẩm tra cũng chưa làm mà kinh phí cũng “đỏ mắt” ngóng. “Anh em ở trạm cân đi làm trước mắt ăn uống tự bỏ tiền túi. Cơ sở vật chất phục vụ trạm cân thì chi tạm, xăng dầu ứng kinh phí cơ quan. Xe hư hỏng thì phải tìm nguồn kinh phí khác sửa chữa”, ông Đỗ Xuân Chi nói.

Chuyện “ngóng” kinh phí để duy trì hoạt động trạm cân xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Trong khi đó, để duy trì hoạt động trạm cân theo chỉ đạo của Chính phủ, hầu hết các trạm cân phải tự thu xếp kinh phí bằng cách “tạm ứng” rồi chờ thanh toán. Theo ông Trịnh Ngọc Minh, việc xử lý xe quá tải cần làm thường xuyên, liên tục lâu dài chứ không nên làm theo kiểu chiến dịch hay mở cao điểm rồi lại dừng. Tuy vậy, việc chậm trễ rót kinh phí theo quy định đã khiến anh em gặp không ít khó khăn, không yên tâm làm nhiệm vụ.