Trầm cảm tới mức suýt tự tử, người phụ nữ quyết đâm đơn li dị chồng

ANTD.VN - Trong ngày Gia đình Việt Nam (28-6), người ta thường nói về những bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình, về những câu chuyện đẹp của các gia đình “kiểu mẫu”. Ở bài báo này, chúng tôi gửi tới độc giả những chia sẻ thấu lòng của một người phụ nữ quyết đâm đơn li dị chồng, sau khi cô bị trầm cảm tới mức suýt tự tử, để qua đó thấy được điều gì là cần thiết nhất trong việc giữ gìn hạnh phúc lứa đôi.

Không tìm được tiếng nói chung trong gia đình, li hôn là kết cục khó tránh khỏi

Năm nay 30 tuổi, chị L.A (Mỹ Đình, Hà Nội) đã quyết định chia tay chồng, sau 4 năm chung sống và có với nhau một bé gái. Là người sống nội tâm, biết vượt khó, chị L.A đã nhiều lần bước qua sóng gió trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chuyện gì phải đến cũng đến, khi chị nhận ra không thể tiếp tục một cuộc sống đã khiến chị bị trầm cảm tới mức suýt tự tử.

Sau khi trải qua biến cố lớn trong cuộc đời, chị L.A đã nhận lời chia sẻ với PV của Báo Điện tử ANTĐ.

Cảm ơn chị đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Xin chia sẻ với hoàn cảnh gia đình chị, khi chị vừa chia tay chồng và một mình nuôi con nhỏ. Chị có thể kể về thời điểm hai người gặp nhau?

- Tôi gặp anh ấy khi anh ấy vừa đổ vỡ ở cuộc hôn nhân thứ nhất. Khi đó, là một người yếu đuối với một trái tim nghệ sỹ đa cảm, anh ấy rơi vào trạng thái hoang mang và cô độc. Tôi tìm thấy ở sâu trong tâm hồn anh ấy những ẩn ức và khát khao yêu thương như chính bản thân mình, vì vậy, tôi yêu thương và bao dung với anh ấy như yêu thương chính mình. Đến giờ tôi vẫn yêu và thương anh ấy như vậy.

Khi đó, chị có cảm tình với anh ấy hoàn toàn dựa trên trái tim hay còn yếu tố nào khác?

- Ngoài tình yêu, không có gì khác. Tôi là người sống nặng về tình cảm, anh ấy luôn khiến tôi muốn được chăm sóc và yêu thương. Khi đó, anh ấy hoàn toàn tay trắng, không có tài sản gì ngoài mấy bộ quần áo và cây đàn guitar. Nhưng sâu thẳm trong con người ấy, tôi nhìn thấy sự hồn nhiên và trong sáng của một người nghệ sỹ, điều mà tôi ít tìm thấy được ở những người đàn ông xung quanh mình.

Anh ấy mãi mãi ngây thơ và lạc lõng trong cuộc đời đầy toan tính này, đó là ưu điểm và cũng là nhược điểm lớn nhất khiến anh ấy luôn khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời là lý do gây nên những thăng trầm mà anh ấy gặp phải trong những bước đường đời và cả trong sự nghiệp.

Khi về sống chung và có con với nhau, những điều gì đã làm chị cảm thấy thất vọng về người chồng của mình?

- Tôi không thất vọng. Vì trước khi về sống với nhau, tôi đã hiểu con người của anh ấy không sinh ra để chăm sóc người khác. Vấn đề là do chính tôi “không biết lượng sức mình”, khi tôi nghĩ mình có đủ tình yêu và tình thương để cùng anh nắm tay xây dựng một gia đình nhỏ bé hạnh phúc từ con số không.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Anh ấy luôn luôn có những niềm vui khác mà quên mất sự hiện diện của tôi trong cuộc sống. Anh ấy biết cách yêu bản thân mình và bỏ qua những nỗi buồn, hoặc dùng đam mê để khỏa lấp. Tôi thì ngược lại, có xu hướng dằn vặt và tự làm khổ mình. Và cứ thế, cuộc sống gia đình tôi như một cuộc chạy – đuổi, và tôi cứ bị đuối dần.

Những đêm anh ấy về muộn hoặc không về, tôi triền miên mất ngủ. Hoặc những bữa ăn khi tôi vừa nấu nướng xong là anh ấy liền phải đi, những khoảng thời gian đó quả thực kinh khủng với tôi. Tôi không có bất cứ người thân nào bên cạnh khi ấy, và tôi dần trở lên trầm cảm, thậm chí lãnh cảm.

Có những chuyện tôi gặp phải trong công việc, việc chợ búa hoặc mua sắm, tôi muốn tâm sự hoặc tìm sự chia sẻ từ người chồng, người ở gần tôi nhất thì anh ấy luôn tìm cách đẩy tôi ra xa. Những cuộc vui và bạn bè của anh ấy luôn cướp anh ấy khỏi tôi. Bằng tình yêu, tôi tìm nhiều cách để kéo anh ấy về bên mình, nhưng tôi dần rơi vào tuyệt vọng sau 4 năm chung sống. Đôi khi tôi chỉ muốn thốt lên, "tất cả những gì em cần chỉ là một tin nhắn trả lời", nhưng không thể.

Như vậy, việc thiếu sự chia sẻ giữa hai vợ chồng là nguyên nhân chính khiến chị quyết đưa đơn li dị. Chị có thể nói rõ thêm về yếu tố này?

- Trong quyết định chia tay của tôi, việc thiếu chia sẻ tinh thần chiếm đến 90%. Việc lặt vặt trong nhà đôi khi cũng khiến tôi mệt, nhưng chỉ là mệt về thể chất. Còn những điều khiến tôi thực sự gục ngã là việc tôi không tìm được sự chia sẻ về tinh thần. Tuy nhiên, việc này tôi không kết tội anh ấy, cũng không quy chụp đúng sai.

Tôi chỉ nhận ra rằng, anh ấy là người yếu đuối, khi bản thân anh ấy cũng không thể lo cho chính mình, thì không thể lo thêm cho tôi. Khi đó tôi không muốn trở thành gánh nặng của anh ấy nữa, và tôi quyết định chia tay.

Chia sẻ là điều không thể thiếu để kết nối hai trái tim trong cuộc sống nhiều sóng gió

Chị có thể kể vài sự việc trong cuộc hôn nhân đã qua? Khi mà anh ấy không chia sẻ tinh thần trong cuộc sống hằng ngày với chị?

- Có hai sự việc tác động lớn nhất đến sự khủng hoảng tâm lý của tôi và dẫn đến cả việc chia tay của chúng tôi.

Thứ nhất là khi tôi quyết định nghỉ việc để chuyển sang kinh doanh. Tôi muốn mở một shop thời trang do tôi tự thiết kế, vì đây vốn là việc mà tôi đam mê và tôi có thể làm tốt. Tôi phải vay mượn tiền vốn từ bạn bè, chạy vạy khắp nơi để lo liệu mọi việc. Tuy nhiên trong suốt thời gian tôi “start up” cửa hàng, anh ấy đã không chung tay cùng tôi, mà luôn có thái độ chống đối.

Tôi đã phải gắng gượng gấp 5, gấp 10 lần sức lực mình có. Nhưng đó lại không phải là điều tệ nhất. Mà tệ nhất là khi tôi cảm thấy mệt mỏi và không thể tiếp tục, tôi phải dẹp cửa hàng với một số nợ lớn, thì anh ấy dè bỉu và mỉa mai tôi, như là một sự đắc thắng, đó là một sự việc khiến tôi tổn thương khá lớn.

Việc thứ hai là khi tôi xin được việc ở một cơ quan nhà nước khá ổn, nhưng khi vào làm, do đặc thù công việc, tôi bị ép làm những việc mà bản thân không muốn, nên tôi lập tức xin nghỉ ngay sau đó. Tôi đã buồn rất nhiều. Tuy nhiên, khi trở về nhà, tôi không hề nhận được sự động viên chia sẻ từ chồng, mà chỉ là ánh mắt lạnh lùng và khinh bỉ. Anh nhìn tôi như một người không hề cố gắng, một người vô trách nhiệm và chỉ thích làm theo cảm tính, vì khi đó kinh tế gia đình tôi cũng khá khó khăn.

Hai sự việc đó cộng thêm sự vô tâm thờ ơ, có nhiều đêm anh ấy triền miên không về, để hai mẹ con tôi ở nhà với nhau, tất cả như giọt nước tràn ly, và tôi quyết định chia tay.

Sẽ rất khó để giữ nguyên vẹn hạnh phúc gia đình, khi sự chia sẻ là "của hiếm" đối với hai vợ chồng

Sau khi trải qua mọi thứ, chị có cảm thấy việc dạy con biết chia sẻ, cả về tinh thần cũng như về làm các việc vặt trong gia đình, là quan trọng?

- Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu thương nhau, chia sẻ mọi việc cũng như luôn giúp nhau lúc hoạn nạn. Bản thân tôi là người luôn hướng về gia đình, nên tôi sẽ luôn dạy con tôi biết chia sẻ, giúp đỡ người khác, nhất là người thân, người chồng hay người vợ bên cạnh mình. Yêu bản thân là một điều tốt, nhưng yêu đến mức trở nên ích kỉ và không quan tâm đến cảm xúc của người khác, thì tôi nghĩ đó là độc ác.

Giả sử người chồng cũ của chị biết chia sẻ tinh thần, chia sẻ việc nhà cùng nhau, chị có chắc sẽ không bao giờ xảy ra chuyện chia ly không?

- Chắc chắn không bao giờ xảy ra, vì tôi tin, chia sẻ là yếu tố quan trọng nhất giúp gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Cảm ơn chị đã chia sẻ.