Trầm cảm, mất ngủ và nỗi lo rối loạn sức khỏe tâm thần lan rộng hậu đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các vấn đề sức khỏe tâm thần của con người do dịch Covid-19 gây ra sẽ là “đại dịch” tiếp theo. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do Viện Y tế toàn cầu có trụ sở ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha (ISGlobal) công bố ngày 5-4-2021.
Đại dịch Covid-19 không những ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người mà còn tác động tới các mục tiêu cá nhân, động lực gia đình, vai trò trong công việc và sự ổn định kinh tế

Đại dịch Covid-19 không những ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người mà còn tác động tới các mục tiêu cá nhân, động lực gia đình, vai trò trong công việc và sự ổn định kinh tế

Từ khóa tìm kiếm về “sức khỏe tâm thần” trên Google

Cách ly xã hội trong một thời gian dài sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan rộng đã làm tăng các yếu tố rủi ro đối với sức khỏe tâm thần, song quy định bắt buộc ở nhà cũng khiến người dân có nhiều thời gian hơn ở trong nhà, qua đó sẽ thúc đẩy các lối sống mới. Theo nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Illinois (Mỹ) công bố trước đây cho thấy, những tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần do lệnh phong tỏa trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, chỉ mang tính tạm thời và giảm dần theo thời gian khi người dân thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Economics and Human Biology và website của trường Đại học Illinois.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã đánh giá xu hướng sức khỏe tâm thần trong thời gian 6 tháng bằng cách phân tích dữ liệu tìm kiếm hàng ngày trên công cụ Google Trends tại quốc gia này. Các nhà nghiên cứu đầu tiên sử dụng một loạt từ khóa liên quan đến các chính sách phòng dịch và tiếp đó tiến hành công tác thu thập dữ liệu trên các tìm kiếm về sức khỏe tâm thần. Bộ dữ liệu tìm kiếm này cũng bao gồm các từ khóa liên quan tới các hoạt động trong nhà. Kết quả cho thấy các tác động tiêu cực của quy định buộc người dân ở nhà nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu.

Giáo sư Tâm lý và Quản trị doanh nghiệp Dolores Albarracin thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong thời gian đầu của đại dịch Covid-19, các quy định giãn cách xã hội có tương quan với sự gia tăng tìm kiếm về cách thức đối phó với tình trạng cách ly và những nỗi lo lắng, điều này không có gì ngạc nhiên. Nói chung, nếu phải đối mặt với một đại dịch hay cú sốc về kinh tế, thì con người sẽ sinh ra trầm cảm, bất an và những cảm xúc tiêu cực ở các mức độ khác nhau, và chúng ta có tất cả cảm xúc này trong dịch Covid-19”. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng các tác động này chỉ mang tính tạm thời và giảm dần sau khi đạt đỉnh điểm.

“Có nhiều quan ngại rằng những bệnh nhân sống sót sau khi mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần và nghiên cứu cho thấy điều này có thể xảy ra. Giới y học và khoa học trên thế giới cần khẩn trương điều tra nguyên nhân và có các phương pháp điều trị biến chứng tâm thần cho các bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh”.

Giáo sư về bệnh tâm thần Paul Harrison (Trường Đại học Oxford, Vương quốc Anh)

Trong khi đó, nhà nghiên cứu sau Tiến sĩ về tâm lý Bita Fayaz Farkhad cho biết, các phát hiện này chứng tỏ rằng ngay cả khi các biện pháp phòng chống dịch làm gia tăng cảm xúc tiêu cực về cách ly và lo lắng, thì tác động mà đại dịch gây ra phần lớn mang tính tạm thời. Theo Bita Fayaz Farkhad, lời giải thích hợp lý cho phát hiện này là mặc dù cách ly xã hội làm tăng các yếu tố rủi ro đối với sức khỏe tâm thần, song quy định bắt buộc ở nhà cũng khiến người dân có nhiều thời gian hơn ở trong nhà, qua đó sẽ thúc đẩy các lối sống mới và các thành viên gia đình giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Cụ thể, các tìm kiếm liên quan đến một số hoạt động như “tập thể dục”, “nấu ăn”… đều có liên quan mang tính tích cực với các quy định bắt buộc ở nhà, điều này cho thấy mọi người phấn khởi khi có thêm nhiều thời gian ở nhà. Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm đối với các từ khóa như “thuốc chống suy nhược” và “tự tử” lại giảm, cho thấy không có bằng chứng về sự gia tăng các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo nhà nghiên cứu Bita Fayaz Farkhard, có khả năng những người có thể làm việc tại nhà cũng thích được làm việc ở nhà, thích được tự mình lên kế hoạch và được tập thể dục nhiều hơn, tất cả đều mang lại tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Mặc dù họ không thể đến nhà hàng hay quán bar, nhưng họ có thể kiểm soát nhiều hơn một chút về các mặt khác trong đời sống hàng ngày, từ đó khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Chuyên gia Bita Fayaz Farkhard khẳng định, điều này cho thấy mọi người đã thích nghi với trạng thái bình thường mới và do vậy những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần giảm dần.

Cảnh báo tình trạng mắc các bệnh về tâm thần ở bệnh nhân Covid-19

Đó là những tín hiệu lạc quan, tích cực trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, cứ 5 bệnh nhân Covid-19 thì có 1 người, tương đương 20%, được chẩn đoán rối loạn tâm thần trong vòng 90 ngày sau khi khỏi bệnh, các triệu chứng thường thấy là lo âu, trầm cảm và mất ngủ.

Nhiều bệnh nhân sống sót sau khi mắc Covid-19 có nguy cơ cao mắc các bệnh về tâm lý. Con số này cao 2 lần so với những nhóm bệnh nhân khác trong cùng thời điểm. Nghiên cứu cũng phát hiện những người có tiền sử bệnh tâm thần có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn 65% so với người bình thường - đây là kết quả trong một nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí The Lancet Psychiatry. Nghiên cứu dựa trên bệnh án của 69 triệu người tại Mỹ, trong đó có hơn 62.000 bệnh nhân Covid-19.

“Một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng phát hiện mới này càng củng cố bằng chứng rằng dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến não và sức khỏe tâm thần, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý. Tình trạng này có thể là sự kết hợp giữa các yếu tố gây căng thẳng đến tâm lý với tác động của bệnh lý”.

Chuyên gia về tâm thần học Michael Bloomfield (Trường Đại học London, Vương quốc Anh)

Giáo sư về bệnh tâm thần Paul Harrison thuộc trường Đại học Oxford (Anh) cho biết, có nhiều quan ngại rằng những bệnh nhân sống sót sau khi mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần và nghiên cứu cho thấy điều này có thể xảy ra. Giáo sư Paul Harrison nhấn mạnh, giới y học và khoa học trên thế giới cần khẩn trương điều tra nguyên nhân và có các phương pháp điều trị biến chứng tâm thần cho các bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh.

Chuyên gia về tâm thần học Michael Bloomfield của trường Đại học London (Anh) cho biết, một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng phát hiện mới này càng củng cố bằng chứng rằng dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến não và sức khỏe tâm thần, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý. Tình trạng này có thể là sự kết hợp giữa các yếu tố gây căng thẳng đến tâm lý với tác động của bệnh lý.

Trong khi đó, Giáo sư về tâm thần học Simon Wessely nhận định nghiên cứu trên đã phát hiện về nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn ở những người mắc các chứng rối loạn tâm thần và đây cũng là phát hiện tìm thấy trong các nghiên cứu về các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trước đó. Theo Giáo sư Simon Wessely, bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các chức năng đến hệ thần kinh Trung ương, từ đó có thể trực tiếp làm gia tăng các rối loạn trong cơ thể.

Nguy cơ nở rộ hậu đại dịch Covid-19?

Các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch Covid-19 gây ra sẽ là “đại dịch” tiếp theo. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do Viện Y tế toàn cầu có trụ sở ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha (ISGlobal) công bố ngày 5-4-2021. Trong bản báo cáo, các tác giả nghiên cứu cho biết sức khỏe tâm thần của con người đã chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau và đây là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

Ước tính, chi phí toàn cầu liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần đã lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm và 85% những người bị rối loạn tâm thần ở các nước nghèo và thu nhập trung bình không được điều trị. Thực trạng này đã gây ra một “cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có”. Các tác giả giải thích đại dịch Covid-19 không những ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người mà còn tác động tới các mục tiêu cá nhân, động lực gia đình, vai trò của họ trong công việc và sự ổn định kinh tế. Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác khiến cuộc khủng hoảng này thêm nghiêm trọng như những thay đổi về vai trò của các cá nhân trong gia đình, bạo lực gia đình, việc cách ly, sự cô đơn, nỗi đau vì mất người thân hoặc bạn bè, tâm trạng lo lắng chung, tình trạng kiệt sức khi làm việc và căng thẳng sau chấn thương.

Nghiên cứu cũng ghi nhận từ 30% đến 60% bệnh nhân mắc Covid-19 bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh Trung ương và ngoại vi, dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, mê sảng là hội chứng tâm thần kinh cấp tính và thường xuyên gặp nhất mà bệnh nhân Covid-19 mắc phải, tiếp đó là trầm cảm và lo lắng. ISGlobal kêu gọi các chiến lược bảo trợ xã hội để chống lại các vấn đề phát sinh từ thất nghiệp, sự mất mát người thân đột ngột, nỗi cô đơn và cảm giác bị cô lập, song song với việc đảm bảo cung cấp các dịch vụ cơ bản và tài trợ cho các dịch vụ xã hội để giúp đỡ các gia đình khó khăn.