Trầm cảm – loạn thần sau sinh: Hiểu đúng để không gặp tai họa

ANTD.VN - Vụ việc người mẹ trẻ ở Thạch Thất (Hà Nội) sát hại con trai mới 33 ngày tuổi đã gây rúng động dư luận. Những phỏng đoán ban đầu cho rằng nghi phạm Phan Thị Trinh mắc phải chứng loạn thần sau sinh. Vậy, nên hiểu sao cho đúng đối với những căn bệnh rối loạn tâm thần sau sinh nguy hiểm đó để phòng tránh nguy cơ?

Không hiếm gặp tình trạng bị trầm cảm, loạn thần sau sinh

Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho hay, theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trong năm 2013, tỉ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, trong khi loạn thần sau sinh là 0,5%.

Do vậy, việc hiểu đúng về các loại bệnh này là rất cần thiết, để những người thân xung quanh bệnh nhân biết cách ứng xử phù hợp, cũng như đưa người bệnh tới khám đúng chuyên khoa, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Được sự hỗ trợ của TS. BS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) và TS. BS Dương Minh Tâm, PV Báo ANTĐ đã tiếp cận với 2 trường hợp bệnh nhân được xác định mắc chứng loạn thần sau sinh để ghi nhận hoàn cảnh.

Tình trạng trầm cảm/loạn thần sau sinh rất nguy hiểm đối với các phụ nữ (Ảnh minh họa)

Trường hợp đầu tiên là chị N.T.V (quê Nam Định). Chị V. còn rất trẻ, sau khi kết hôn với người chồng cùng tuổi, chị được cả chồng và gia đình nhà chồng rất mực quan tâm.

Sau khi sinh con được 12 ngày, chị V. thường xuyên bị mất ngủ, vì cứ 30 phút đến 1 tiếng, chị lại phải dậy hút sữa do cảm thấy căng tức. Bên cạnh việc mất ngủ triền miên như vậy, chị V. còn vô cùng lo lắng khi biết đứa con đầu lòng bị nhiễm virus viêm gan B.

“Vợ mình suy nghĩ rất nhiều về những điều bất lợi sau sinh, lại chịu thêm áp lực khi gia đình nhà mình chăm sóc quá mức, khiến sau đó cô ấy bắt đầu có những biểu hiện bất thường về lời nói, tâm trạng”, chồng của chị V. cho hay.

Khi được đưa vào viện, các bác sĩ đã xác định chị V. mắc chứng loạn thần cấp sau sinh, và cần được điều trị theo một chế độ đặc biệt.

Trường hợp thứ hai là chị L.T.H (Thanh Hóa). Chị H. là bệnh nhân đã có tiền sử mắc chứng loạn thần sau sinh từ khi sinh bé đầu lòng. Tới khi sinh tiếp bé thứ hai, chị bị tái phát và tiếp tục phải điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị mắc chứng hưng cảm sau sinh.

Theo người nhà chị H., biểu hiện ban đầu khiến họ nghi ngờ chị gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần sau sinh là bỗng dưng chị trở nên ít phản xạ trong giao tiếp với mọi người. Như: Gọi thì không thấy thưa, đi vào đi ra một cách bất thường, không có chủ định…

Một điều may mắn là khi sinh con, chị H. ở nhà bố mẹ đẻ nên đã sớm được phát hiện và đưa đi chữa trị.

Mặc dù ở trong môi trường điều trị như vậy, một điểm chung của cả chị V. và chị H. là họ vẫn giữ được bản năng làm mẹ rất mạnh mẽ, vẫn luôn lo lắng và thương nhớ con mình.

“Vì đang dùng thuốc nên họ không thể cho con bú. Tuy nhiên, hằng ngày, hai bệnh nhân này vẫn đều đặn hút sữa ra, với hy vọng duy trì được nguồn sữa mẹ cho con sau khi điều trị xong”, TS. Tâm cho hay.

Nguyên nhân, hướng điều trị và lời khuyên từ chuyên gia

Những biểu hiện và cách phân biệt giữa 2 chứng bệnh “trầm cảm sau sinh” và “loạn thần sau sinh” đã được Báo ANTĐ đăng tải trong bài viết trước.

Trong đó, chứng trầm cảm phổ biến hơn, và ở một góc độ nào đó, có thể nói là “độ nguy hiểm” thấp hơn, song khó phát hiện hơn so với loạn thần.

Người mắc chứng trầm cảm sau sinh nếu tiến triển lên thể nặng, sẽ có ý định tự sát, và việc họ sát hại con mình trước chỉ là do lo lắng không có ai chăm sóc con tốt khi mình ra đi, và sau đó họ sẽ tự tử. Trong khi đó, người mắc chứng loạn thần không kiểm soát được tư duy và tri giác của mình, dẫn tới những hành vi mất kiểm soát như sát hại con, song họ không có ý định tự tử…

TS. BS Dương Minh Tâm cho hay, nguyên nhân dẫn tới những căn bệnh rối loạn tâm thần sau sinh có nhiều yếu tố, trong đó việc sinh đẻ có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp.

“Khi bước vào quá trình sinh nở, người phụ nữ thay đổi nhiều yếu tố, từ cơ thể cho tới nội tiết tố, tâm sinh lý… Điều này có thể khiến họ rơi vào tình trạng bất ổn tâm thần nếu không được chia sẻ, hoặc phải chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người phụ nữ đã mang ‘mầm’ rối loạn tâm thần, và sự thay đổi cơ thể khi sinh nở trở thành yếu tố thuận lợi để bệnh lý tiềm ẩn này phát triển”, TS. Tâm chỉ rõ.

Sự biến đổi lớn từ quá trình sinh đẻ khiến nhiều phụ nữ lâm vào tình trạng bất ổn tâm thần (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia y khoa về tâm thần học nói trên, việc điều trị các chứng trầm cảm sau sinh hay loạn thần sau sinh phải có lộ trình khoa học, với các loại thuốc và phương pháp trị liệu phù hợp.

“Việc điều trị cho bệnh nhân mắc trầm cảm dễ dàng hơn, khả năng tiến triển hiệu quả nhanh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường. Bệnh nhân cũng không còn dấu hiệu gì của bệnh sau quá trình điều trị. Trong khi đó, điều trị bệnh loạn thần phức tạp hơn, tùy vào tình trạng bệnh. Nếu bị loạn thần mạn tính thì người bệnh thậm chí phải điều trị suốt đời”, TS. Tâm cho hay.

Lời khuyên của vị trưởng phòng điều trị Stress (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) này dành cho phụ nữ sau sinh để không bị “dính” vào những căn bệnh rối loạn tâm thần là, chị em cần chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi làm mẹ, đặc biệt cần tích cực tìm hiểu thông tin, kiến thức về quá trình sinh nở cũng như chăm con, để không bị sốc, bỡ ngỡ vì những điều mới mẻ khi sinh con.

“Chị em càng chuẩn bị tốt, càng biết nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Vì trước khi sinh con, người mẹ có thể là tâm điểm được chăm sóc, thì khi sinh con ra rồi, họ lại phải chăm sóc ‘tâm điểm’ mới. Rồi những khó khăn trong quá trình nuôi con, sự thiếu chia sẻ giữa hai vợ chồng, sự khác biệt quan điểm trong việc chăm sóc bé giữa 2 thế hệ… đều có thể gây ra tình trạng bất ổn tâm thần cho người phụ nữ. Việc chuẩn bị tâm lý trước để đối đầu với những khó khăn đó rất quan trọng”, TS. Tâm chia sẻ.

Sự chăm sóc thái quá từ người thân, hay sự khác biệt trong quan điểm chăm nuôi bé có thể khiến người mẹ bị trầm cảm (Ảnh minh họa)

Người thân của những phụ nữ sau sinh cũng cần tinh tế hơn, để nắm bắt những thay đổi của người mẹ, từ đó chia sẻ hiệu quả và không tạo ra những áp lực mới đối với họ, trong hoàn cảnh họ đang rất vất vả để chăm nuôi con nhỏ.