Trạm bơm điện - Đầu tư 3,2 tỉ để rồi “đắp chiếu”

ANTĐ-  Công trình trạm bơm điện Bình Sơn (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) có tổng mức đầu tư gần 3,2 tỉ đồng, đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2005. Thế nhưng từ đó đến nay công trình này không hoạt động, hiện vẫn còn “đắp chiếu” chờ sửa chữa, nâng cấp…

Đầu tư tiền tỉ… 

Công trình trạm bơm điện Bình Sơn do Ban quản lý Các công trình đầu tư và xây dựng cơ bản huyện Tây Hòa (đại diện UBND huyện) làm chủ đầu tư, với tổng số tiền gần 3,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo thiết kế ban đầu, trạm bơm này có công suất tưới cho khoảng 50ha lúa hai vụ và 200ha diện tích hoa màu, trong đó chủ yếu là mía. Cuối năm 2005, công trình trạm bơm điện Bình Sơn được xây dựng xong và nghiệm thu, bàn giao cho Phòng NN-PTNT huyện quản lý, khai thác. Thế nhưng từ đó đến nay công trình này không hoạt động, hiện vẫn còn “đắp chiếu” chờ sửa chữa, nâng cấp…

Theo ông Lê Toàn, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên nguyên nhân là do hệ thống kênh nhánh chưa xây dựng xong; mặt bằng đồng ruộng gồ ghề, cao thấp không đồng đều nên việc dẫn thủy gặp khó khăn; hệ thống bờ vùng, bờ thửa chưa có nên khi lấy nước vào ruộng không giữ được nước. Ông Lê Toàn cho biết: “Việc cải tạo, san ủi mặt bằng đồng ruộng phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi thời gian cải tạo lâu dài nên ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất của bà con. Vấn đề huy động vốn từ nhân dân đóng góp để xây dựng hệ thống kênh nhánh không thực hiện được vì người dân không chịu đóng góp”.

Một công trình phục vụ dân sinh, đầu tư hàng mấy tỉ đồng thế nhưng sau khi nghiệm thu lại không thể đưa vào hoạt động, đây là một sự lãng phí lớn. Người dân địa phương cho rằng, khâu khảo sát, thiết kế không đảm bảo, chưa sát với thực tế nên khi công trình hoàn thành không thể đưa vào hoạt động.

Ông Nguyễn Tân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết: “Hưởng lợi nguồn nước tưới từ trạm bơm điện Bình Sơn gồm có diện tích lúa và hoa màu của hai xã Hòa Phú, Hòa Phong và Cơ sở giáo dục A1. Nhiều năm nay người dân địa phương đã kiến nghị UBND huyện cải tạo đồng ruộng, sửa chữa và xây mới nhằm hoàn thiện hệ thống kênh mương nhưng huyện chưa có kinh phí. Hiện nay có hơn 100ha đất ở khu vực này vẫn canh tác theo kiểu phụ thuộc vào nước trời…”.

Công trình Trạm bơm điện bỏ hoang nhiều năm

Năm 2013 có nước tưới?

Theo ông Lê Toàn, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, Phú Yên, từ cuối năm 2005 đến nay trạm bơm điện Bình Sơn chỉ chạy vận hành thử vài lần rồi ngưng hoạt động. Vì thiếu kinh phí nên không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng do đó một số thiết bị máy móc đã xuống cấp, hệ thống đường ống nước trạm bơm đã bị gỉ sét, hệ thống kênh chính bị sạt lở nhiều đoạn… Đầu năm 2012, UBND huyện Tây Hòa đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan cùng địa phương khảo sát thực địa và báo cáo để UBND huyện có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp trạm bơm điện Bình Sơn.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: “Đoàn công tác khảo sát thực địa tại khu vực sử dụng nước tưới của hệ thống trạm bơm điện Bình Sơn đã thống nhất: Trước mắt cải tạo mặt bằng với diện tích khoảng 50ha và xây dựng hệ thống kênh nhánh khu vực thượng lưu kênh chính bắc; sửa chữa và nâng cấp kênh chính bắc để tưới cho khoảng 100ha diện tích lúa và hoa màu. Phòng NN-PTNT huyện cùng đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với UBND hai xã Hòa Phú, Hòa Phong và Cơ sở giáo dục A1 tiến hành lập các thủ tục đầu tư và xây dựng dự án nhằm đảo bảo nước tưới phục vụ sản xuất trong năm 2013”.

Cuối tháng 3/2012, UBND huyện Tây Hòa đã cho phép lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Đầu tư sửa chữa và nâng cấp trạm bơm điện Bình Sơn, giao cho Phòng NN-PTNT huyện làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư là nạo vét bể hút và lòng sông đoạn cửa vào bể hút; sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh mương và công trình trên kênh để tưới cho khoảng 43ha phía thượng lưu cầu Máng kênh chính bắc và khoảng 70ha khu vực phía bắc trạm bơm, đồng thời bảo dưỡng các thiết bị điện, đường ống và máy bơm. Nguồn vốn đầu tư từ vốn sự nghiệp kinh tế của huyện, thời gian thực hiện trong năm 2012”.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: “Phòng NN-PTNT huyện đã hợp đồng với đơn vị tư vấn và đang lập hồ sơ kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi làm xong thủ tục, Phòng NN-PTNT huyện sẽ trình UBND huyện và các cơ quan chuyên môn khác, nếu đồng ý Phòng NN-PTNT huyện sẽ triển khai các bước tiếp theo trong quy trình đầu tư, xây dựng”.