- Baghdad tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Iraq
- Đức và châu Âu một lần nữa trở thành mục tiêu của IS
- Iraq tuyên án tử hình vợ của thủ lĩnh IS
Trại giam al-Hol ở tỉnh Hassakeh, đông bắc Syria là nơi quản lý hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em có liên hệ với IS |
Ahmad Abdullah Hammoud may mắn khi có một số thực phẩm dự trữ sau khi một tổ chức do Mỹ tài trợ đột ngột đình chỉ các hoạt động viện trợ tại trại tị nạn lớn ở đông bắc Syria, nơi họ sống được gần 6 năm.
Gia đình Hammoud nằm trong số 37.000 người, chủ yếu là vợ và con của các phiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như những người ủng hộ nhóm phiến quân này. Họ sống tại trại al-Hol, ở tỉnh Hassakeh, một nơi ảm đạm, đầy rác và dưới sự giám sát của liên minh do Mỹ đứng đầu để chống lại IS.
Được biết, tổ chức Blumont có trụ sở tại Mỹ đã tạm dừng hoạt động. Trước kia, tổ chức này cung cấp các nhu yếu phẩm như bánh mì, nước, dầu hỏa và gas cho trại. “Chúng tôi rất lo lắng khi Blumont tạm dừng hoạt động”, Hammoud cho biết.
Giám đốc trại Jihan Hanan cho hay, Blumont phân phát 5.000 túi bánh mì mỗi ngày với chi phí khoảng 4.000 USD, một con số mà chính quyền địa phương ở vùng đất do người Kurd quản lý không đủ khả năng chi trả. Các cơ quan viện trợ khác, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới, cũng đã ngừng một số hoạt động.
Ông Mazloum Abdi, chỉ huy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF)do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát vùng đông bắc Syria cho biết, ông đã nêu vấn đề đóng băng viện trợ với các quan chức từ liên minh do Mỹ lãnh đạo. “Chúng tôi đang trên bờ vực tìm ra giải pháp thay thế cho quyết định này, trong đó vùng đông bắc Syria có thể được hưởng quyền miễn trừ”, ông Abdi nói.
Lệnh đóng băng của Mỹ được ban hành khi IS cố gắng tận dụng khoảng trống được tạo ra do chính quyền Tổng thống al-Assad bị quân nổi dậy lật đổ vào đầu tháng 12-2024. Tuy nhiên, một đợt cắt giảm nguồn cung cấp lương thực có thể dẫn đến các cuộc bạo loạn của cư dân trại giam mà IS, vốn có các nhóm hoạt động ngầm ở đó, có thể lợi dụng.
Giám đốc trại Hanan cho biết, họ đã nhận được nhiều nguồn tin cảnh báo rằng IS đang chuẩn bị tấn công trại. Vì thế, an ninh đã được tăng cường và tình hình đang được kiểm soát.
Al-Hol là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, như lời Giám đốc trại Hanan khẳng định. |
SDF điều hành 28 cơ sở giam giữ ở đông bắc Syria giam giữ khoảng 9.000 thành viên IS. Nhưng trại al-Hol lại là nơi ở của khoảng 16.000 người Iraq và 15.000 người Syria được cho là có liên quan đến IS. Tại đây, một khu vực riêng biệt được canh gác nghiêm ngặt có 6.300 người khác từ 42 quốc gia, phần lớn là vợ, góa phụ và trẻ em được coi là những người ủng hộ IS trung thành nhất.
Asmaa Ahmad, một phụ nữ đến từ Tân Cương, Trung Quốc có chồng là phiến quân IS đã tử trận tại ngôi làng Baghouz ở miền Đông Syria, vào năm 2019. Ahmad cùng 4 người con sống trong trại không muốn quay trở lại Trung Quốc. Khi được hỏi về việc tạm thời mất viện trợ của Mỹ, cô trả lời: “Nguồn sống đến từ Chúa”. Người phụ nữ này cho biết, gia đình họ đang chờ các thành viên IS đến giải cứu một ngày nào đó.
Với những lẽ đó, Al-Hol là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, như lời Giám đốc trại Hanan khẳng định. Bà Hanan cho rằng, các quốc gia nên hồi hương công dân của mình để ngăn chặn trẻ em bị nhồi nhét tư tưởng cực đoan. “Nơi này không phù hợp với trẻ em”, bà nói.
Ở khu trại này, thanh thiếu niên và trẻ em hầu như không có việc gì làm ngoài dành thời gian chơi bóng đá hoặc lang thang.
Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã thúc đẩy các quốc gia có công dân tại al-Hol và Trại Roj nhỏ hơn để hồi hương họ. “Nếu không có nỗ lực hồi hương, phục hồi và tái hòa nhập quốc tế, những trại này có nguy cơ tạo ra thế hệ IS tiếp theo”, Tướng Michael Erik Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cho biết trong chuyến thăm al-Hol vào giữa tháng 1-2025.
Theo bà Hanan, kể từ khi chính quyền Assad sụp đổ, nhiều người Syria trong trại đã bày tỏ mong muốn được trở về nhà nên bất kỳ người nào muốn đều có thể đi. Nhưng ngay cả khi dân số trong trại giảm, “sẽ có một thảm họa” nếu viện trợ của Mỹ đột nhiên bị cắt.