Trại giam bí mật nơi lực lượng người Kurd "vô hiệu hóa" tù nhân IS

ANTD.VN - Tại nhà tù lớn nhất giam giữ các cựu thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần thành phố Hasakah, phía Đông Syria, lực lượng quản ngục người Kurd đã tìm cách “vô hiệu hóa” các chiến binh thánh chiến mặc dù bên ngoài giao tranh vẫn tiếp diễn.

Ở một nơi nào đó ở gần thành phố Hasakah, phía Đông Syria, không thể tiết lộ vị trí chính xác vì lý do bí mật, là nhà tù lớn nhất dành cho các cựu binh IS. “Chúng tôi có các tù nhân từ hơn 40 quốc gia, bao gồm Arab Saudi, Qatar, Libya, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ và Đức. Tất cả bọn họ đều bị bắt trong trận Baghuz”, viên chỉ huy nhà tù nói.

Trại giam bí mật nơi lực lượng người Kurd "vô hiệu hóa" tù nhân IS ảnh 1Các tù nhân IS chen chúc trong các phòng giam chật hẹp và thiếu vệ sinh

Biệt giam và tìm cách thay đổi suy nghĩ

Tại trận Baghuz - trận chiến cuối cùng vào mùa xuân năm nay, một nhóm nhỏ của tàn quân IS còn trụ lại trong một thị trấn nhỏ gần biên giới Iraq yếu ớt chống cự trước lực lượng dân quân người Kurd (YPG) và các đồng minh phương Tây. Các thành viên IS cấp cao hơn đã lẩn trốn, đặc biệt là người xuất thân từ nơi khác, không có mối quan hệ hay tiền bạc để có thể rút lui kịp thời. Kể từ khi bị bắt đến nay, các tù nhân này không biết chuyện gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. 

Các cựu binh IS chỉ được phép ra ngoài trời mỗi ngày 1 tiếng, còn lại, hoàn toàn bị cô lập trong những bức tường của nhà máy cũ. Tất cả tù nhân ở đây đều mặc màu cam, giống như những người bị IS giam giữ trong các video tuyên truyền và hành quyết của bọn chúng. IS thời gian đầu cũng bắt chước cho tù nhân mặc trang phục màu cam giống như ở nhà tù Guantánamo khét tiếng của Mỹ. Trong phòng giam, dễ bắt gặp cảnh khăn mặt treo trên tường, cốc nhựa chất đống và ở một góc, xô nhựa được sử dụng khi phòng vệ sinh có người. Kể cả khi có giường trong bệnh xá, mọi thứ cũng chẳng khá hơn nhiều. Trong bệnh xá, tù nhân có thể nghe thấy tiếng rên rỉ, đôi khi do bị thương nặng và đề phòng nguy cơ nhiễm trùng, người lạ tới đây đều phải đeo khẩu trang.

Nhà tù này nằm trong một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ huy người Kurd xác nhận. Khi tiếp xúc với các thành viên IS, từ chỉ huy đến binh lính cấp dưới đều đeo khẩu trang kín mặt để che giấu danh tính. Điều này chứng tỏ họ rất sợ bị trả thù một khi đội quân IS này được thả ra. Chỉ huy trại giam cho biết, các lính canh của họ đang cố gắng đảo ngược sự cực đoan hóa của các cựu binh IS bằng cách cho họ tự vẽ tranh, phát huy trí tưởng tượng của họ. 

Phương pháp để vô hiệu hóa các phần tử thánh chiến này có vẻ hơi không chính thống nhưng như lời một trong những quản giáo tại đây: “Chúng tôi thay đổi suy nghĩ của bọn họ”. Tuy nhiên, công tác cải tạo một cách toàn diện khó có thể thực hiện được vào lúc này, vì người Kurd phải rút bớt lính canh vì cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đẩy người Kurd khỏi biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những tội phạm không nơi nào xét xử

Một số chính trị gia ở các quốc gia khác đã tuyên bố rằng họ sẽ chỉ tiếp nhận lại các thành viên IS trong trường hợp có bằng chứng có thể sử dụng được tại tòa án. Có vẻ như đây là trò đùa tệ hại với lực lượng người Kurd: Trước tiên, đó là những kẻ tội phạm xâm chiếm vùng đất của họ; Thêm vào đó, các quốc gia có những kẻ xâm lược này từ chối bắt công dân của họ chịu trách nhiệm và thay vào đó, đẩy trách nhiệm quản lý sang quốc gia khác.

Không giống như những con tin đã bị IS hành quyết, các tay súng IS này sẽ không bị xử tử. “Chúng tôi coi họ như tù nhân, không có gì khác”, chỉ huy nhà tù nói. Những người quản ngục cũng không có ý định trả thù cho bất kỳ phiến quân thánh chiến nào, mặc dù họ đã mất nhiều người thân và bạn bè dưới tay quân khủng bố IS. Đã có ít nhất 570.000 người mất mạng vì IS kể từ khi loạn lạc, chiến tranh bắt đầu nổi lên năm 2011, chưa kể hàng triệu người tị nạn cũng đã phải rời khỏi mảnh đất Syria. 

Gần đây, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý chấm dứt xung đột với đồng minh Syria cũng như việc rút lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực xung quanh biên giới, đụng độ giữa các bên vẫn thường xuyên xảy ra. Người tị nạn Syria vẫn chưa có nơi để trở về vì rủi ro luôn rình rập khi đâu đó vẫn còn những cuộc giao tranh khốc liệt. Bởi vậy, hơn 8 năm xảy ra nội chiến, đường đến hòa bình với Syria vẫn còn xa vời. 

Nếu người ở bên ngoài được phép tiếp xúc với các tù nhân này, nguyên tắc đặt ra là không được đề cập đến việc thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hay chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đầu tháng 10-2019. Binh lính người Kurd cai quản trại giam lo ngại, điều này có thể kích động một cuộc nổi dậy trong số các tù nhân.