Chuyện kể ở những nơi trai gái bị “cấm yêu” hàng trăm năm (2)

Trai gái một nghìn năm nay phải chia lìa vì lệ của 2 làng bên bờ sông Như Nguyệt

ANTĐ - Nằm bên bờ sông Như Nguyệt đẹp thơ mộng, trai gái hai làng Cẩm Hoàng và Xuân Biều nổi tiếng là những nơi có nhiều “trai tài, gái sắc”. Nhưng hàng nghìn năm nay, trai gái hai làng ấy lại chẳng thể đến được với nhau vì lệ làng của hai thôn cấm kết hôn. Vì thế những mối tình đó từ nghìn năm nay cứ ngậm ngùi trôi theo dòng nước sông Như Nguyệt vì tục lệ có một không hai này này.

Trai gái một nghìn năm nay phải chia lìa vì lệ của 2 làng bên bờ sông Như Nguyệt ảnh 1
Dòng sông Như Nguyệt nơi chứng kiến nhiều đôi nam thanh nữ tú hàng nghìn năm nay
phải chia lìa vì lệ làng nghiêm ngặt

Thờ chung một thánh trở thành anh em

Hai làng Cẩm Hoàng và Xuân Biều đều thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Là những ngôi làng có tuổi thọ lên tới hàng nghìn năm tuổi. Nhưng ở đây cũng được ghi nhận là nơi có kỷ lục cấm trai gái không được lấy nhau lâu nhất. Tục lệ cấm trai gái kết hôn này đã tồn tại và duy trì ngót nghìn năm nay từ khi lập làng cho tới tận bây giờ nó vẫn chưa bị phá vỡ.

Tục lệ này vốn bắt nguồn từ việc hai thôn thờ chung một vị thánh tên đức Thánh Tam Giang. Vị thánh này vốn là một danh tướng đời vua Triệu Việt Vương, không ai còn nhớ tên thật của vị tướng là gì mà chỉ suy tôn tên hiệu là Thánh Tam Giang vì ông có công tổ chức khai hoang, lập hóa cho những ngôi làng ven sông Như Nguyệt trong đó có Cẩm Hoàng và Xuân Biều.

Năm đó có nạn giặc ngoại xâm từ phương Bắc dưới thời nhà Lương do tướng Trần Bá Tiên đem quân xâm chiếm nước ta. Triệu Việt Vương đã cử vị tướng tài giỏi của mình lập chiến tuyến ở khu vực sông Như Nguyệt. Vị tướng này đi đến đâu chọn những trai đinh khỏe mạnh đến đó rồi ông cho đóng quân ở địa phận giữa làng Cẩm Hoàng và Xuân Biều, cạnh con sông cản đường đi của địch. Sau đó xảy ra trận đánh kịch liệt giữa quân ta và giặc  phương Bắc ở phòng tuyến đó, tương truyền tên gọi là trận đánh Tam Giang. Trong trận đại chiến đó quân ta đại thắng, quân giặc phải rút lui không dám tiến thêm một bước. Khi hết nạn ngoại xâm, tướng quân rút quân, dân làng hai thôn nhớ ơn vị tướng bèn lập đền thờ ông ở mỗi làng, gọi tên là Thánh Tam Giang.

Vì hai làng thờ chung một thánh, lại cùng góp công trong việc chống lại giặc ngoại xâm nên hai làng đã kết nghĩa anh em với nhau. Từ đó công việc làng này cũng là công việc của làng kia và ngược lại. Có những lần cách đây mấy trăm năm đoạn đê ở thôn Cẩm Hoàng bị vỡ vào ban đêm, tất cả những người ở thôn Xuân Biều nửa đêm không ai bảo ai khi nghe tiếng trống hộ đê ở thôn Cẩm Hoàng đồng loạt thức dậy  thắp đuốc xuống đắp đê giúp làng anh em của mình. Rồi có năm Đình làng Xuân Biều bị giặc Pháp đốt phá phải làm lại, Cẩm Hoàng cử những thợ giỏi nhất lên giúp dựng lại. Khi dựng xong do Xuân Biều còn nghèo nên không có ngói lợp, ngay lập tức người làng Cẩm Hoàng báo tin nhau ngay nửa đêm mua ngói gánh lên xếp kín đình làng Xuân Biều.

Rồi vào nhưng năm cách mạng 1945 khi cán bộ Việt minh về Xuân Biều tuyên truyền cách mạng, tổ chức mít-tinh tại đình làng. Giặc Pháp và quan lại phong kiến cho người về đàn áp, nghe tin ngay lập tức tất cả những thanh niên trai tráng Cẩm Hoàng xách mã tấu đến đình làng Xuân Biều canh giữ cuộc mít tinh giúp cho làng anh, khiến đám quan lại lính tráng cũng không dám làm gì.

Lời thề bên sông Nguyệt Đức

Vì tình thân như thủ túc nên từ lúc kết nghĩa hai thôn quy định đã là ruột thịt thì trai gái cũng không được lấy nhau vì không thể “anh lấy em được”. Cả hai thôn lập ra lời thề là “sông Nguyệt Đức (tên gọi sông Như Nguyệt bây giờ) có cạn, núi Hứa Sơn có mòn thì tình nghĩa anh em cũng sẽ không đổi thay”. Lời thề này cũng đồng nghĩa với việc trai gái hai thôn vĩnh viễn không bao giờ được lấy nhau. Và nghìn năm nay Xuân Biều và Cẩm Hoàng chưa có một “đôi uyên ương” nào được lấy nhau cả.

Theo cụ Nguyễn Xuân Trình (75 tuổi), là hội trưởng hội người cao tuổi của thôn Cẩm Hoàng thì lệ này giữa hai làng được quy định cụ thể trong hương ước. Theo quy định thì bất kì ai vi phạm cũng sẽ bị đuổi khỏi làng, không được tham gia bất kỳ hội làng nào. Người đó khi chết cũng không được dân làng đến phúng viếng hay tiễn đưa…

Tuy là điều cấm kỵ nhưng  không phải trong nghìn năm đó không có chuyện gì xảy ra. Như cụ Trình kể thì trong dòng họ Nguyễn mấy trăm năm trước đây cũng từng xảy ra chuyện tày đình đó. Khi đó họ Nguyễn có một thanh niên làm nghề chài lưới ở sông, đã gặp gỡ một người con gái Xuân Biều thường hay ra bờ sông lấy nước. Từ vài câu hát giao duyên, những ánh mắt trai gái đương xuân thì nên tình cảm giữa chàng ngư phủ và cô thôn nữ đã nảy nở. Khi câu chuyện tình vỡ lở, ngay lập tức tất cả dân hai làng phản đối buộc đôi trai gái phải chấm dứt tình cảm không thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Cuối cùng họ cũng phải chia lìa vì không thể chống lại lệ làng được. Vì tình cảm sâu đậm nên người thôn nữ đó cũng đã không lấy chồng để giữ lòng chung thủy sắt son với chàng trai họ Nguyễn.

Rồi có một chuyện tình cũng đẹp thơ mộng giữa một người có chức sắc thời bấy giờ ở làng Cẩm Hoàng và một cô gái đẹp nức tiếng ở thôn Xuân Biều cách đây gần thế kỉ. Khi cả hai người định đến với nhau nhưng bị dân làng phản đối và buộc người đó thôi chức, tách ra khỏi làng, còn người con gái cũng phải ra khỏi họ thì mới được cưới nhau. Cuối cùng thì họ cũng đành tuân theo tục lệ đó vì không chịu nổi áp lực của dân làng. Chuyện tình đó diễn ra khi cụ Trình còn nhỏ, sau này lớn lên cũng biết những người đó vì họ cũng vì chữ “nghĩa” nên phải bỏ chữ “tình” lại.

Con cháu phản đối nhưng không thắng được lệ làng

Theo trưởng thôn của Cẩm Hoàng là ông Vũ Trường Giang (60 tuổi) thì lệ này được thực hiện nghiêm ngặt, ngay cả khi hai làng đã tách ra làm 5 thôn tất cả nhưng tất cả vẫn giữ tục lệ chung là trai gái hai làng cấm kỵ đến với nhau. Vì thế, tuy chia làng Xuân Biều nhiều năm nay chưa có một vi phạm nào đến tục lệ này cả. Người 5 thôn vẫn coi như là người hai làng và giữ nghiêm tập tục như cũ với nhau.

Có một thực tế như ông Giang và Cụ Trình nói thì đến nay đã có những người tầng lớp trẻ phản đối tục lệ của làng. Cách đây khoảng 5 năm, có một đôi nam nữ của hai thôn có tình cảm với nhau. Khi đó họ cũng đi thuyết phục những người cao niên nên bỏ tục lệ đó đi nhưng không được chấp thuận. Rồi có những lần một số con cháu trong thôn Cẩm Hoàng phản ánh các cụ là lạc hậu, giữ mãi truyền thống hà khắc đó. Họ nói “tại sao hàng nghìn năm rồi mà vẫn giữ làm gì, khiến con cháu yêu nhau mà không đến được với nhau?”. Nhưng đó chỉ là thiểu số, lệ làng vẫn được thực hiện chưa ai dám vi phạm. Bởi vậy nên hàng nghìn năm nay, những chuyện tình cảm đôi lứa yêu nhau của hai làng nằm cạnh con sông Như Nguyệt này đều phải chôn vùi theo dòng nước mà thôi.

Kỳ 3: Nơi trai gái không bao giờ dám lấy nhau vì “sấm truyền”